Trong đề xuất gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 5/3, Bộ Y tế đã kiến nghị cho F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly.
Theo ý kiến đề xuất của Bộ Y tế, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly y tế (7 ngày) và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính có thể quay lại làm việc trực tuyến; tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại gia đình, cơ sở lưu trú hoặc điều trị.
Trường hợp F0 tham gia làm việc tại cơ sở điều trị Covid-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. Không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân tuy nhiên lưu ý phải đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc đã bố trí sẵn và ngược lại, không tiếp xúc với người xung quanh, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Đối với những trường hợp là F1 có thể chuyển sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm thay vì phải cách ly y tế theo quy định cũ là 5 ngày (tại nhà) với người đã tiêm đủ liều vắc xin và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều.
Cũng theo đề xuất mới nhất, F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến. Các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1 trong trường hợp F1 tham gia làm việc trực tiếp.
Nếu đề xuất kể trên của Bộ Y tế được thông qua, khái niệm F1 (người tiếp xúc gần với người nhiễm) sẽ thay đổi gần như hoàn toàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đã vượt 4 triệu ca, hiện có trên 1,5 triệu người đang điều trị nhưng số chuyển nặng đã thấp hơn rất nhiều so với trước kia.
Với số mắc tăng cao như kể trên, nhiều cơ quan, đơn vị đặc biệt là khối bệnh viện, cơ sở y tế đã phải cho phép F0 không triệu chứng, chỉ số virus thấp về mức không còn nguy cơ lây nhiễm (CT > 30) đi làm trở lại do thiếu nhân lực.
Ngoài những kiến nghị trên, Bộ Y tế còn đề xuất tạm dừng thông báo số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày để tránh gây hoang mang. Lý giải cho đề xuất này, Bộ Y tế cho rằng số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
(Nguồn: Phụ nữ mới)