“Tại sao Tổ quốc lại là Mẹ ?” - tên một bút ký rất hay của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - viết về những bà mẹ anh hùng của đất Điện Bàn (Quảng Nam) từ gần 40 năm trước (in năm 1984).
Lý giải về câu hỏi do chính mình đặt ra, nhà văn đã nói rằng: “Tôi không có ý định tìm cách giải thích cái hình tượng đã trở thành chân lý ấy. Nhưng không hiểu sao, qua các thời chiến tranh giữ nước của dân tộc ta, sách sử thường lưu truyền tên tuổi của các anh hùng liệt nữ, còn lại trong văn hóa dân gian luôn luôn là hình tượng người Mẹ”.
Suy ngẫm của nhà văn khiến chúng ta giật mình: Truyền thuyết đầu tiên về đánh giặc giữ nước là chuyện Thánh Gióng và người mẹ làm ra nong cơm, nong cà nuôi con lớn thần tốc kịp giờ ra trận là người mẹ làng Phù Đổng. Còn vị vua đầu tiên trong chính sử (chứ không phải huyền sử) là hai nữ vương: Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Nhưng không chỉ trong truyền thuyết hay chính sử. Lịch sử của đất nước Việt Nam là một hành trình đánh giặc giữ nước không ngừng nghỉ. Và nỗi đau lớn nhất khi người lính ngã xuống chính là nỗi đau người mẹ. Có phải vì thế mà người Việt thường gọi là “Mẹ Tổ quốc”. Trong số báo gần đây, người viết có kể câu chuyện về những lá cờ đỏ sao vàng giữa trùng dương. Có thể trong hàng vạn lá cờ bay ngạo nghễ trên những con tàu xé sóng biển khơi ấy, có những lá cờ được chắt chiu từ tấm lòng của những bà mẹ Việt.
Nhiều người chưa quên câu chuyện mẹ Phan Thị Phán, quê ở tỉnh Hải Dương, vào năm 2010 (khi mẹ ngoài 80 tuổi) đã may gửi tặng huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) lá cờ đỏ sao vàng rộng 100 m2. Lá cờ ấy khi được mang trưng bày trong cuộc triển lãm “Đà Nẵng - chặng đường mới” tổ chức tại Trung tâm hội chợ triển lãm nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng đã được nhiều người đến và ghi vào sổ cảm tưởng những dòng xúc động. Không những thế, trước đó, mẹ Phán cùng nhiều bạn bè trong tổ phụ lão của mình đã may hàng trăm lá cờ khác gửi đến các đảo ở Trường Sa và nhiều điểm đồn biên giới.
Nhiều năm trước, nhân một chuyến công tác ở khu vực đồng bằng sông Hồng, tôi may mắn được ghé thăm mẹ Phán. Sức khỏe mẹ đã yếu nhiều sau lần bị ngã gãy xương đùi, dù nằm liệt giường nhưng câu chuyện gửi cờ Tổ quốc cho biên cương biển đảo vẫn cháy bỏng trong lòng bà mẹ gần đất xa trời này. Hình ảnh những lá cờ được các mẹ chắt chiu may rồi đóng gói gửi về biên cương biển đảo được xếp thành chiếc gối ngay ngắn đầu giường bà mẹ gần 90 tuổi trong căn nhà lá ở xã Tân Hưng, tỉnh Hải Dương ấy khiến chúng tôi một lần nữa nhận ra vẻ đẹp của những người mẹ Việt, những người đã sống thiết tha với Tổ quốc của mình và cũng hiểu vì sao, người ta gọi Tổ quốc là Mẹ: Mẹ Tổ quốc!
Hình ảnh mẹ Phán ngồi chăm chút những lá cờ Tổ quốc gửi đi muôn nơi sao mà giống hình ảnh người mẹ Quảng Trị - mẹ Diệm vá cờ bên cầu Hiền Lương giới tuyến năm nào đến lạ. Thuở ấy, mỗi ngày hàng chục trận bom máy bay địch ném xuống, không đủ cờ mới để thay cho những lá cờ bị thương tích vì bom, những bà mẹ Vĩnh Linh đã không đi sơ tán ra tuyến sau mà họp thành một tổ vá cờ ngay chân cầu, vá cờ cho kịp treo lên, bay ngạo nghễ trên bầu trời vĩ tuyến 17. Lá cờ bên bờ bắc sông Bến Hải năm xưa mẹ Diệm đêm đêm ngồi vá dưới tầm bom đạn trĩu nặng khát vọng thống nhất bao nhiêu thì lá cờ 100 m2 của người mẹ Hải Dương gửi tặng huyện đảo Hoàng Sa trĩu nặng xúc cảm chủ quyền bấy nhiêu.
Từ mẹ Diệm vá cờ năm xưa đến câu chuyện lá cờ mẹ Phán và bao nhiêu người mẹ Việt Nam đang gom cờ nhắc nhở chuyện chủ quyền đã thắp lên trong trái tim mỗi người Việt khát vọng tin yêu với Tổ quốc. Cũng như thêm một lần nữa giải thích cho câu hỏi của nhà văn năm nào: Tại sao Tổ quốc lại là Mẹ?
(Nguồn: Báo Quảng Trị)