Nỗi lòng sĩ tử mùa thi

Đức Việt |

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong thời điểm khá đặc biệt khi COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Vượt qua nỗi lo âu về dịch bệnh, cố gắng gạt bỏ những áp lực, lo lắng trước mỗi kỳ thi, những em học sinh chuẩn bị bước vào trường thi mà chúng tôi gặp đều bày tỏ sự tự tin bên cạnh sự thận trọng cần thiết để làm bài đạt được kết quả tốt nhất.

“Nuôi quân 3 năm dụng 1 giờ”

Nhiều người đã ví von kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như là “trận đánh” lớn cuối cùng của 12 năm đèn sách. Và những kiến thức mà các em tích lũy được trong những năm tháng học đường, đặc biệt là năm học lớp 12 vô cùng quan trọng để bước vào cuộc ứng thí đạt được kết quả kép: Vừa tốt nghiệp THPT và vừa có điểm số tốt xét vào các trường Đại học, Cao đẳng. Bởi vậy theo lối ví von dí dỏm là những kiến thức các sĩ tử học được trong những năm tháng học trò được dồn vào kỳ thi quan trọng này như kiểu nhà binh là “Nuôi quân 3 năm dụng 1 giờ”…

Học sinh lớp 12 B3, Trường THPT Nguyễn Hữu Thận chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: Đ.V
Học sinh lớp 12 B3, Trường THPT Nguyễn Hữu Thận chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: Đ.V

Vượt qua cánh đồng lúa đang chuẩn bị bước vào mùa gặt, theo sự dẫn đường của người bạn cùng lớp 12 B3, Trường THPT Nguyễn Hữu Thận - Phạm Minh Cảm (ở xã Triệu Thuận) - chúng tôi tìm gặp em Nguyễn Thị Thảo, học sinh ở thôn Thanh Liêm, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Tạm gạt đi nỗi lo lắng khi những ngày thi đã cận kề, cô lớp trưởng nhỏ nhắn, dễ thương Nguyễn Thị Thảo cởi mở trò chuyện với chúng tôi. Thảo cho biết, cách đây 2 năm bố mẹ em chuyển vào tỉnh Bình Phước sinh sống và làm ăn. Thảo ở lại nhà bác ruột để tiếp tục học. “Năm nay em chọn thi vào ngành kinh doanh thương mại của Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh. Nếu đỗ vào trường này thì em sẽ vào đó học cho gần gia đình hơn. Với lực học và kiến thức của em, em tin mình sẽ vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp với điểm số tốt và đỗ vào trường đã đăng ký”, Thảo chia sẻ.

Thảo là học sinh giỏi nhất lớp và là những học sinh giỏi thuộc top đầu của trường nên với sự chuẩn bị của mình, em hoàn toàn tự tin trước khi bước vào kỳ thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có điểm mới là thí sinh chỉ được chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp thay vì cả 2 như năm trước. Các thí sinh sẽ chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) bên cạnh 3 môn thi bắt buộc khác là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Về điều này, Thảo cho biết: “Em học đều các môn nên khi chọn cũng không phân vân và lo lắng lắm, em chọn thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội vì cũng yêu thích các môn học này. Trước khi bước vào kỳ thi, em chỉ có chút lo lắng là vì phải thi ở điểm thi khá xa là điểm thi ở Trường THPT Vĩnh Định. Tuy vậy được người thân, bạn bè động viên cũng như sự tư vấn của các thầy cô giáo nên em sẽ vững tin hơn trong kỳ thi sắp tới”, Thảo nói thêm.

