COVID-19 có thể gây vô sinh nam?

PV |

Đây là căn bệnh có thể gây vô sinh hoặc giảm sức khoẻ sinh sản.

Gần đây cộng đồng mạng đã xôn xao khi ngôi sao nhạc rap người Mỹ Nicki Minaj đăng lên Twitter câu chuyện không có cơ sở về một người quen bị “bất lực” sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc của Minaj, với 22,8 triệu người theo dõi trên Twitter, đã khiến câu chuyện mà cô chia sẻ lan toả chóng mặt trên mạng xã hội và vấp phải sự chỉ trích của giới chức y tế.

 

Như các chuyên gia y tế đã chứng thực, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy vaccine COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh sản của nam giới. Trong khi đó, việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe sinh sản của nam giới.

Allan Pacey, Giáo sư nam khoa tại Đại học Sheffield (Anh), khẳng định: "Tôi không biết bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào gây vô sinh nam, bất lực hoặc sưng tinh hoàn. Tuy nhiên, tôi biết các báo cáo cho thấy, việc mắc COVID-19 có thể liên quan đến đau tinh hoàn, tăng tần suất rối loạn cương dương và giảm sản xuất tinh trùng tạm thời”.

Channa Jayasena, giảng viên cao cấp và chuyên gia tư vấn về nội tiết sinh sản và nam khoa tại Đại học Imperial, cũng đồng tình với ý kiến đó. Ông Jayasena cho biết: “Không có bằng chứng nào cho thấy vaccine COVID-19 gây bất lực hoặc sưng tinh hoàn ở nam giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiễm COVID-19 nhẹ cũng có thể làm giảm nhẹ số lượng và chất lượng tinh trùng”.

Thông điệp này được xác nhận bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Hiệp hội Tiết niệu và Sinh sản Nam giới (SMRU), Hiệp hội Nghiên cứu Sinh sản Nam giới (SSMR) ở Mỹ và nhiều chuyên gia y tế khác.

Đã có những nghiên cứu đặc biệt liên quan đến vaccine COVID-19 và khả năng sinh sản. Ranjith Ramasamy, Giám đốc Khoa Tiết niệu Sinh sản tại Đại học Miami, đồng tác giả của một nghiên cứu xem xét số lượng tinh trùng ở 45 nam giới từ 18 đến 50 tuổi, cho biết: “Trong nghiên cứu này, không có thay đổi đáng kể nào về các thông số tinh trùng ở người tham gia sau khi tiêm vaccine COVID-19 mRNA khi được theo dõi trong 3 và 6 tháng. Cho đến nay, vaccine đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc chống lại COVID-19 mà không có bằng chứng cho thấy chúng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tình dục của nam hoặc nữ”.

Mặc dù vậy, thông tin sai lệch của rapper Minaj đã phản ánh một cách hiểu sai lầm ở các nhóm phản đối vaccine, rằng vaccine COVID-19 gây vô sinh ở cả phụ nữ và nam giới. Các chuyên gia suy đoán rằng, lo ngại này một phần xuất phát từ nỗi sợ vô sinh tồn tại phổ biến trong cộng đồng, cũng như sự nguy hiểm của những thông tin thiếu cơ sở, không được kiểm chứng.

Cho đến nay, mới chỉ có bằng chứng khoa học xung quanh việc bị sốt có thể gây suy giảm tạm thời số lượng tinh trùng. Hiệp hội Tiết niệu và Sinh sản Nam (SMRU) và Hiệp hội Nghiên cứu Sinh sản Nam (SSMR) tại Mỹ đã giải thích trong một tuyên bố chung: "Cần lưu ý rằng khoảng 16% nam giới tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine Pfizer / BioNtech COVID-19 đã bị sốt sau liều thứ hai. Những cơn sốt có thể gây ra tình trạng suy giảm tạm thời trong sản xuất tinh trùng”.

Do đó, tuyên bố cho biết, nếu một người đàn ông bị sốt do tác dụng phụ của vaccine COVID-19, người đó có thể bị suy giảm sản xuất tinh trùng tạm thời. “Nhưng điều này sẽ tương tự hoặc ít hơn so với trường hợp một người bị sốt do mắc COVID-19 hoặc vì các lý do khác", tuyên bố giải thích.

Trong khi đó, đã có bằng chứng khoa học cho thấy nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Chuyên gia Ranjith Ramasamy, Giám đốc Khoa Tiết niệu Sinh sản tại Đại học Miami, đã thực hiện một nghiên cứu riêng biệt, nơi ông và các đồng nghiệp của mình phân tích các mô khám nghiệm tử thi từ tinh hoàn của sáu người đàn ông tử vong vì COVID-19. Họ phát hiện ra rằng ở ba trong số những người đàn ông đó, số lượng tinh trùng giảm. Một nghiên cứu tương tự cho thấy nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến rối loạn cương dương nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu suy đoán điều này có thể là do tình trạng nhiễm virus làm giảm lượng máu cung cấp đến dương vật.

Ông Ramasamy viết: “Những phát hiện này không hoàn toàn gây ngạc nhiên. Các nhà khoa học vốn đã biết các virus khác xâm nhập tinh hoàn cũng ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản”.

Các chuyên gia kêu gọi bất kỳ người phụ nữ hay đàn ông nào lo ngại về sức khoẻ sinh sản và COVID-19 đều nên tiêm chủng đầy đủ.

(Nguồn: Ngày Nay)

TAGS

Thêm trợ lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch

Hồng Nhung |

Để có thể duy trì sản xuất trong bối cảnh giãn cách xã hội, doanh nghiệp cần trợ lực từ phía các ngân hàng thương mại nói riêng, đặc biệt là chính sách trợ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước nói chung.

Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng làm dấy lên nỗi lo "dịch chồng dịch"

Thanh Mai |

Bên cạnh dịch COVID-19, những bệnh theo mùa cũng có thể khiến trẻ nguy kịch, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh tại các vùng giáp ranh thành phố Đông Hà

Minh Đức |

Sau khi thành phố Đông Hà (Quảng Trị) áp dụng các biện pháp phòng, chống COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các huyện Triệu Phong, Cam Lộ và Gio Linh đã thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch đặt tại các tuyến đường giáp ranh thành phố Đông Hà với mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan và bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.

Giả mạo Trưởng khoa sản Bệnh viện 108 hòng vượt chốt kiểm soát dịch

PV |

Đối tượng giả mạo Trưởng khoa sản Bệnh viện 108 tên Nguyễn Xuân Giang, sinh năm 1967, trú tại phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.