Ngọt ngào hương vị bánh quê

Nh.V |

Chẳng cần phải đợi đến Tết, giữa những ngày đông đã thấy chợ quê, chợ phố bày bán món bánh xoài, một trong những thức bánh đặc trưng của ngày Tết cổ truyền dân tộc. Và khi được thưởng thức vị ngọt, thơm, bùi, béo của bánh bên cốc nước chè xanh nóng hổi, mùa đông bỗng trở nên ấm áp lạ thường.

Năm nào cũng vậy, khi cái lạnh vội vã ùa về, cũng là lúc các bà nội trợ khoe tài bằng những món bánh và bánh xoài là thứ không thể thiếu. Tên là bánh xoài nhưng nguyên liệu làm bánh không hề có thành phần nào từ cây xoài hay quả xoài mà là do hình dáng, màu sắc của bánh gần giống với quả xoài nên người ta lấy tên loại quả này đặt tên cho bánh. Ngày nay, rất nhiều người dân ở thành phố Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh… biết làm bánh, nhưng theo chị Trần Thị Thiệp ở xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới), người có nhiều kinh nghiệm trong chế biến các loại bánh dân dã, trong đó có bánh xoài thì làm bánh xoài không khó nhưng muốn có bánh ngon, đẹp, người làm bánh phải rất kỳ công.

Bánh xoài tuy dân dã nhưng lại được rất nhiều người yêu thích.
Bánh xoài tuy dân dã nhưng lại được rất nhiều người yêu thích.

Nguyên liệu chính để làm nên món bánh này thường là bột được lấy từ củ dong, trứng gà hoặc trứng vịt (trứng gà cho hương thơm hấp dẫn hơn) và đường trắng. Bánh có nhiều hình dạng khác nhau như hình trái tim, hình bầu dục (giống trái xoài), hình hoa (tùy theo khuôn nướng), nhưng phổ biến nhất là hình trái xoài. Trước đây, người làm bánh phải dùng tay để trộn bột cùng với các nguyên liệu, nhưng ngày nay, đa số người làm bánh đều dùng máy để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, theo chị Thiệp thì quết nguyên liệu bằng tay tuy rất vất vả nhưng lại cho ra đời sản phẩm bánh chất lượng hơn. Ngoài các nguyên liệu truyền thống, người làm bánh ngày nay còn trộn thêm sữa đặc có đường để tăng vị thơm, béo cho bánh. Có người còn tạo ra những chiếc bánh xoài với các màu sắc, hương vị khác nhau bằng cách cho thêm lá dứa, cam, chanh dây… hòa cùng các nguyên liệu. Bánh xoài truyền thống sau khi nướng chín có màu vàng ruộm, lan tỏa hương vị đặc trưng rất hấp dẫn. Trên thị trường hiện nay, giá cả của bánh xoài dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. 

Chị Trần Thị Hương Liên, một “tay bánh xoài” có tiếng ở thành phố Đồng Hới cho hay: Làm bánh xoài tuy đơn giản nhưng phải thật thận trọng từ khâu lựa chọn nguyên liệu, tạo bột, phân chia tỷ lệ nguyên liệu và nướng phải đạt chuẩn mới có thể cho ra sản phẩm chất lượng cao. Năm nào cũng vậy, cứ vào độ lập đông, chị lại háo hức với công việc yêu thích của mình là chế biến ra những chiếc bánh xoài xinh xắn để phục cho thực khách trên địa bàn thành phố Đồng Hới và các địa phương lân cận. Không mở hàng quán, không nhập cho các chợ, sản phẩm bánh xoài của chị ra lò bao nhiêu là khách quen mua hết bấy nhiêu. Với chị Liên, lời lãi từ việc làm bánh xoài không đáng là bao, chủ yếu lấy công làm lãi nhưng bù lại chị có được niềm vui khi sản phẩm mình làm ra được mọi người đón nhận bằng những lời khen ngợi. Điều đó càng tiếp thêm niềm đam mê với công việc bếp núc của chị.

