Những hiểm họa từ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

T.L |

Hiện nay, thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) đang thu hút sự quan tâm và sử dụng của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ít ai biết được tác hại khôn lường của các loại thuốc lá hiện đại đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh thuốc lá điếu truyền thống, TLĐT bắt đầu có dấu hiệu xâm nhập vào một số trường học trên địa bàn tỉnh. Theo giáo viên của một trường có tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá, trong đó có TLĐT mà nguyên nhân là do các sản phẩm này được rao bán công khai trên mạng internet, giá cả phải chăng nên các em rất dễ dàng đặt mua trực tuyến. Đặc biệt, so với thuốc lá truyền thống, TLĐT có nhiều vị hấp dẫn hơn, cho ra nhiều khói hơn nên rất hấp dẫn giới trẻ. Không chỉ mua cho mình sử dụng, một số em còn cung cấp TLĐT cho các bạn trong trường. Sau khi nắm thông tin, nhà trường và cơ quan chức năng liên quan đã có biện pháp xử kịp thời lý đối với các trường học vi phạm.

Tổ chức truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh - Ảnh: T.L
Tổ chức truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho học sinh - Ảnh: T.L

Tại một số quán cà phê, chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ sử dụng TLĐT. Được hỏi về lý do sử dụng thuốc lá điện tử khi mới 16 tuổi, em T.K.R., thành phố Đông Hà cho biết: “Với hình ảnh bắt mắt, giá phù hợp nên em đã sử dụng TLĐT hơn 1 năm nay, TLĐT có mùi thơm dễ chịu, chúng em hút khá dễ dàng. Lúc đầu em hút vì tò mò nhưng sau một thời gian dùng đã trở thành thói quen hằng ngày”. Chia sẻ về tác hại của TLĐT, một bạn trẻ khác mạnh dạn cho biết: “Em thấy hút TLĐT sẽ ít chất độc hại hơn thuốc lá truyền thống vì thành phần trong TLĐT đã được kiểm soát, nhà sản xuất có dán tem nhãn rõ ràng…?!”. Với suy những suy nghĩ chưa đúng về tác hại của TLĐT như vậy nên hiện nay nhiều bạn trẻ đã vô tư sử dụng.

Hiện nay, tại Việt Nam đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là TLĐT và TLNN, shisha. Các sản phẩm này hiện không được quy định trong Luật PCTHTL, chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh tại Việt Nam. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, một số tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đang quảng bá TLĐT ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường và giúp cai nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để sản xuất các sản phẩm TLĐT có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe. TLĐT có chứa nicotine là chất gây nghiện, là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch TLĐT còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Sử dụng TLĐT gây bệnh cấp và mạn tính nguy hiểm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), ghi nhận trong vài năm gần đây, riêng ở Mỹ đã có 68 ca tử vong và 2.807 trường hợp viêm đường hô hấp cấp do sử dụng TLĐT. Tại Việt Nam cũng đã phát hiện một số trường hợp tương tự.

Các sản phẩm thuốc lá mới cũng không phải là sản phẩm giảm hại. Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (DFA) chỉ xác nhận TLNN (Heated Tobacco Product - HTPs) là sản phẩm giảm mức độ tiếp xúc với một số chất trong sản phẩm, không xác nhận đây là sản phẩm giúp giảm nguy cơ về sức khỏe cho người sử dụng và cộng đồng, đồng thời, không công nhận TLNN là sản phẩm an toàn cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu thông thường. WHO cũng không khuyến cáo sử dụng TLĐT để cai nghiện thuốc lá. Theo WHO, trên thế giới, chưa có bằng chứng chứng minh TLĐT giúp cai nghiện thuốc lá. Tại báo cáo về đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã kết luận: “Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, WHO không xác nhận TLĐT giúp hỗ trợ cai nghiện”. Thực tế từ các nước đã cho phép sử dụng TLĐT cho thấy người chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng TLĐT có nguy cơ trở thành người hút thuốc lá hoặc sử dụng cả TLĐT và thuốc lá điếu thông thường. Tại Việt Nam, tỉ lệ sử dụng TLĐT trong giới trẻ đang gia tăng nhanh chóng.

Năm 2015, tỉ lệ sử dụng TLĐT mới chỉ là 0,2% thì đến năm 2019, điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy tỉ lệ sử dụng TLĐT tăng lên 2,6%, trong đó ở khu vực thành thị là 3,4 %. TLĐT đang xâm nhập vào các trường học và trong cộng đồng gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của thanh thiếu niên, đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.

Trước các nguy cơ từ TLĐT, thiết nghĩ người tiêu dùng, nhất là giới trẻ cần có cách nhìn đầy đủ, chính xác về loại sản phẩm này. Để bảo vệ sức khỏe của người dân, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý cụ thể những cá nhân, tổ chức buôn bán và sử dụng TLĐT. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của TLĐT để giới trẻ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Lợi dụng xe “luồng xanh” lái xe vận chuyển gần 2.000 bao thuốc lá lậu

Việt Cường |

Lợi dụng xe “luồng xanh”, tài xế giấu lẫn trong các kiện hàng hóa thiết yếu 1.740 bao thuốc lá nhập lậu.

Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị: Tuyệt đối không mang thuốc lá đến đơn vị

Kim Quy - Xuân Diện |

Ngày 29/6/2021, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động phong trào “Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nói không với thuốc lá”.

Thế giới có 1,1 tỷ người hút thuốc lá

PV |

Số người sử dụng thuốc lá trên thế giới tiếp tục tăng ở mức đáng báo động.

Thuốc lá, rượu sẽ phải dán tem điện tử

T.L |

Ngày 30/3/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 23/2021/TTBTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá.