Cảnh giác với dịch bệnh than

Lê Anm |

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh than tại Lào, cơ quan chức năng và các địa phương dọc tuyến biên giới Việt - Lào đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập từ ngoại biên.


Ngăn chặn gia súc nhiễm bệnh than từ biên giới vào nội địa

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay tình Quảng Trị hình dịch bệnh than tại Lào có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn than (Bacillus anthracis) gây ra. Ổ chứa là động vật, thường là động vật ăn cỏ, bao gồm cả động vật hoang dã.

Bệnh than lây qua nhiều đường như da, niêm mạc, máu, tiêu hóa và hô hấp. Bệnh thường gây ra các vụ dịch lớn ở động vật rồi lây sang người; phát tán ở những người làm nghề chăn nuôi, tiếp xúc với lông, da, xương động vật hoặc những người giết mổ, ăn thịt động vật bị bệnh, chết.

Hiện tại tỉnh Champasack đã có 94 trường hợp nhiễm bệnh, Salavan có 27 trường hợp nhiễm bệnh. Các tỉnh Bolykhamxay và thủ đô Viêng Chăn đã xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh mới. Tuy nhiên đến nay, phía Lào vẫn chưa có văn bản cấm vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc từ vùng bị nhiễm bệnh sang các khu vực khác, hoặc xuất khẩu đi nước ngoài.

Đoàn thanh tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra cơ sở chăn nuôi gia súc tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa -Ảnh: L.A
Đoàn thanh tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra cơ sở chăn nuôi gia súc tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa -Ảnh: L.A

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; thực hiện nghiêm việc kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ và kiểm dịch vận chuyển để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh nhằm triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh động vật lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Quang Thịnh thông tin, cùng với công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cho gia súc, gia cầm để Nhân dân chủ động áp dụng, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương triển khai công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trên động vật; phòng chống bệnh truyền nhiễm từ động vật lây truyền sang người, kể cả động vật nuôi và động vật hoang dã.

Tổ chức bao vây, xử lý triệt để các ổ dịch trên gia súc, gia cầm, chú trọng các dịch bệnh động vật có khả năng lây sang người. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi tại các cơ sở thu gom động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở kinh doanh động vật, giống vật nuôi ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, đặc biệt là các địa phương giáp ranh, có đường biên giới với Lào.

Tại các nơi đến kiểm tra, đoàn đã yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định; chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi; mua bán động vật phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, trước diễn biến tình hình dịch bệnh than tại một số địa phương ở Lào, huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên gia súc, nhất là các địa phương giáp biên giới; quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh gia súc, không để gia súc nhập lậu, vận chuyển qua biên giới trái phép.

Kịp thời báo cáo, thông tin các trường hợp gia súc nghi mắc bệnh để xử lý theo đúng quy định. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi tự bảo vệ đàn gia súc, không thực hiện thả rông gia súc, không để gia súc tiếp xúc gần với các đàn khác, nhất là không chăn thả dọc khu vực biên giới, không để tiếp xúc với gia súc, gia cầm phía Lào.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại tá Lê Văn Phương cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biên giới đất liền tăng cường phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, biên giới, cửa khẩu; nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý người, phương tiện xuất, nhập cảnh trái phép; hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ qua biên giới; không để dịch bệnh lây lan qua biên giới vào địa bàn, đơn vị và nội địa.

Tích cực tham mưu chính quyền địa phương tăng cường vận động Nhân dân ở khu vực biên giới nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; không giết, mổ, không ăn thịt, không sử dụng, buôn bán các sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, không rõ nguồn gốc. Không tham gia, tiếp tay cho việc mua bán, vận chuyển trái phép gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ qua biên giới. Đồng thời, vận động Nhân dân tích cực tố giác tội phạm với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật.

Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Nghiêm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh than ở người là bệnh lây truyền từ động vật do trực khuẩn than Bacillus anthracis. Bệnh thường xuất hiện ở động vật ăn cỏ và lây truyền sang người có thể thành dịch với tỉ lệ tử vong cao.

Bệnh biểu hiện gồm 3 thể chính tùy thuộc vào đường lây truyền: thể da (chiếm đến 95%), thể phổi và thể tiêu hóa (thể dạ dày - ruột và thể hầu họng), ngoài ra còn có thể màng não. Do bệnh than là bệnh lây truyền từ động vật sang người nên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, ngành thú y và các cơ quan chức năng có liên quan.

Ông Nghiêm cho biết, đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh này. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó, đơn vị xây dựng kế hoạch giám sát, phòng, chống bệnh than trên người tại các cửa khẩu để cách ly xử lý kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan nội địa trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tổ chức, thực hiện giám sát chặt chẽ đối với tất cả các hành khách nhập cảnh, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành bệnh than, đặc biệt hành khách nhập cảnh từ các địa phương đang lưu hành bệnh than tại Lào.

Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu để có biện pháp cách ly, xử lý kịp thời. Tăng cường phối hợp liên ngành tại các cửa khẩu, bố trí sẵn sàng khu vực cách ly tạm thời, phòng khám sàng lọc, phòng cách ly ngay tại cửa khẩu để cách ly, xử lý y tế các hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh và các hành khách đi cùng, tiếp xúc gần với người nghi ngờ.

Chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch và thực hiện hiệu quả mục tiêu ngăn chặn nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Phối hợp với các khoa, phòng khoanh vùng, xử lý kịp thời, khống chế sự lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc lưu ý, bệnh than là bệnh lây trực tiếp từ gia súc bị bệnh sang người. Do vậy, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để bao vây, xử lý triệt để.

Gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn lấp đúng nơi quy định theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Với những người thường xuyên phải tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác động vật bị ốm chết không rõ nguyên nhân cần mang ủng, găng tay cao su, quần và áo dài hoặc quần áo bảo hộ; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.

Sau khi tiếp xúc với vật nuôi phải rửa tay và các chỗ da hở bằng xà phòng dưới vòi nước. Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam về phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Lê Trường |

Ngày 22/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quang Trị làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam để nghe, cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình phương án phân luồng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ĐBQH Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường dự buổi làm việc.

Thông báo phương án đảm bảo giao thông phục vụ Lễ hội Thống nhất non sông

Công an tỉnh Quảng Trị |

Sáng ngày 30/4/2024, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” và Giải Đua thuyền “Thống nhất non sông” tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ các hoạt động của lễ hội, Công an tỉnh thông báo phương án tạm cấm phương tiện lưu thông trên tuyến, phương án phân luồng giao thông và vị trí đậu, đỗ xe của lãnh đạo, đại biểu, Nhân dân như sau:

Hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường

Mai Lâm |

Gia nhập thị trường là một trong 10 chỉ số thành phần của bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau. Vì vậy, việc chấm điểm chỉ số này cao hay thấp phản ánh mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường.

Hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế

Bảo Bình |

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Qua đó, vừa góp phần tăng sức hấp dẫn của chính sách, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.