Tôi có người bạn đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội rất yêu thích món bánh xoài. Lúc nào gọi điện thoại cho tôi, bạn cũng nhắc: “Nếu có điều kiện hãy gửi bánh xoài ra Hà Nội cho tớ nhé. Nhớ hương vị ấy vô cùng…”. Bạn kể, mỗi lần nhận được bánh từ quê nhà, bạn luôn mời những người hàng xóm cùng thưởng trà và nhâm nhi miếng bánh. Ai cũng tấm tắc khen rằng: dư vị rất đặc biệt. Ăn một lần là nhớ, nhớ người làm bánh, nhớ vùng đất nổi tiếng với “gió Lào, cát trắng” nhưng lại là xứ sở của những chiếc bánh quê có hương vị vừa lạ, vừa quen.

Không cầu kỳ như các loại bánh khác, bánh xoài mộc mạc đến nỗi không có cả vỏ bọc, không hương liệu tạo màu sắc mà chỉ giản đơn là những chiếc bánh kích thước chừng quả trứng gà có màu vàng nhạt tự nhiên của trứng và bột đã qua lửa. Những chiếc bánh được gói trong từng bao giấy hoặc túi nilon trong suốt nhưng được rất nhiều người chọn để làm quà biếu cho bạn bè, người thân ở phương xa trong mỗi dịp hội ngộ vui xuân, đón Tết. Có người dùng bánh như một món ăn vặt, ăn lót dạ khi đói nhưng có người dùng bánh thay cho bữa sáng vì chỉ cần 5-7 chiếc bánh cộng thêm cốc nước là đã có thể ấm bụng.

Thường thì các năm trước, chỉ vào dịp cuối năm, các mẹ, các chị mới trổ tài làm bánh để phục vụ ba ngày Tết. Nhưng những năm gần đây, cứ vào dịp tháng 10 âm lịch là các bà nội trợ đã chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh vì nhận thấy nhu cầu sử dụng bánh trong những ngày lạnh của người dân ngày càng tăng cao. Khéo tay, hay làm, nên sản phẩm của các mẹ, các chị được nhiều khách hàng ưa chuộng để rồi tên của họ gắn với tên bánh từ lúc nào không hay.

Bánh xoài là món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người dân Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới, trở thành món “ruột” cùng sánh đôi với bánh chưng, bánh tét mỗi độ xuân sang. Bánh không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng.

Và những ngày cuối đông hay trong dịp Tết, thưởng thức hương vị bánh xoài ngọt nhẹ, thơm lừng bên tách trà nóng hổi để rồi gieo vào lòng người xa quê nỗi nhớ-nhớ nếp nhà bình yên với làn hương rất riêng mà chỉ thể gọi đó là hương quê.

TAGS

Lễ hội ARiêu Ping của người Pa Cô

Lê Văn Hà |

Lễ hội A riêu Ping của đồng bào Pa Cô ở miền tây Quảng Trị là một lễ hội tưng bừng, hoành tráng, trang trọng, chu đáo hơn so với các lễ hội khác, nhất  là lễ hội này được tổ chức chính thống 10 năm một lần của họ trên những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn bao la, hùng vĩ.             

Truyền thống cách mạng của vùng quê Chợ Cạn

Minh Kha - Cảnh Thu |

Chợ Cạn thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được mọi người biết đến là một trong những “chiến khu” cách mạng. Những năm 1947, 1948 Chợ Cạn là nơi diễn ra các trận chiến đấu ác liệt giữa quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Với vai trò là chiến khu chống giặc, cán bộ, chiến sĩ và nhiều cơ sở cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bám đất giữ làng, chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc, xây dựng vững chắc thế trận và bảo vệ thành quả cách mạng.

Nơi hội tụ và lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa

Thu Hạ |

Gio Linh, mảnh đất với nhiều di tích, địa danh huyền thoại đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí đấu tranh bất diệt của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Từ những giá trị đặc biệt đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gio Linh đang nỗ lực tận dụng lợi thế để từng bước khai thác, phát triển bền vững những tiềm năng du lịch gắn với với bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử, chiến tranh cách mạng.

Thư tình gửi một người, cuốn sách giải mã ca từ và soi chiếu con người Trịnh Công Sơn

Nguyễn Hoàn |

 Nhân kỷ niệm 10 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cõi thiên thu 1/4 (2001-2011), Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn sách “Thư tình gửi một người” tập hợp hơn 300 trang thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Vũ Dao Ánh, người tình có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu bền trong cảm hứng sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ.