Theo chuyên gia, việc người dân Việt Nam cao lên phản ánh họ đã có ý thức và kiến thức tốt hơn về dinh dưỡng, sự phát triển toàn diện...
Tại Hội thảo về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sáng 28/7, tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết nam giới Việt Nam tăng khoảng 4 cm chiều cao trong 10 năm qua, gấp đôi so với thập kỷ trước, song vẫn thấp so với các quốc gia châu Á khác. Hiện chiều cao trung bình của người Việt đang đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, chiều cao của nam giới Việt Nam đã tăng từ 164 cm vào năm 2000 lên 168 cm vào năm 2020. Nữ giới cũng tăng thêm khoảng 2 cm chiều cao, từ 154 cm lên 156 cm. Tuy nhiên vẫn thấp so với các quốc gia châu Á khác.
Để cải thiện chiều cao người Việt, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho rằng cần quá trình lâu dài như đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung vi chất, chăm sóc hệ gene...
Một chuyên gia khác cho biết, để cải thiện chiều cao của người Việt, khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để không sinh ra trẻ nhẹ cân, thấp còi; nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong ba năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn trong sáu tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít mắc bệnh...
Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm. Năm 2030 chiều cao người Việt dự kiến tăng thêm 4 cm.
Trong vòng 100 năm kể từ 1975 về trước, chiều cao người Việt không thay đổi, với 160 cm ở nam và 150 cm ở nữ.
(Nguồn: Phụ nữ mới)