Theo con đường 9 từ cầu vượt Đông Hà nhắm thẳng mà chạy. Con đường này giờ đây rộng, đẹp. Đường 9 được người Pháp xây dựng năm 1909, tính đến thời điểm này nó đã hơn 100 năm.
Giữa cái nắng và gió, tôi bon bon chiếc xe già cỗi băng trên con đường huyền thoại này, những xóm làng lùi dần ra sau để rồi toàn đồi núi chập chùng.
Tôi đi qua Cam Lộ – vùng đất trung du, nơi chuyển tiếp độ cao của núi Trường Sơn xuôi theo hướng biển, thoải dần về phía đồng bằng. Nơi dãy núi cao ở Tâm Lâm là thượng nguồn của sông Hiếu, chảy qua Cam Lộ, Đông Hà rồi nhập cùng sông Thạch Hãn đổ ra Cửa Việt. Ở đoạn này có một ngọn núi đá thạch cao hùng vĩ, qua mấy năm người ta đục khoét, nổ mìn mà vẫn chưa hao mòn là mấy. Quanh ngọn núi này có làng Thượng Lâm, người ta gọi đùa là làng nghịch lý. Bởi người dân sống ở đây quanh năm bụi đá, bụi cát và thỉnh thoảng thảng thốt vì những vụ tai nạn từ đá, người dân cam chịu sống chung với bụi vì họ làm nghề chẻ đá. Sợ bụi là thế, sợ những tai nạn từ việc chẻ đá là thế, nhưng có một điều ai cũng muốn, muốn tiếng mìn nổ để họ có đá mà chẻ thay vì ăn không ngồi rồi!
Qua thị trấn Krong Klang, trung tâm của huyện Dăkrông. Ở đây có ngã ba, đi thẳng là lên Khe Sanh, Lao Bảo, rẽ trái là vào chiến khu Ba Lòng. Cách thị trấn này khoảng năm cây số là đến cầu treo Dăkrông, ngày xưa là cây cầu treo bằng sắt, sau một trận lũ đã bị nước cuốn trôi. Năm 1999 Cuba phối hợp với nước ta xây dựng lại bằng cầu dây võng, tuy nhiên người ta vẫn gọi theo tên cũ là cầu treo. Cây cầu nằm bên ngọn núi Klu hùng vĩ, đây là dãy núi đá vôi có nhiều cây bụi và cây cổ thụ quanh năm xanh tốt, hàng năm đến mùa xuân hoa ban nở trắng tô điểm trên nền xanh núi. Đường 9 đi qua Dăkrông thật đẹp, một bên là vách núi, một bên là sông, đường ngoằn ngoèo gấp khúc nhiều nhất là đoạn này.
Vượt đèo Rào Quán, đèo không cao nhưng dài, lên đến hết đèo có cảm giác mát mẻ và trong lành hơn. Đứng trên đèo Rào Quán nhìn xuống thấy một ngôi làng nhỏ, nằm khiêm tốn bên dòng suối uốn khúc rồi đổ ra sông Dăkrông. Đó là Làng Cát, ngôi làng còn lưu giữ được nhiều nét văn hoá của dân tộc Pako.
Từ đèo Rào Quán là độ cao tăng dần, càng lên cao càng mát. Và cuối cùng vượt đèo Khe Sanh là tới thị trấn Khe Sanh, đỉnh Trường Sơn. Tôi đã ngạc nhiên bởi cái sầm uất của phố núi, thật nhiều nhà cao tầng, chợ búa đông đúc bởi người Kinh và không ít người dân tộc thiểu số. Ngã ba tượng đài là điểm nhấn của Khe Sanh. Từ đây đi vào theo đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) là có thể ra tới Quảng Bình. Cách tượng đài sáu cây số là thuỷ điện Rào Quán. Hồ thuỷ điện rộng mênh mông, nằm dưới chân đỉnh Voi Mẹp. Đây là đỉnh núi cao nhất của Quảng Trị, với độ cao 1.739m so với mực nước biển, quần thể núi xung quanh đỉnh Voi Mẹp là khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá, nơi tìm thấy đàn bò tót khoảng 10 con. Tương truyền, núi là nơi được vua Hàm Nghi đặt chân đến và nghỉ ngơi, nuôi quân để tiếp tục theo đường rừng ra Quảng Bình, vì thế núi còn được gọi là núi Vua, núi Hàm Nghi. Trên núi có vườn cam trĩu quả, vườn cam rất thiêng liêng luôn được các già làng người Vân Kiều bảo vệ không cho con cháu họ hái!
Tôi trở ra Khe Sanh và khám phá những thắng cảnh nơi này. Với độ cao trên 500m, Khe Sanh được mệnh danh là Đà Lạt của Quảng Trị quả không sai. Người dân địa phương mách: muốn thưởng thức Khe Sanh thì vào đồi thông. Tôi nhanh chân men theo con đường nhựa nằm khuất lấp sau lòng phố xá rồi đi. Con đường uốn lượn, dốc lên dốc xuống, đi trên con đường này làm tôi nhớ tới Đà Lạt, những con đường nằm nhỏ nhắn giữa các hàng thông rồi chìm trong sương mờ đục. Một cảm giác lâng lâng ào tới, không khí được gạn lọc bởi từng lá thông xanh ngắt. Vẻ đẹp của đồi thông Khe Sanh hoang sơ quá, nơi đây chưa có dịch vụ nào cả, thỉnh thoảng từng cặp tình nhân chở nhau vào đây rồi trải nilông ngồi trên thảm cỏ bên cạnh bờ hồ. Giá như ở đây có một nhà đầu tư nào khai thác và bảo vệ môi trường tốt sẽ là một điểm để du khách du lịch khi đi mua sắm ở Lao Bảo về.
Đỉnh Trường Sơn, tôi đang đứng trên đỉnh Trường Sơn, chợt thấy mình nhỏ bé trước vẻ đẹp hoang sơ mà kỳ vĩ. Nhìn về hướng trời đông, mây trắng bạc đầu những đỉnh núi chập chùng… lòng bỗng nhộn nhịp cất lên câu hát: “Hướng Hoá đẹp giàu, đây Khe Sanh, đây Lao Bảo bừng lên trong nắng mới…”.