Em Võ Thị Ái Hương tập trung hệ thống lại kiến thức trước kỳ thi. Ảnh: Đ.V​
Em Võ Thị Ái Hương tập trung hệ thống lại kiến thức trước kỳ thi. Ảnh: Đ.V​

Đối với Phạm Minh Cảm, kỳ thi này em cũng khá căng thẳng và áp lực dù chỉ đăng ký thi để tốt nghiệp THPT. Ở trường Cảm được đánh giá là học sinh có học lực khá, hoạt bát, hát hay. “Tuy vậy, gia đình em có 3 anh đầu đều tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng nhưng chưa xin được việc nên gia đình cũng phiền lòng. Bởi vậy, em xác định mình sẽ thi xong tốt nghiệp rồi đi học một nghề nào đó cho ổn định để tính tương lai”, Cảm cho hay. Những ngày này, Cảm cũng đang dồn sức hệ thống lại các kiến thức đã ôn tập hơn 1 tháng qua để tự tin bước vào kỳ thi. Em cũng tin bản thân sẽ vượt qua kỳ thi với điểm số như mong muốn. Cận kề đến ngày thi, em Võ Thị Ái Hương (ở Phường 1, thành phố Đông Hà) vẫn miệt mài ôn tập lại những kiến thức đã học, thường xuyên theo dõi các buổi học trực tuyến. Hương học Trường THPT Đông Hà và sẽ thi tại điểm Trường THPT Lê Lợi. Năm nay Hương đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành kế toán của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. “Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, em và nhiều bạn đã được thi thử do trường tổ chức theo đề của Bộ GD&ĐT; được thầy cô truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng làm bài thi tự luận, trắc nghiệm khá đầy đủ nên cũng không quá bỡ ngỡ, lo lắng”, Hương chia sẻ.

Cũng như bao bạn khác, thời điểm này em Lê Phước Linh, học sinh Trường THPT Cam Lộ, hiện ở thôn Lâm Lang, xã Cam Thủy cũng đang gấp rút hoàn thành ôn luyện nốt những kiến thức cuối cùng để bước vào kỳ thi. Linh cho biết, ngoài thời gian ôn tập ở trường trước đây thì thời gian gần đây em tập trung học các lớp ôn thi trực tuyến. “Qua thi thử trực tuyến nhiều lần những bộ đề có kiến thức tiệm cận với phạm vi kiến thức ra đề của Bộ GD&ĐT, em thấy mình làm bài khá tốt. Năm nay phạm vi kiến thức thi chủ yếu là ở năm học lớp 12 nên em cảm thấy đỡ áp lực. Em hy vọng mình sẽ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, đồng thời đủ điểm để đạt nguyện vọng vào học ngành nấu ăn của Trường Cao đẳng Du lịch Huế. Sau này em muốn trở thành một đầu bếp giỏi”, Linh vui vẻ cho biết.

Đồng hành với các em

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng bớt áp lực hơn song với nhiều phụ huynh thì “con thi 1 nhưng phụ huynh vẫn lo lắng 10”. Bà Nguyễn Thị Lựu, bà nội của em Võ Thị Ái Hương kể, cháu mình mồ côi bố từ bé nên cũng khá vất vả so với bạn bè cùng trang lứa. Một mình mẹ phải gồng gánh nuôi mấy chị em Hương nên cuộc sống hết sức vất vả. Bà Lựu dù đã lớn tuổi nhưng vì thương cháu nên cũng cố gắng chăm sóc, chăm lo những bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu mình, nhất là Hương sắp bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời. “Thấy cháu ôn thi thức khuya dậy sớm, người ốm xo tôi thương lắm nên cũng cố gắng bồi dưỡng để cháu có sức khỏe. Hai ông bà cũng động viên cháu, dù hoàn cảnh có khó khăn đến mấy cũng gắng mà học. Thật tình là ông bà tôi cũng mong cháu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và đỗ đạt vào trường đại học để hy vọng tương lai sau này tươi sáng hơn”, bà Lựu cho biết.

Đôi bạn cùng lớp Phạm Minh Cảm và Nguyễn Thị Thảo trao đổi ôn tập trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Đ.V
Đôi bạn cùng lớp Phạm Minh Cảm và Nguyễn Thị Thảo trao đổi ôn tập trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Đ.V


Chị Nguyễn Thị Xuân Hồng, mẹ của em Phạm Minh Cảm cũng lo lắng và thương con sắp đến ngày thi. Những ngày cận kề kỳ thi này, chị cố gắng bồi bổ sức khỏe cho con trai bằng những món ngon, bổ dưỡng hơn ngày thường. Đồng thời động viên, khích lệ con cố gắng vượt qua kỳ thi và chọn cho mình một nghề ưa thích, có tương lai để gắn bó mà lập thân, lập nghiệp. Chị Hồng cho biết vợ chồng chị sinh được 6 đứa con trai. Dù thu nhập chỉ dựa vào nghề sông nước nhưng hai vợ chồng vẫn đầu tư cho con cái ăn học đàng hoàng. 3 đứa con trai đầu của anh chị đều tốt nghiệp các trường: Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nhưng ra trường đều không xin được việc làm như mong muốn. Sau nhiều năm không xin được việc làm theo ngành học, các con của chị đành rẽ lối làm nghề khác như nghề cơ khí, nghề điện. “Thật sự là đứa con nào của vợ chồng tôi cũng đều học khá. Muốn chúng thoát khỏi nghề chài lưới vất vả như bố mẹ nên chúng tôi quyết tâm nuôi con ăn học. Tuy vậy, các con ra trường xin việc khó khăn quá nên đành rẽ lối. Cũng may chúng học và làm nghề chăm chỉ nên hiện nay tạm ổn định. Riêng Cảm, hai vợ chồng định hướng con nên xác định sau khi tốt nghiệp THPT thì chọn học nghề sớm để ổn định việc làm, cháu cũng đã đồng ý. Chúng tôi nghĩ, sự thành công hiện nay không chỉ đến từ học chữ, mà người có nghề giỏi trong tay cũng có thể có tương lai rất tốt đẹp”, chị Hồng chia sẻ.

Là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp cho các em học sinh, cô gáo Nguyễn Thị Lệ Duyên, Trường THPT Nguyễn Hữu Thận (huyện Triệu Phong) lưu ý với các em học sinh một số điều sau: Trước ngày thi học sinh cần phải hệ thống lại toàn bộ kiến thức đã học bằng sơ đồ tư duy, đọc lại kỹ hơn những nội dung quan trọng; trao đổi lại với bạn bè, thầy cô những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc để được tháo gỡ kịp thời. Để đảm bảo sức khỏe cho những ngày thi, các em cần phải sắp xếp lịch học khoa học, ăn ngủ điều độ, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân trước COVID-19 để có năng lượng và tinh thần minh mẫn nhất. Ngày thi cần nhớ chuẩn bị, mang theo đầy đủ dụng cụ học tập, giấy báo thi, thẻ dự thi… Giữ tâm lý tích cực, thoải mái, hít thở sâu khi cảm thấy căng thẳng. Trong giờ làm bài cần đọc kỹ đề, chia thời gian làm bài từng phần, từng câu hợp lý; làm đầy đủ các câu trắc nghiệm và đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài đối với bài tự luận...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Viết cho con khi thất bại

Duong Tieu |

Con đã không đủ điểm vào lớp 10 tại ngôi trường mà con mong muốn. Hẳn nhiên có một sự thất vọng không hề nhỏ. Không chỉ với con mà cả gia đình ta.

4 sai lầm khi ngủ trưa của dân văn phòng khiến cơ thể mệt mỏi, sinh nhiều bệnh

Thanh Huyền |

Ngủ trưa sai cách sẽ khiến cơ thể càng mệt mỏi hơn. Bạn hãy tránh mắc phải những sai lầm dưới đây nhé.

Đừng bắt con phải vui theo người lớn

Kim Dung |

“Một mùa hè đúng nghĩa là khoảng thời gian mà các con cảm thấy hạnh phúc nhất, đọng lại nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm, nhiều trải nghiệm thú vị và quan trọng nhất mỗi khi nhắc tới mùa hè là các con reo lên vui sướng chứ không phải là cảm giác buồn tẻ hay hụt hẫng” - chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Gia Lâm, Hà Nội) khẳng định.