Khi bị rôm sảy thì việc quan trọng là phải tắm mát để giải nhiệt và tẩy đi lớp bụi bẩn do vi trùng bám trên da khiến lỗ chân lông bị bít lại.
Rôm sảy là gì?
Rôm sảy hình thành từ những giọt mồ hôi không thể thoát ra ngoài qua tuyến bài tiết ở trên lỗ chân lông. Nó đọng lại ở lớp thượng bì và gây ngưng trệ quá trình đào thải nhiệt của cơ thể khi trời nóng.
Bệnh này tuy không hề trầm trọng nhưng lại dễ mắc phải đặc biệt là ở trẻ em.Rôm sảy là những nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh, thường mọc rải rác ở đầu, cổ, ngực, lưng… Chỗ rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát. Vì vậy, trẻ khi bị rôm sảy thường gãi ngứa dễ làm da bị lở do viêm nhiễm.
Trẻ bị rôm sảy có nên dùng sữa tắm baby?
Hiện nay, trên thị trường có bày bán rất nhiều loại sữa tắm, dầu gội thông thường cho trẻ em với nhiều độ tuổi, kể cả những sản phẩm tắm gội cho trẻ bị rôm sảy
Sữa tắm nhiều bọt có độ pH không thích hợp có thể làm da bé bị khô
Ưu điểm
Sử dụng sữa tắm rất tiện lợi, nhanh chóng không hề tốn nhiều thời gian và công sức. Sản phẩm dễ kiếm tìm tại các shop baby hay quầy hàng tạp hóa. Sản phẩm có nhiều chủng loại với những mùi thơm hấp dẫn khác nhau các mẹ có thể tùy ý lựa chọn với nhiều mức giá phù hợp với điều kiện bản thân.
Nhược điểm
Nếu sử dụng sữa tắm thông thường cho trẻ thì hầu như sẽ không có tác dụng gì với các nốt sảy, đôi khi các thành phần trong sản phẩm tắm gội có thể gây kích ứng làm da bé bị khô hay dị ứng. Vì quá thông dụng nên các sản phẩm nhái giả, kém chất lượng cũng phát triển tràn lan. Nếu không lựa chọn kĩ lưỡng và tìm mua tại các địa điểm uy tín, việc sử dụng hàng giả kém chất lượng chứa thành phần độc hại có thể dẫn đến nhiều nguy cơ khôn lường.
Nấu nước lá tắm trị rôm sảy cho bé có hiệu quả & an toàn không?
Trong dân gian, các bà các mẹ thường sử dụng các loại thảo dược gần gũi quanh nhà như kinh giới, trầu không, tía tô tắm cho bé để trị rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa. Phương pháp này có rất nhiều bà mẹ làm theo và có tác dụng. Một số loại lá tắm có chứa kháng sinh tự nhiên, có tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn trên da trẻ, giúp cho tổn thương do các nốt mụn nhanh lành lại.
Tuy nhiên, để nấu được nồi nước tắm bằng lá này cũng khá công phu mất nhiều thời gian, chỉ dành cho mẹ nào có nhiều thời gian rảnh ở nhà. Đặc biệt là nguyên liệu tuy đến từ tự nhiên nhưng nhiều khi không hề dễ kiếm. Những gia đình nào ở vùng nông thôn tìm một vài cành lá bưởi, nắm lá khế thì tương đối đơn giản. Nhưng đối với những bà mẹ ở thành phố thì điều này chắc hẳn là khó khăn hơn, có khi phải nhờ người nhà gửi từ quê lên hay phải đi lòng vòng vài khu chợ để tìm cho được.
Ngoài ra, không phải bà mẹ nào cũng nắm được cách sơ chế và công thức nấu đúng chuẩn. Chỉ cần một vài sơ ý khi rửa lá qua loa có thể khiến vi trùng, bụi bẩn vẫn còn bám sót lại gây kích ứng trên da cho trẻ, rôm có thể còn nặng hơn hoặc nhiễm trùng.
Các loại lá tắm trị rôm sảy cho bé
Để trị rôm sảy nhanh và an toàn, mẹ có thể dùng một số loại thảo dược dân gian quen thuộc để nấu nước tắm cho bé, như là:
1. Khổ qua (mướp đắng)
Mướp đắng không chỉ là món ăn vừa lành vừa bổ, mà còn rất hữu hiệu với làn da rôm sảy của bé. Vì vậy, nếu bé nhà bạn đang bị rôm sảy, mẩn ngứa, bạn nên mua vài quả mướp đắng để đun nước tắm cho bé. Mỗi lần tắm chỉ cần dùng 2 quả là được.
Rửa sạch mướp đắng, sau đó đem nghiền nhuyễn trong máy xay sinh tố rồi lọc lấy nước, dùng nước cốt này pha cùng một lượng nước mát vừa phải để tắm cho bé. Với cách này, bạn sẽ bất ngờ với làn da mát lạnh của con.
2. Lá kinh giới
Sự lựa chọn thứ hai là lá cây kinh giới. Nếu có sẵn lá tươi, bạn chỉ cần rửa sạch rồi giã nát, chắt nước pha vào chậu nước tắm cho bé. Nếu không, mẹ có thể phơi khô lá kinh giới và để ở nơi khô ráo để dùng dần. Mỗi lần tắm, mẹ lấy một nắm lá khô, cho vào nồi đun sôi một lúc rồi pha vào nước tắm cho bé. Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với làn da mịn màng, hết rôm sảy của con sau vài lần tắm.
3. Lá dâu tằm
Chắc hẳn bạn sẽ bất ngờ khi lá dâu tằm có tác dụng trị rôm sảy đặc biệt hữu hiệu. Hãy lấy một nắm lá dâu tằm, rửa thật sạch, cho vào nồi nước rồi đun sôi. Chờ nước nguội bớt thì bỏ lá ra tắm cho bé (mẹ nên nấu nhiều nước rồi dùng chính nước đó để nguội bớt tắm cho bé, không pha thêm nước lạnh nữa).
Để trị rôm nhanh hơn, mẹ có thể dùng hạt đậu xanh còn nguyên vỏ, tán mịn rồi rắc lên vùng da nhiều rôm của bé sau khi tắm với nước dâu tằm. Làm như vậy liên tục vài ngày là rôm không mọc nữa, nốt rôm cũ cũng dịu đi khiến bé dễ chịu hơn.
4. Lá khế
Tắm lá khế cũng rất tốt để loại bỏ các đốm rôm sảy trên người của bé. Bạn chỉ cần ra ngoài vườn hái một nắm lá rươi, đem về bỏ đi phần cuống và gân thừa rồi ngâm trong nước muối. Sau khi rửa lá sạch thì giã nát rồi cũng đem đun sôi giống các loại lá ở trên. Khi nước đã nguội bớt thì pha thêm lượng nước mát vừa đủ và tắm cho bé. Với phương pháp này, mẹ nên thực hiện liên tục trong 3-4 ngày. Kiên trì áp dụng, chắc chắn bạn có thể thở phào vì vùng da chi chít rôm của con đã được cải thiện đáng kể.
5. Lá tía tô
Lá tía tô cũng là một loại lá có tác dụng giải nhiệt, làm mát rất tốt. Bạn có thể lấy lá tía tô rửa sạch, cho vào cối giã nát để lấy nước cốt chấm lên toàn bộ vùng lưng bị rôm sảy vài lần mỗi ngày. Để nước cốt lá tía tô trong khoảng 10-15 phút cho khô bề mặt rồi đi tắm hoặc lau lại bằng nước ấm cho con là ổn.
6. Sài đất
Theo kinh nghiệm dân gian thì lá sài đất thường được dùng để chữa các bệnh ngoài da trong đó có rôm sảy rất hiệu quả. Có lẽ ít mẹ sẽ biết loại lá này là gì, đặc biệt là những mẹ ở thành phố chắc chắn sẽ khó tìm kiếm hơn. Thế nên, nếu muốn mua thì các mẹ cần liên hệ với những vườn thuốc thảo dược hoặc nhờ người nhà mua từ quê mang lên.
7. Cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu là một trong những vị thuốc quý được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng. Ngoài những tác dụng như trị ho, giảm sốt, trị bệnh đái dầm, vv, cỏ mần trầu còn được dùng để trị ngứa, rôm sảy, ghẻ lở ở trẻ. Cỏ mần trầu còn là loại cỏ kháng thuốc diệt cỏ rất hiếm nên các mẹ có thể yên tâm dùng để tắm cho bé mà không lo tác dụng phụ.
8. Lá kim ngân
Kim ngân có dạng dây leo. Cành lúc còn non màu lục nhạt, phủ lông mịn, khi cành già chuyển màu nâu đỏ nhạt, nhẵn. Cây mọc hoang ở nhiều tỉnh vùng núi.
Trong các tài liệu cổ có ghi chép lại: Kim ngân là vị thuốc có tính hàn, vị ngọt, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hay được dùng để chữa sốt, mụn nhọt, tả lị... Trên thực tế lâm sàng, kim ngân thường được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, sốt nóng, sốt rét, tả lỵ. Gần đây trên cơ sở thực nghiệm, kim ngân được mở rộng chữa có kết qủa một số trường hợp viêm mũi dị ứng, thấp khớp và một số trường hợp dị ứng khác. Theo các nghiên cứu hiện đại của Nhật Bản và Trung Hoa tán y học báo cho thấy, thành phần của kim ngân có chứa nhiều glucozit và saponozit . Chúng có khả năng ức chế rất mạnh với nhiều chủng vi khuẩn như: vi khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, bạch hầu...
9. Lá ngũ trảo
Cây ngũ trảo còn gọi là cây chân chim, mẫu kinh, hoàng kinh hay ngũ trảo phong. Theo Đông Y, loại cây này có mùi thơ, tính ấm, vị the đắng, thường được dùng để giảm nhiệt, hạ sốt, lưu thông huyết mạch. Lá ngũ trảo dùng để tắm cho trẻ sơ sinh có tác dụng điều trị rôm sảy, ngừa ghẻ chốc, làm mát da. Tắm với lá ngũ trảo khoảng 10 ngày da bé sẽ mịn màng và sờ vào rất mát tay.
Cách sử dụng các loại lá tắm cho bé an toàn và hiệu quả
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các loại lá cần được xử lý thật cẩn thận với nhiều công đoạn:
- Rửa thật sạch cây, lá với nước muối loãng để loại bỏ hết bụi bẩn và trứng côn trùng Các loại lá đều nên được đun sôi, để nguội để đảm bảo an toàn. Riêng kinh giới cha mẹ có thể nấu chín hoặc giã tươi tắm luôn, nếu đun thì không nên đun sôi quá kĩ, như vậy sẽ làm mất đi phần tinh dầu có tác dụng tốt Sau khi đun sôi thì lọc vứt bỏ bã, chỉ sử dụng phần nước Trước khi tắm bằng nước lá, cần tắm tráng cho trẻ bằng nước ấm để loại bỏ bã nhờn, cuối cùng là tắm tráng bằng nước lọc đun sôi để nguội một lần nữa.
- Nhiều cha mẹ có thói quen thêm muối vào nước tắm khi đun. Theo bác sĩ Hoàn thì việc này không cần thiết, chỉ nên dùng muối để hòa vào nước lúc rửa cây, lá trước khi đun. Để trẻ tránh bị mẩn ngứa do dị ứng với một số loại cây, lá, có thể thử bằng cách đun lấy một cốc nước lá nhỏ, bôi một ít lên tay của bé và theo dõi trước khi cho bé tắm.
Tuy nhiên, việc tắm lá cho trẻ nhỏ cần hết sức lưu ý. Bởi ngày nay, các loại lá tắm cho bé có thể chứa dư lượng các chất trừ sâu, các chất độc hại. Ngoài ra, các loại lá này đều có khả năng có côn trùng làm tổ, nếu không được ngâm rửa hết chúng sẽ thành tác nhân gây hại, bội nhiễm ở trẻ. Đặc biệt trong trường hợp da của trẻ đã bị tổn thương và mất đi lớp màng bảo vệ, trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều. Bác sĩ Hoàn cũng cho biết, việc dùng nước lá để tắm hằng ngày khi da của trẻ hoàn toàn khỏe mạnh là không cần thiết.
(Nguồn: Tổng hợp/ Phụ nữ mới)