Thời gian qua, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) bùng phát, lây lan diện rộng ở nhiều tỉnh, thành cả nước, trong đó có Quảng Trị. Tuy nhiên, tình trạng diễn ra phổ biến hiện nay là nhiều người tự ý mua thuốc nhỏ mắt, thậm chí một số người còn xông mắt bằng các phương pháp chữa trị dân gian... Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực.
Tại Bệnh viện Mắt tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại bệnh viện là 1.953 bệnh nhân, trong đó riêng tháng 9 tăng đột biến với 700 bệnh nhân.
Theo bác sĩ Bùi Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh, các chủng vi rút thường gây đau mắt đỏ chủ yếu là Adenovirus và Enterovirus. Dù tại Quảng Trị chưa phân lập được type vi rút gây bệnh nhưng trên thực tế lâm sàng cho thấy năm nay, số lượng viêm kết mạc xuất huyết tăng nhiều hơn. Chủng gây viêm kết mạc cấp xuất huyết thường do Enterovirus .Ngoài ra, năm nay tình trạng viêm giác mạc chấm sau đau mắt đỏ xuất hiện nhiều hơn nên cần hạn chế sử dụng các thuốc nhỏ có corticoid và theo dõi chặt chẽ tình trạng giác mạc của bệnh nhân tại cơ sở chuyên khoa.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp đỏ mắt nhưng không phải do viêm kết mạc cấp vi rút. Chính vì vậy cần có bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị đúng chỉ định. Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều trường hợp sử dụng sai thuốc khi tự điều trị đau mắt đỏ dẫn đến biến chứng giác mạc chấm gây giảm thị lực.
Hoặc nghiêm trọng hơn không phải đau mắt đỏ nhưng tự chẩn đoán nhầm, tự điều trị sai hướng nên dẫn đến viêm loét giác mạc nặng hơn, gây ra tình trạng mất thị lực hoàn toàn.
Điển hình như trường hợp bà N.T.D. (53 tuổi) ở TP. Đông Hà đang điều trị tại Bệnh viện Mắt hơn 1 tuần nay.
Theo đó, bà D. bị đỏ mắt và tự mua thuốc nhỏ mắt về điều trị nhưng 3 ngày sau thì hai mắt sưng to, chảy ghèn, đau nhức, nhìn mờ nên bà đến bệnh viện khám.
Theo bác sĩ Vân Anh, trường hợp của bệnh nhân D. nhập viện trong tình trạng đau mắt đỏ nhưng đã tự nhỏ thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid gây viêm loét toàn bộ giác mạc, thị lực chỉ còn phân biệt được sáng - tối.
Đây là một trong nhiều bệnh nhân bị biến chứng đau mắt đỏ do tự ý dùng thuốc đang điều trị tại Bệnh viện Mắt tỉnh trong thời gian gần đây. “Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc kháng sinh nhỏ mắt mà cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị thuốc theo đơn của bác sĩ, tránh tình trạng nôn nóng sử dụng các thuốc có chứa corticoid vì nếu nhỏ thường xuyên, kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp (glaucoma, cườm nước) làm tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực khó hồi phục”, bác sĩ Vân Anh nhấn mạnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... với người khác; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, nhất là các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc.
Đối với các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Chị Trần Thị Mến, đại diện Nhà thuốc Tiến Thương tại TP. Đông Hà cho hay, hiện nay các mặt hàng thuốc phục vụ điều trị đau mắt đỏ vẫn đầy đủ, giá ổn định, riêng một số loại thuốc nhỏ mặt hàng ngoại nhập nguyên lô có tăng nhẹ từ 1.000 - 3.000 đồng tùy vào thời điểm do mặt hàng chỉ về với số lượng ít.
“Rất nhiều người tìm đến tiệm thuốc tự ý mua Tobrex (kháng sinh nhỏ mắt điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn nhạy cảm gây ra) khiến loại thuốc này khan hiếm trên thị trường. Có những gia đình trong nhà chỉ một người đau mắt đỏ nhưng lại muốn mua thuốc về trữ để dự phòng cho cả nhà. Cũng có người hỏi mua các loại kháng sinh điều trị đau mắt đỏ dựa theo đơn của bệnh nhân khác cho. Để cân đối cung cầu thị trường, chúng tôi không bán thuốc cho khách hàng với số lượng lớn, mua thuốc với ý định dự trữ, đồng thời giải thích, tư vấn hướng dẫn người dân sử dụng thuốc đúng bệnh đảm bảo an toàn, hiệu quả”, chị Mến chia sẻ.
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế.
Sở Giáo dục và đào tạo, chủ động phối hợp với ngành y tế để tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ, tư vấn phụ huynh đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp; triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)