Quảng Trị: Lão nông hiến đất ủng hộ phòng dịch COVID-19

PV |

Gia đình làm nông, đang nuôi 3 người con ăn học, nhưng ông Hà Khoa đã viết đơn xin hiến đất để bán, ủng hộ kinh phí cho việc phòng chống dịch COVID-19.

 

Ủng hộ cái gì cho xứng đáng!

2 tháng nay, ngày nào ông Hà Khoa (sinh năm 1962, trú tại thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cũng quan tâm theo dõi tin tức về dịch COVID-19, từ thời sự trên tivi, đến thông tin các báo, loa tuyên truyền ở xã… Ông Khoa và vợ làm nông, có 4 người con thì 1 người đã lập gia đình, 3 đứa đang đi học. Cả gia đình ông ở nông thôn, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài vườn, nên không đáng lo lắm.

Nhưng rồi, dịch bệnh ngày càng căng thẳng. Vì vậy, Chính phủ ra quyết định cách ly toàn bộ những công dân Việt Nam nhập cảnh về nước, nhiều hoạt động phải tạm dừng, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Thấy tình hình khẩn cấp như trên, thông tin cập nhật từng giờ, các lực lượng quân đội cũng vào cuộc làm nhiệm vụ cách ly phòng dịch, từ hôm đó đi làm ngoài rẫy, ông Khoa và vợ chung tâm trạng, cứ lo lo.

Hôm nghe lời phát động, kêu gọi các cá nhân, tổ chức ủng hộ kinh phí phòng chống dịch bệnh, ban đầu ông Khoa nghĩ đến việc bỏ ra mấy triệu đồng tiền tích cóp để hưởng ứng. “Nhưng mấy triệu thì không ăn thua, ủng hộ cái chi (gì) cho xứng đáng hè” - ông Khoa tự đặt câu hỏi. Rồi ông nghĩ đến miếng đất của gia đình, nếu bán đi, khả năng sẽ thu được mấy trăm triệu đồng.

Đem ý tưởng hiến miếng đất để bán, lấy tiền ủng hộ phòng dịch bệnh, vợ và các con của ông không ai phản đối. Vì vậy, sáng hôm sau, ông rủ thêm đứa cháu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hướng Tân đi ra huyện để xin trình bày việc hiến đất.

“Sống mà không cống hiến thì tẻ nhạt lắm”

Nghe lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa thông tin về trường hợp tự nguyện hiến đất để bán ủng hộ cho việc phòng dịch COVID-19, tôi cùng ông Hồ Ngọc Tình - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hướng Hóa - đã vào tận nhà của ông Khoa để hỏi thăm. Gần suốt cuộc đời làm nông, gia đình ông Khoa dựng được căn nhà kha khá so với những gia đình khác ở vùng quê Tân Linh. Ông Khoa bảo, chỉ dựng được cái xác nhà, chứ ở trong cũng không có gì giá trị cho lắm.

Ông Hà Khoa vui vẻ khi nhớ lại quyết định làm đơn hiến đất để bán, lấy kinh phí ủng hộ phòng dịch COVID-19. Ảnh: Hưng Thơ
Ông Hà Khoa vui vẻ khi nhớ lại quyết định làm đơn hiến đất để bán, lấy kinh phí ủng hộ phòng dịch COVID-19. Ảnh: Hưng Thơ

“Không phải khấm khá, dư giả mà mình đi hiến đất. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, sống mà không cống hiến thì sẽ rất tẻ nhạt. Và tôi ủng hộ, cùng Chính phủ phòng chống dịch thì cũng coi như phòng cho mình” - ông Khoa nói.

Miếng đất mà ông Khoa hiến cho chính quyền hiện trong quá trình hoàn thiện cấp sổ đỏ, có chiều ngang khoảng 15 mét, chiều dài khoảng 45 mét. Đất ở ngay mặt tiền đường Hồ Chí Minh, sau lưng là hồ thủy điện Rào Quán, nên cảnh rất đẹp. Một số miếng đất ở vị trí tương tự được bán với giá khoảng 20 triệu đồng/mét ngang, nên ít nhất diện tích đất của ông Khoa hiến cho chính quyền cũng bán được chừng 300 triệu đồng.

Theo ông Hồ Ngọc Tình, đầu tuần sau, địa phương sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho miếng đất, tiếp đó sẽ phối hợp với ông Khoa tổ chức bán miếng đất. Số tiền thu được từ bán đất sẽ được ủng hộ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của địa phương. Ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - cho hay, ông cũng rất bất ngờ khi nhận được thông tin việc ông Khoa hiến đất. Đó là việc làm rất đáng trân trọng.

Suối nước nóng KLu: Điểm du lịch hoang sơ thu hút du khách

PV |

Suối nước nóng KLu thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông, cách thành phố Đông Hà 50 km, nằm trên Quốc lộ 9 bên dòng sông Đakrông huyền thoại. Là nơi có sức hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm văn hóa và ẩm thực người đồng bào phía tây Quảng Trị.

Thiếu nữ miền sơn cước

Hồ Tịnh |

Hướng Hoá là huyện miền núi tỉnh Quảng Trị với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô.

Ấn tượng chùa Sơn Thành

P.V |

Chùa Sơn Thành toạ lạc trên ngọn đồi thuộc thôn Cổ Thành, xã Tân Thành (Hướng Hoá, Quảng Trị). Dù mới thành lập năm 2008 nhưng đến nay cơ sở vật chất của chùa khá hoàn chỉnh sau khi có trụ trì Đại đức Thích Không Giải đứng ra vận động kiến thiết.

Biên phòng Quảng Trị với vũ điệu rửa tay "Ghen Cô Vy"

Đình Tiến |

Tình hình đại dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp từng ngày, số ca nhiễm vẫn tăng và chưa cho thấy có dấu hiệu dừng lại. Gần 2 tháng qua, cùng với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng, BĐBP Quảng Trị đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19...