Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm sau một năm nhìn lại những thăng trầm của ngành y tế.
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhìn lại bức tranh của ngành với nhiều thành quả cũng như thăng trầm.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, toàn ngành y tế đã hoàn thành và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia BHYT và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao.
Ngành y tế đã tập trung công tác hoàn thiện thể chế, trong đó được phê duyệt nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành y tế như Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, ngành y đang đứng trước không ít khó khăn. Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ. Đặc biệt là mua sắm, đấu thầu chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế” - Bộ trưởng nói.Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, theo Bộ trưởng cũng chưa bảo đảm. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp…
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm sau một năm nhìn lại những thăng trầm của ngành y tế.
Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thành các chương trình, kế hoạch hành động có tính phù hợp, khả thi đối với ngành, cơ quan, tổ chức; tập trung tổ chức việc học tập, quán triệt tới các tập thể, cá nhân trong toàn ngành, đồng thời tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.
Thứ hai, tập trung công tác xây dựng văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi. Chủ động, liên tục rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; coi trọng sơ kết, đánh giá thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm gắn với nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh.
Thứ năm, đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách; huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế.
(Nguồn: Phụ nữ mới)