Tản văn: Về nhà đi thôi!

Hoàng Nhung |

"Tết đâu chỉ là bánh chưng, cành đào, cây quất, là thời điểm khép lại năm cũ và đón chờ những điều may mắn của năm mới sắp sang. Tết còn là người thân, là sự đoàn tụ sau một năm xa cách. Tết là sự trông mong của bố mẹ già đối với những người con trở về sau những ngày tháng làm ăn xa nhà…”.


Như một tiếng gọi từ trong tâm khảm thổn thức, những ngày cuối năm, trong ai cũng phấn chấn một cảm xúc: Tết rồi, về nhà đi thôi!

Sáng nay tiết trời bàng bạc thổi từng cơn gió lạnh, kèm theo mưa lắc rắc từng hạt như rải mừng đón xuân về. Mọi thứ lại bắt đầu như vốn dĩ. Ấy nhưng không cản nổi câu chuyện về tết, những chuyến xe về quê. Bao người tha hương chật vật quay cuồng khi cái lạnh về lại chạnh lòng nhớ hơi ấm nơi quê nhà. Những cuộc “di cư” vào mùa xuân bao giờ cũng mang nhiều cảm xúc khó tả. Phải chăng trong cái nhốn nháo, tấp nập ở bến xe dù mệt mỏi do chặng đường dài, hay chen chúc chật chội nhưng khuôn mặt ai cũng phấn chấn khi sắp được về nhà.

Niềm vui mong ngóng con cháu về quê ăn tết (Ảnh st)
Niềm vui mong ngóng con cháu về quê ăn tết (Ảnh st)

Mẹ già lóng ngóng đứng ngoài ngõ, hòa cảm xúc cùng niềm vui với hàng xóm đón đợi đứa con về ăn tết. Đã bao năm nay, mình mẹ lủi thủi ăn tết một mình. Các con của mẹ lần lượt đi làm ăn rồi định cư luôn ở nước ngoài. Khi nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi thì mẹ cũng phải làm quen dần sự cô quạnh. Tết năm nào, nhà cũng đầy đủ đồ tây, đồ ta, nhưng mẹ bảo vẫn cứ thiếu. Năm nay, nghe tin con hẹn sẽ về ăn tết quê nhà mà mẹ reo vui khoe khắp xóm. Niềm vui làm mẹ hóa lẩn thẩn khi con cái cận tết mới về, nhưng ngày nào mẹ cũng khấp khởi ra đầu ngõ chờ mong rồi.

Câu chuyện của mẹ, tự nhiên nhớ đến hình ảnh ngoại chống gậy giữa sân ngóng trông con cháu. Rồi miệng nhai trầu móm mém cười xoa đầu, hỏi tỷ mỷ đứa ni, đứa tê... Từ ngày ngoại mất, con cháu ở xa cũng ít về. Không còn cảnh tập trung vào nhà ngoại rồi cùng nhau đi chúc tết như xưa nữa. Số phận đã mang ngoại rời xa mãi mãi, để những ngày sum họp sắp cận kề cứ nhớ quay quắt bóng dáng ngoại đứng chống gậy ngóng con.

Đứa út đi ra, đi vào bóc lịch và đếm ngược ngày được nghỉ Tết. Tết này út mong ngóng anh trai đi làm ăn xa trở về mua cho mấy đứa bộ đồ siêu nhân ở thành phố mới có. Tiếng út cứ bi bô hỏi cha, rồi lại khoe với mẹ: Anh bảo sẽ mua đồ chơi, sẽ mua cả mấy quả bóng kia nữa… Rồi như nhớ ra điều chi, út lại lắc tay hỏi mẹ: Thế còn mấy ngày nữa anh Hai về mẹ nhỉ?

Có đôi bận nghe người ta phàn nàn, quay đi quay lại đã thấy là tết, tốn kém quá nên bỏ đi tết cổ truyền thì tốt biết mấy. Hình như guồng xoáy cơm áo gạo tiền đã kéo mọi người vào quy củ khắc nghiệt để quên mất ai cũng cần chút nghỉ ngơi. Bởi đâu chừ cuộc sống không bao giờ là đủ, có một thì người đời lại muốn có hơn, huống chi tết đâu chỉ đơn thuần là những tục lệ truyền thống, là những món quà biếu tết cho người này người kia, mà tết còn sum vầy, là những ngày ít ỏi đoàn tụ bên cạnh những người thân trong gia đình.

Thế nên những ai đang do dự sẽ về thì hãy về nhà đi thôi. Hãy về với những người thân bên gia đình, bởi tết chỉ thực sự đến khi gia đình được sum vầy.

(Nguồn: Công Nghiệp Tiêu Dùng)

Nhà vườn trồng mai tất bật chuẩn bị vụ Tết

PV |

Thời gian này, các nhà vườn trồng mai ở làng mai vàng Phước Định (ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) lại tất bật cho vụ mai Tết.

Tết nhân văn, Tết sẻ chia

PV |

Tết Nguyên đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của Việt Nam, cũng là ngày lễ lâu đời nhất, quan trọng nhất và mang đậm bản sắc dân tộc. Là ngày lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với niềm tin, hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Tết cũng là dịp để nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và sum họp gia đình với nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Làng nghề nuôi cá chép đỏ nhộn nhịp trước ngày Tết ông Công, ông Táo

PV |

Những ngày này, người dân làng nuôi cá chép đỏ ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại nhộn nhịp chuẩn bị thu hoạch cá phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong ngày Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp hàng năm).

Tổ chức Chương trình “Xuân biên cương – Tết yêu thương” cho người dân vùng biên

Lê Trường |

Ngày 11/1, nhân dịp đón tết Nguyên đán Quý Mão – 2023, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp Đồn Biên phòng Thanh tổ chức Chương trình “Xuân biên cương – Tết yêu thương” cho bà con Nhân dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 3 xã Thanh, Lìa và Xy (huyện Hướng Hóa).