Viêm não vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây ra, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh nguy hiểm và xuất hiện quanh năm, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong nếu người bệnh không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút tại các huyện Đakrông, Gio Linh và TP. Đông Hà.
Ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, ngành Y tế Quảng Trị đã nhanh chóng vào cuộc để triển khai các hoạt động chuyên môn, đồng thời chỉ đạo, yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh viêm não nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để, tổ chức thu dung bệnh nhân, cấp cứu, điều trị nhằm hạn chế để lại di chứng và tử vong, cũng như không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức rà soát đối tượng từ 1 - 15 tuổi, tiền sử tiêm chủng, số lượng mũi tiêm vắc xin để có kế hoạch tiêm bổ sung đủ mũi vắc xin viêm não Nhật Bản cho các em trong độ tuổi tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch. Tổ chức tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ mũi vắc xin để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, viêm não do vi rút là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên, trong đó có viêm não Nhật Bản và viêm não do vi rút khác. Bệnh thường gây tổn thương ở não, để lại nhiều di chứng và tỉ lệ tử vong cao. Điều đáng nói là bệnh viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh, tuy vậy bệnh chủ yếu thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Do đó, nhằm chủ động trong công tác phòng chống bệnh viêm não, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch được xem là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Hiện vắc xin viêm não Nhật Bản được triển khai tiêm chủng miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng trên cả nước, với lịch tiêm chủng 3 mũi cơ bản gồm: mũi 1 (tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi); mũi 2 (sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần) và mũi 3 (sau mũi 2 khoảng 1 năm); sau đó cứ 3 đến 4 năm tiêm nhắc lại một lần đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua không ít trường hợp trẻ bị bệnh nặng do bố mẹ, người chăm sóc chủ quan, không nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh lý viêm não nên đã tự ý mua thuốc, sử dụng các bài thuốc dân gian điều trị tại nhà...
Đến khi bệnh không khỏi, trở nặng mới đưa vào bệnh viện để điều trị gây tốn kém, mất thời gian và ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Bên cạnh đó, hầu hết các trường hợp được phát hiện mắc bệnh viêm não vi rút đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ mũi nhắc lại các loại vắc xin phòng bệnh lý viêm não đã có gồm: viêm não Nhật Bản, phế cầu và vắc xin phối hợp có kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus như 5 trong 1, 6 trong 1...
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo những người chăm sóc cần chú ý nếu phát hiện trẻ sốt cao liên tục, nôn, có các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê... thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả đáng tiếc xảy ra.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)