10 năm tìm con trong vô vọng, liên tục sảy thai, sinh non, người phụ nữ vỡ òa bởi câu nói của bác sĩ

Tuấn Minh |

"Vô sinh thứ phát, tiền sử 2 lần sảy thai, 1 lần sinh non, tôi có thể sinh con nữa không?", chị Ngọc tự hỏi bản thân trên hành trình tìm con.

BS Nguyễn Ngọc Chiến (Trưởng khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) chia sẻ, thời gian qua, anh tiếp nhận một trường hợp hiếm muộn 10 năm dù buồng tử cung hoàn toàn bình thường. Đây cũng là câu chuyện mà nhiều chị em khỏe mạnh bình thường, đang mong con, nên lưu tâm.

 

Sinh con đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ, 2 vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1983, quê Hải Phòng) yên tâm tập trung vào công việc và chăm sóc con cái. Đến năm 2012, vợ chồng chị quyết định có con thứ 2. Chính bản thân chị cũng không ngờ hành trình lại gian nan kéo dài đến tận 10 năm.

Chị Ngọc kể, chị không phải là người khó có thai. Nhưng có thai rồi lại rất khó giữ. Năm 2012, chị mất con ở tuần thứ 16 do cạn ối. Năm 2017, chị sinh non ở tuần 23. Rồi tiếp tục đến năm 2018, thai 17 tuần của chị bị rỉ ối, nhiễm trùng.

Khi đi khám, bác sĩ nhận định cổ tử cung của chị ngắn, chỉ định khâu ngả bụng. Chị nghe xong, hoang mang vô cùng. Nhưng cuối cùng, cả gia đình đều không đồng ý vì nhiều nguy cơ.

BS Nguyễn Ngọc Chiến (Trưởng khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City)
BS Nguyễn Ngọc Chiến (Trưởng khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City)

Nghĩ về chuyện tìm con, vợ chồng chị nhiều lúc thấy sao mà vô vọng. Anh chị cũng định thôi, nghĩ mình không có duyên thêm con nữa. Tự nghĩ tự an ủi là thế nhưng chị Ngọc, với trái tim người làm mẹ, đôi lúc lại le lói những hi vọng, thèm khát được ấp ôm đứa trẻ thơm mùi sữa để hít hà, yêu thương. Cuối cùng, vợ chồng chị quyết định đi thăm khám và chữa trị.

Chị Ngọc nhớ lại, đó là một chiều mùa đông lạnh lẽo, chị tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, mong muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi: "Tôi có thể tự mang thai được nữa hay không, với tình trạng vô sinh thứ phát, tiền sử 2 lần sảy thai và 1 lần sinh non?".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Sau gần 2 giờ đồng hồ ngồi nghe chị kể về tiền sử, nêu ra những băn khoăn lo lắng, bác sĩ chỉ định chị nội soi buồng tử cung. Khám xong thì trời cũng đã tối. Lòng chị Ngọc nặng trĩu. Câu nói của bác sĩ khám ban nãy văng vẳng bên tai chị, chỉ một từ nhưng ám ảnh: "difficult" (khó).

 

Buồn là thế nhưng chị Ngọc vẫn quyết tâm tới cùng để hi vọng tìm được con. Ngày 14/1/2019, chị được gây mê nội soi buồng tử cung. Khi tỉnh dậy, câu nói đầu tiên mà chị nghe được từ BS Nguyễn Ngọc Chiến: "Ngọc ơi, buồng tử cung của em bình thường nhé!".

Chỉ một câu nói của BS Chiến lúc ấy đủ để khiến chị quên hết đau đớn, mệt mỏi trong người. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn, chị Ngọc càng có thêm tia hy vọng.

"Trường hợp của em không có chống chỉ định mang thai. Trường hợp của em, điều quan trọng là giữ thai chứ không phải có thai", BS Chiến nhấn mạnh.

Anh dặn dò thêm: "Cổ tử cung của em ngắn và hở trong, lần tới có thai sẽ khâu lúc 12 tuần".

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Những lời giải thích, dặn dò đó còn được BS Chiến ghi ra 1 tờ giấy kèm theo số điện thoại, dặn chị Ngọc nếu cần thì gọi. Cho đến giờ, chị vẫn còn giữ tờ giấy đó, ghi nhận cho một ngày của niềm tin, của hy vọng tìm con, cùng những giấy tờ quan trọng khác của mình.

Tháng 7/2021, biết tin mình có thai, chị Ngọc vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình đã có thể mang thai tự nhiên đúng như lời bác sĩ nói. Nhưng lo vì chị luôn đinh ninh, nếu có con sẽ nhờ BS Chiến khâu eo cổ tử cung, khi sinh con cũng sẽ chọn nơi BS Chiến có thể giúp.

Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những dự định đó đều không thực hiện được.

 

Những khó khăn tiếp tục bủa vây lấy chị. Khi mang bầu 12 tuần, chị Ngọc khâu cổ tử cung ở bệnh viện tỉnh. Đến 24 tuần, chị phải lên Hà Nội để giữ thai vì dọa sảy, dễ sinh non. Chị quyết định lựa chọn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để nằm điều trị.

Những ngày tháng ấy, nhắc lại chị Ngọc vẫn không thể nào quên được sự quan tâm sát sao không kể ngày đêm của các y bác sĩ. Hiểu rõ tâm tư, thấu rõ nỗi lòng của người phụ nữ mong ngóng con bao năm qua, các y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không chỉ thường xuyên quan tâm điều trị mà còn luôn luôn động viên tinh thần. Thế nên, dù xa chồng xa con, chị vẫn luôn cảm thấy bình yên và hạnh phúc!

Tưởng rằng quãng thời gian êm đẹp ấy cứ trôi đều đến giây phút đón con đủ ngày đủ tháng, nhưng sang tuần 29, chị Ngọc chẳng may mắc Covid-19. Chị nhanh chóng được chuyển sang nằm điều trị ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2.

Mang thai dọa sảy, lại thêm mắc Covid-19, chị Ngọc vô cùng lo lắng vì lúc đó chị cũng chưa tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh. Có nhiều lúc, những cơn hụt hơi, khó thở khiến chị tưởng chừng mình chẳng thể vượt qua nổi.

 

May mắn, dưới sự tận tình giúp đỡ của các y bác sĩ, chị Ngọc cuối cùng cùng vượt qua chuỗi ngày vật vã. Sau 13 ngày, chị cũng âm tính. Cách ly thêm một tuần, chị được quay về cơ sở 1. Ở đây, chị Ngọc tiếp tục được chăm sóc, động viên bởi các bác sĩ cho đến khi con chào đời.

Em bé ra đời sớm hơn so với dự kiến. Lại thêm dịch bệnh nên không có người thân vào cùng, chỉ có 2 mẹ con. Lo lắng cho sức khỏe của con, những ngày đầu chị Ngọc luôn trong tình trạng vô cùng áp lực, stress.

 


"Nhưng mỗi ngày, được các bác sĩ thăm khám và đưa ra chỉ định phù hợp, được sự chăm sóc của các cô điều dưỡng, trộm vía sức khỏe của con ổn định hơn, trong lòng tôi đã bớt đi những áp lực nặng nề", chị Ngọc nhớ lại.

Là người mẹ có được con sau 10 năm gian nan, chị Ngọc chỉ cầu mong cho con mình được khỏe mạnh, bình an, đợi ngày con cứng cáp để đón về cùng gia đình.

Hiện tại, 2 mẹ con chị Ngọc đã bình yên, bé khỏe mạnh, đạt các mốc phát triển sau những tháng ngày vô cùng vất vả. Chị không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn sâu sắc dành cho những bác sĩ đã luôn tận tâm, giúp đỡ 2 mẹ con mình.

"Ôm con trong tay mà tôi còn ngỡ trong giấc mơ. Chỉ có khác, giấc mơ này có thật. Tôi cũng muốn trao gửi tới những người phụ nữ hiếm muộn niềm tin: tin vào sự độ trì của trời Phật tổ tiên, tin vào sự tiến bộ của y học, tin vào cái tâm của đội ngũ y bác sĩ với bệnh nhân…", chị Ngọc nghẹn ngào.

*Tên nhân vật đã được thay đổi*

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Tưởng mang thai, người phụ nữ không ngờ mình bị u nang buồng trứng nặng 16kg

Tuấn Minh |

Khối u quá lớn khiến người phụ nữ cũng phải vật lộn với việc hít thở, ăn uống.

Lao động đóng bảo hiểm tự nguyện có thể nhận trợ cấp thai sản

Hà My |

Người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con có thể nhận mức hưởng chế độ thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh.

Mang thai sau 35 tuổi đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm

Thanh Mai |

Không ít trường hợp sản phụ gặp nguy hiểm khi mang thai ở tuổi tứ tuần vì mắc các bệnh lý như: nhau cài răng lược, vỡ tử cung...

Đồn Biên phòng A Vao đỡ đẻ thành công cho sản phụ sinh non thai 34 tuần

Đình Tiến |

Ngày 16/2, đại úy Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị vừa cho biết, cán bộ quân y của đơn vị đỡ đẻ thành công cho sản phụ tình trạng sức khỏe yếu, đau nặng, tinh thần hoảng loạn sinh non khi thai mới 34 tuần.