Ai cũng có một làng quê để nhớ, để về. Tôi trở về Cửa Việt, miền quê cát trắng vào những ngày hè khi nắng nóng đang ở đỉnh điểm.
Những đồi cát trắng nối tiếp nhau phản chiếu ánh mặt trời chói chang, bông nắng bay bay là là trong tầm mắt, khiến cho cái nóng như bỏng rát hơn. Những con đường cát dẫn vào làng giờ đã được bê tông hóa. Những con đường lớn mới mở dẫn vào những khu công nghiệp khiến làng quê có nhiều đổi khác. Nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên bên cạnh con đường lớn. Làng quê dẫu khác nhiều nhưng trong ánh mắt hồn hậu, trên làn da rám nắng của mỗi người dân ở đây vẫn còn nguyên nét gì đó rất riêng của những con người lớn lên trên vùng “gió Lào cát trắng” đã thành biểu tượng của dải đất miền Trung này.
Tôi đến nơi đây lần đầu vào một buổi trưa tháng 6 hơn 30 năm trước. Ngoài con đường chính từ thị xã Quảng Trị về làng Hà Tây (xã Triệu An) đầy ổ gà, chỉ có những con đường ngập cát nối liền thôn xóm. Bàn chân không quen đường cát thật khó bước. Biết tin có người cháu từ Gia Lai trở về, các ông, mệ, chú, bác, o, dì và bà con đến rất đông. Tình cảm và sự thân mật của mọi người đã xóa đi khoảng cách, giúp tôi bớt e ngại.
Sáng hôm sau, tôi theo mẹ và chị ra chợ. Ngôi chợ làng nằm bên bờ con sông Hiếu nối liền Cửa Việt với Đông Hà. Nước sông trong xanh soi bóng những con thuyền đánh cá sau một đêm ra khơi về neo đậu.
Chợ làng ngoài cá, tôm, mực - là những sản phẩm từ biển - còn có heo, gà, vịt, các sản phẩm rau quả từ vườn nhà. Con đường cát lấp bước chân khiến tôi chỉ đi thôi đã khó nhọc. Nhưng trên con đường đó, các mệ, các o, các chị, các em vẫn kĩu kịt những gánh lúa, gánh khoai và rau về nhà. Cát mùa khô như níu bước chân người, có lẽ vì vậy mà người vùng cát mỗi khi đi làm, đi chợ thường để chân trần.
Trưa hè nóng rát, ngay cả cái gió cũng đem theo hơi nóng len lỏi “vào thăm các ngôi nhà”. Những bóng cây phi lao, tràm xanh quanh nhà thành nơi trốn nắng.
Vốn sinh ra lớn lên trên vùng Tây Nguyên quanh năm mát mẻ, mưa thuận gió hòa, tôi thật cảm phục bà con nơi đây khi phải sống và làm việc trong sự khắc nghiệt của thời tiết. Cũng bởi yếu tố thiên nhiên chi phối nên cây lá nơi đây phát triển chậm và màu xanh chỉ phủ đầy khi mùa mưa, mùa xuân đến.
Cũng chính trên những đồi cát, những dòng sông và xa chút nữa là biển cả, năm tháng đi qua, bà con ở đây và chồng tôi đã để lại một tuổi thơ nhiều vất vả nhưng cũng không thiếu những kỷ niệm ngọt ngào. Sáng lội sông bắt cá, tối lội biển kéo tôm, vừa học vừa làm, vất vả mưu sinh, rồi vươn lên như một cây xương rồng trên cát.
Mẹ chồng tôi nhọc nhằn với những gánh khoai, gánh lúa, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Như những phụ nữ thế hệ trước ở làng cát này, mẹ tôi và các dì, các o sống một cuộc đời lam lũ, cam chịu, chưa hề ra khỏi lũy tre làng. Vất vả nuôi con, những người mẹ quê chỉ mong con cháu có cuộc sống ấm no hơn mình.
