Để chính thức được thông qua, dự luật này cần phải được đánh giá trong một phiên điều trần công khai và một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội.
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 17/5 đã thông qua một dự luật cho phép nữ lao động nghỉ phép có lương trong những ngày kinh nguyệt và bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ.
Tuy nhiên, để chính thức được thông qua, dự luật này cần phải được đánh giá trong một phiên điều trần công khai và một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội.
“Hôm nay tôi muốn gửi một thông điệp ủng hộ quốc tế đối với tất cả phụ nữ đang đấu tranh cho quyền sinh sản và tình dục. Chúng tôi phải đảm bảo rằng chính phụ nữ mới là người quyết định điều gì xảy ra với cơ thể của họ", Bộ trưởng Bình đẳng giới Irene Montero phát biểu trước các phóng viên.
Nếu được thông qua, nữ lao động tại Tây Ban Nha có thể được phép nghỉ có lương trong 3 ngày khi gặp triệu chứng đau bụng nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt. Một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ đến 5 ngày. Dự luật cũng đề cập đến việc phân phát miễn phí các sản phẩm hỗ trợ cho nữ giới đến kỳ “đèn đỏ” tại các cơ sở công cộng như trường học, trung tâm y tế.
Trước đó, dự luật trên đã gây ra một cuộc tranh luận ở Tây Ban Nha về việc liệu các quy định mới có ảnh hưởng đến vị trí của phụ nữ ở nơi làm việc hay không. "Nó có thể khiến các nhà tuyển dụng gặp mâu thuẫn khi quyết định có thuê nữ lao động hay không", sinh viên 21 tuổi Pablo Beltran Martin chia sẻ.
Về quyền phá thai của phụ nữ, dự luật mới không yêu cầu những trường hợp mong muốn phá thai chỉ mới 16-17 tuổi cần có sự chấp thuận của bố mẹ. Dự luật cũng cho phép phụ nữ nghỉ thai sản từ tuần thai 39.
Luật cải cách phá thai ban hành năm 2010 của Tây Ban Nha cho phép phụ nữ chấm dứt mang thai ngoài ý muốn theo yêu cầu với tuổi thai từ 14 tuần trở xuống hoặc trong một số trường hợp thai nhi bất thường, chỉ định chấm dứt thai kỳ có thể thực hiện đối với thai trước 22 tuần.
Động thái của chính phủ Tây Ban Nha được đưa ra khi hàng nghìn người ủng hộ quyền phá thai biểu tình trên khắp nước Mỹ vào ngày 14/5, phản đối viễn cảnh Tòa án Tối cao có thể sớm lật ngược quyết định hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc cách đây nửa thế kỷ.
(Nguồn: Báo Tin tức)