Vụ ngộ độc sau tiệc Trung Thu: Cần quản lý thực phẩm từ thiện

Hồng Giang |

Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, vụ ngộ độc sau tiệc Trung Thu cho thấy cần tìm phương án quản lý chất lượng thực phẩm "gắn mác" từ thiện, bởi công tác quản lý nhóm này vẫn là “mảng trống."


Vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt sau buổi tiệc mừng Trung Thu vào ngày 29/9 tại chung cư Palm Heights - Palm City (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) khiến một trẻ 6 tuổi tử vong và nhiều người khác nhập viện đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, vụ việc cho thấy các ngành chức năng Thành phố cần tìm ra một phương án quản lý chất lượng của thực phẩm "gắn mác" từ thiện bởi hiện nay công tác quản lý nhóm thực phẩm này vẫn là một “mảng trống.”

 

Trao đổi tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức chiều 5/10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố cho biết tính đến nay, trong vụ ngộ độc đã có 50 người xuất hiện triệu chứng khó chịu, quặn ruột, đau; trong đó, 19 người đã được nhập viện để chăm sóc y tế.

Trước đó, trong tiệc Trung Thu tối 29/9 tại chung cư Palm Heights, Ban tổ chức đã phát bánh su kem cho trẻ em. Sau tiệc, còn dư một số bánh nên cho nhân viên mang về, trong đó có bà Phan Thị Út. Bà Út mang bánh về phòng trọ; bánh để qua đêm, không bảo quản trong tủ lạnh.

Ngày hôm sau, bà Út cùng hai con ăn bánh và có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy. Đến hơn 23 giờ ngày 1/10, bé gái 6 tuổi tử vong trên đường nhập viện.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết khi nắm thông tin, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã lập tức cử các đội kiểm tra đến cơ sở để tìm hiểu tình hình, qua đó hướng nghi ngờ vào món bánh su kem.

Theo bà Lan, lý do không điều tra các loại thức ăn trong đêm Trung Thu của chung cư Palm Heights như xúc xích, nước ngọt… là vì bé gái tử vong không tham dự buổi tiệc mà ăn bánh do mẹ mang về. Điểm chung của bé gái này và những trẻ có triệu chứng ngộ độc là ăn bánh su kem.

Ngay sau đó, Ban Quản lý đã kiểm tra cơ sở sản xuất, phân phối bánh, lấy mẫu tất cả nguyên liệu như sữa, trứng, bơ… mẫu bánh lưu sản xuất ngày 29/9 và đang chờ kết quả xét nghiệm các mẫu này.

Bà Lan thông tin, vào ngày 29/9, cơ sở sản xuất bánh này cung ứng ra thị trường 1.300 sản phẩm bánh su kem, nhưng chỉ có 230 sản phẩm được cung cấp cho bữa tiệc ở chung cư nói trên gặp vấn đề.

Kết quả thanh tra ban đầu cho thấy, cơ sở này đáp ứng tất cả cam kết về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ vụ ngộ độc này, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng chỉ ra những bất cập thường xảy ra khi có các ca ngộ độc tập thể. Theo bà Lan, vụ việc xảy ra từ tối 29/9 nhưng người dân, Ban Quản lý chung cư không thông báo cho Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố.

Đến sáng 2/10, đơn vị mới nắm được thông tin và vào cuộc. Lúc này, Đội Kiểm tra An toàn Thực phẩm chỉ thu được 2 mẫu bánh tối hôm đó của người dân giữ lại, số còn lại người dân đã tiêu hủy. Việc chậm trễ này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình xác minh, lấy mẫu thực phẩm bởi thời gian để quá lâu sẽ khiến mẫu bánh có khả năng dương tính với một số vi khuẩn.

“Nếu trong số các trẻ em dự bữa tiệc đó có một số trường hợp thể trạng yếu, có bệnh nền, mà ngộ độc kéo dài, không được giải quyết kịp thời thì có thể sẽ nhiều hơn một trẻ tử vong. Sự chậm trễ này thật sự là một bài học lớn cho ngành chức năng,” bà Lan nhận định.

Bên cạnh đó, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết Thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa có cách quản lý hiệu quả thực phẩm từ thiện. Loại hình này có nhiều điểm tương tự với thực phẩm đường phố, không cần đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, bà Lan cho hay theo quy định pháp luật, nếu từ thiện mà không đăng ký kinh doanh, không phải đối tượng được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm thì không được chấp nhận.

“Hiện nay, chúng tôi có kế hoạch thống kê tất cả cơ sở từ thiện ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Giải pháp trước mắt là sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người làm công tác từ thiện để chuẩn bị bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân,” bà Lan nói.

Trước đó, lúc 17 giờ 30 ngày 29/9, tại bữa tiệc Trung Thu cho trẻ em là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư Palm Heights, Ban Quản lý Chung cư đã phát bánh su kem cho khoảng 200 người. Đến chiều 30/9, một trẻ em là con của nhân viên phục vụ sau khi ăn phần bánh su kem dư tại sự kiện đã xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy; đến tối 1/10, bé gái được gia đình đưa đi cấp cứu những đã tử vong.

Sau đó, các bệnh viện tiếp tục ghi nhận thêm một số nạn nhân nhỏ tuổi sống tại chung cư Palm Heights nhập viện với các triệu chứng tương tự. Hiện, các nạn nhân đều tỉnh táo, sinh hiệu ổn định.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các bệnh viện tập trung nguồn lực để điều trị cho các trường hợp này.

 (Nguồn: TTXVN)

Sở Y tế Quảng Nam thông tin vụ việc 91 người ngộ độc sau ăn bánh mì Phượng ở Hội An

Thanh Mai |

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thông tin về số người ngộ độc sau ăn bánh mì nổi tiếng nhất Hội An.

14 người nhập viện nghi ngộ độc nấm hoang

PV |

Sau bữa cơm trưa có sử dụng món canh nấm hoang lấy từ vườn nhà, 14/21 người ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu ( tỉnh Lai Châu) xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như đau đầu, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng và được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Ngộ độc xyanua sau khi uống nước măng ngâm

PV |

Ngày 16/6, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa điều trị cho bệnh nhân nữ, 44 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê, tổn thương cơ tim do ngộ độc xyanua trong nước ngâm măng tươi.

Một người tử vong do ngộ độc rượu methanol

PV |

Chiều 12/6, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm 1 vụ ngộ độc rượu methanol, khiến 1 người tử vong, 3 người phải nhập viện cấp cứu.