Đi rồi về. Tôi đã nhiều lần trở lại làng quê cát trắng và vui hơn vì các cháu ngày càng được học hành, có nhiều cơ hội để đi xa, đem lại cho quê hương một sự thay đổi. Nhưng có một điều rất buồn, dù đó đã là quy luật, mỗi năm tôi về, những ông, mệ, chú, bác, o, dì ngày nào đón tôi, giờ đã lần lượt trở thành “người thiên cổ”.
Cha mẹ chồng tôi cũng đã không còn. Tôi nhớ mẹ mỗi lần về lại lấy những đồng tiền lẻ dành dụm được để dẫn các cháu mua những món quà quê, như một cách thể hiện tình thương của bà dành cho cháu.
Tôi nhớ chú tôi, lúc nào cũng chu đáo ân cần, lo cho cháu từng ly nước, chén cơm khi cháu xuống xe ghé nhà, rồi lại cùng cháu thức chờ đón những chuyến xe luôn chậm trễ và đầy khách vào những ngày khó khăn thuở đó. Gần 30 năm, các con tôi đã trưởng thành, tôi cũng đã già đi nhiều, vậy mà sao không khỏi xót xa khi những bóng hình thân yêu cứ xa dần.
Cửa Việt, Triệu Phong… những mảnh đất này hôm nay đã được khoác lên màu áo mới, cây cối xanh tốt, những trục đường giao thông thông suốt… tạo nên sự an lành, tự tin cho một đời sống dân sinh yên bình và bền vững. Biết tận dụng thời cơ và sức mạnh nội lực để vươn lên nên cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều, nhà cửa được xây dựng kiên cố, với nhiều kiểu dáng rất đẹp.
Những bãi cát ngày xưa hoang vắng, nóng bỏng hôm nay trở lại sao cứ ôm lấy bàn chân trần mát rượi. Chiều gió nồm đem theo hương của biển thổi vào lồng lộng. Đi trên con đường cát trắng quê hương, bước chân cảm thấy như cứ níu lại, lòng nôn nao, mùi cát nồng nàn, thân thuộc… cảm giác cay cay ở khóe mắt. Cái mùi vị rất riêng, rất đặc biệt mà chỉ những người sinh ra trên cát, làm dâu, làm rể lâu ngày đi theo thời gian cùng với cát mới hiểu, mới thấm thía vô cùng.
Lần này tôi trở về, việc đầu tiên, cũng như mọi lần, là lên rú thắp nhang tưởng nhớ những người bà con đã khuất. Rú là một động cát lớn, dài với những cây bụi tự nhiên mọc chen nhau, không đủ bóng mát để che đi cái nắng mùa hè và cái nóng bốc lên từ cát.
Mộ cha mẹ, các chú bác và tất cả họ hàng nội ngoại của chồng tôi đều ở đây. Họ đã sống bên nhau một cuộc sống nhọc nhằn trên cát rồi lại về bên nhau trên đồi cát.
Trong buổi chiều tà, khi cái nắng nóng đã phần nào dịu bớt, nhìn làn khói hương phảng phất bay trên những ngôi mộ được chạm hình rồng phượng và nhiều họa tiết rất đẹp, tôi lại như thấy những người thân yêu đang hiện hữu quanh mình.
Vùng cát này dẫu nắng, dẫu nóng, dẫu bao nhọc nhằn nhưng với tôi là chốn trở về thân thiết. Tôi yêu mỗi sáng sớm khi ông mặt trời lên trên ngọn phi lao, những con thuyền từ khắp nơi về bến đậu.
Tôi yêu lùm cây lộc vừng với những chùm hoa đỏ đẹp như những chiếc lồng đèn lung linh trong nắng. Tôi yêu biết bao con người chân chất thật thà nơi đây, để mỗi lần về lại cho tôi cảm giác về nhà...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)