Hiệu quả từ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và phục hồi chức năng

Nguyễn Hoài Nam |

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe về y học cổ truyền và phục hồi chức năng ngày càng cao của người dân, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh (Quảng Trị) không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để xứng đáng là địa chỉ tin cậy về khám, chữa bệnh của Nhân dân trong và ngoài huyện.


Khám, chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền - phục hồi chức năng (YHCT-PHCN) rất hiệu quả đối với bệnh nhân mắc bệnh thần kinh, cơ xương khớp hoặc di chứng sau tai biến gây ra. Thời gian qua, cùng với y học hiện đại, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh đã nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT-PHCN, qua đó mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

“Trước đây, tôi không may bị tai nạn giao thông nên phải vào bệnh viện để điều trị chấn thương sọ não. Sau khi phẫu thuật và điều trị, tôi được người nhà đưa đến Khoa YHCT-PHCN của Trung tâm Y tế Gio Linh để các bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục châm cứu, phục hồi chức năng... Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo, được hướng dẫn các bài tập và chế độ dinh dưỡng nên đến nay sức khỏe của tôi đã dần hồi phục. Tôi tự đi lại, chăm sóc bản thân mà không còn phụ thuộc người thân, con cháu như trước đây”, ông Nguyễn Thái Sơn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh cho biết.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh -Ảnh: H.N
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh -Ảnh: H.N

Hiện nay, Khoa YHCT - PHCN có 16 cán bộ viên chức, trong đó có 4 bác sĩ (3 bác sĩ chuyên khoa I), với 56 giường bệnh. Nhiều năm qua, tập thể khoa đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán và điều trị; phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng nhằm phát huy thế mạnh của 2 nền y học, đặc biệt là áp dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, hiện đại và đa dạng hóa các phương pháp, dịch vụ vào khám, điều trị như: điện châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ, giác hơi, điện xung, siêu âm điều trị, hồng ngoại, kéo giãn cột sống và các phương pháp vận động trị liệu khác... Nhờ vậy đã thu hút ngày càng đông người dân đến khám, điều trị, có nhiều ca bệnh khó được chữa khỏi ngay tại địa phương mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.

Không chỉ kết hợp tốt đông - tây y trong chẩn đoán và điều trị, trung tâm còn chú trọng đến hoạt động phục hồi chức năng cho người bệnh với việc thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại. Xây dựng đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và tâm huyết với nghề. Ban lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm thực hiện tốt các quy chế chuyên môn như: chế độ hồ sơ bệnh án; kê đơn, sử dụng thuốc; điều trị, chăm sóc người bệnh; vô khuẩn...

Đặc biệt, nhiều nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đơn vị trong những năm qua đã được áp dụng thành công, nổi bật như: “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấy chỉ trong điều trị y học cổ truyền”; “Đánh giá hiệu quả của phương pháp xoa bóp bấm huyệt điều trị bệnh đau vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ (thể phong hàn thấp tý) tại Khoa YHCT-PHCN”; “Đánh giá hiệu quả điều trị điện châm kết hợp tia hồng ngoại trên bệnh nhân đau thắt lưng cấp”; “Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hoá khớp gối nguyên phát bằng phương pháp siêu âm điều trị”... Những phương pháp này giúp người bệnh điều trị tốt, an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian, nhất là đối với người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.

Bác sĩ Dương Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gio Linh cho biết: “Để tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng YHCT-PHCN, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, nhất là nguồn nhân lực về vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế mới, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Không ngừng nâng cao kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ người bệnh, cũng như chất lượng khám, chữa bệnh của đội ngũ y bác sĩ, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khám chữa bệnh để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, chất lượng khám, chữa bệnh bằng YHCT-PHCN của Trung tâm Y tế huyện Gio Linh ngày càng được nâng cao. Từ đó tạo niềm tin trong Nhân dân và thu hút người bệnh đến khám, chữa trị ngày càng đông, đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển nền y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tân nữ giáo sư trẻ nhất năm 2024 thuộc về ngành Y học

Thanh Mai |

Tân nữ giáo sư trẻ nhất ngành y hiện làm việc tại Bộ Y tế. Chị quê ở Thái Bình, được đào tạo hoàn toàn trong nước.

Gìn giữ và phát triển võ thuật cổ truyền

Hoài An |

15 năm qua, Chi hội Võ thuật cổ truyền huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, phát huy tinh hoa võ thuật cổ truyền dân tộc. Đặc biệt, chi hội đã làm tốt công tác giảng dạy, bồi dưỡng, đào tạo nhiều võ sư, huấn luyện viên, vận động viên giỏi thi đấu đạt nhiều thành tích cao trong các giải võ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia; khẳng định được vị thế trong các kỳ đại hội thể dục - thể thao, giải võ thuật cổ truyền cấp tỉnh, luôn xếp vị trí top 3 mạnh nhất toàn tỉnh.

Thầy giáo có nhiều sáng chế hữu ích bổ trợ dạy học

Hiếu Giang |

Với niềm đam mê sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Đức Sáu, 36 tuổi, Trường THCS - THPT Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã làm ra nhiều sản phẩm hữu ích, bổ trợ hiệu quả cho việc dạy học. Các sản phẩm của thầy không chỉ đạt giải tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật mà còn được một số trường học trong, ngoài tỉnh ứng dụng đưa vào giảng dạy.

Mang Tết cổ truyền Việt Nam đến với Nhân dân huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet

Đình Tiến |

Những ngày qua, trong không khí vui tươi, đầm ấm, đón Tết cổ truyền Việt Nam, chính quyền địa phương thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tổ chức các hoạt động và trao nhiều phần quà có giá trị đến bà con Nhân dân huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) cùng vui xuân, đón Tết.