Cần thống nhất mức giá bồi thường khi thu hồi đất ở các dự án điện gió

Tùng Lâm |

Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Quảng Trị là một trong các địa phương có khí hậu và địa hình tốt để phát triển năng lượng điện gió. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đã được Chính phủ quy hoạch trung tâm năng lượng của Bắc miền Trung. Vậy nên, thời gian qua tỉnh đã tập trung phát triển điện gió với kỳ vọng mang lại nguồn thu ngân sách lớn, tạo việc làm cho người dân, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 31 dự án điện gió được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư (19 dự án đã vận hành thương mại, 9 dự án đang thi công và 3 dự án mới cấp chủ trương đầu tư); 58 dự án đang trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công một số dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã xảy ra xung đột giữa doanh nghiệp với người dân, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện đất đai, tập trung đông người cản trở thi công, gây rối trật tự công cộng làm phức tạp tình hình an ninh trật tự, mà đỉnh điểm là vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích xảy ra ngày 23/8/2021 tại xã Húc buộc cơ quan chức năng phải khởi tố vụ án với 12 bị can. Đến nay, vấn đề an ninh trật tự cơ bản được giải quyết, tình hình đã ổn định, nhưng cũng cần nhìn lại, tìm căn nguyên của sự việc để rút kinh nghiệm, vì tới đây còn rất nhiều dự án điện gió tiếp tục được khởi công xây dựng.

 

Có thể thấy, có ba bên liên quan đến vấn đề mất an ninh trật tự trên địa bàn trong quá trình thi công các dự án điện gió, đó là chủ đầu tư, người dân và chính quyền. Đối với chủ đầu tư, phải khẳng định chủ đầu tư luôn quan tâm đến quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất bằng chính sách ưu đãi bồi thường cao hơn mức giá trần Nhà nước ban hành. Song, do áp lực về tiến độ, các chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tự đi tiếp xúc, thỏa thuận về giá bồi thường, dẫn đến thiếu thống nhất về giá giữa từng dự án và giữa từng hộ dân. Từ đó, người dân có sự so sánh, tạo cớ yêu cầu hỗ trợ, bồi thường với giá rất cao, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án, đồng thời tạo tiền lệ xấu cho công tác GPMB của địa phương. Bên cạnh đó, một số dự án chưa bám sát quy trình, thủ tục GPMB, như khi chưa đạt được thỏa thuận với người dân trong việc thu hồi đất, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đất đai đã thi công dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân; công tác san ủi mặt bằng chưa quan tâm đến xử lý môi trường, môi sinh, phòng chống sạt lở đất đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân. Cá biệt, trong quá trình thỏa thuận, bồi thường đất, có doanh nghiệp đã dùng “xã hội đen” để gây áp lực với dân.

Về phía người dân, đại đa số hưởng ứng, đồng thuận với chính sách kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Song, do hiệu ứng bồi thường với giá ngày càng đẩy lên cao đã kích thích lòng tham của một số hộ dân; đặc biệt khi biết thời hạn cuối cùng để được hưởng giá bán điện ưu đãi đang đến gần (31/10/2021), nhiều hộ dân phớt lờ các quy định của Nhà nước, tạo cớ để yêu cầu bồi thường, hỗ trợ cao, thậm chí có trường hợp đã nhận tiền bồi thường nhưng vẫn không giao đất mà yêu cầu chủ đầu tư phải trả thêm tiền vì thấy các dự án khác cạnh đó được bồi thường, hỗ trợ cao hơn. Ngoài ra, một bộ phận người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số lợi dụng phong tục tập quán để đòi bồi thường, hỗ trợ với giá rất cao, trái pháp luật. Một số đối tượng tuyên truyền, xúi giục người dân tập trung đông người, tạo cớ về GPMB, lưu không cánh quạt để cản trở, gây sức ép buộc chủ đầu tư hỗ trợ, bồi thường sai quy định.

Đối với chính quyền, công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn tồn tại nhiều bất cập do không xác minh kỹ hồ sơ, không phối hợp với các đơn vị liên quan chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, dẫn đến tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn, gây khó khăn cho việc quy chủ để bồi thường. Một số nơi có dự án hoạt động, vai trò của hệ thống chính trị còn mờ nhạt, chưa tạo được sự thống nhất trong chỉ đạo hỗ trợ thực hiện dự án; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc, thiếu nhiệt huyết trong vận động, tuyên truyền hoặc đối thoại giải quyết vụ việc hoặc giải quyết theo kiểu đẩy chủ đầu tư thương thảo với người dân trong bồi thường, hỗ trợ…

Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an ninh trật tự trên địa bàn có dự án điện gió đang thi công, là lỗi “hỗn hợp” của các bên. Tuy nhiên, nguyên nhân được xác định có tác động lớn làm nảy sinh vấn đề mất an ninh trật tự là do doanh nghiệp không phối hợp với chính quyền mà tự thỏa thuận với người dân, đưa ra giá bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thiếu sự thống nhất, theo hướng giá ngày càng cao, thậm chí rất cao đã kích thích lòng tham, từ đó nhiều hộ dân tìm mọi cách cản trở, gây khó khăn để được bồi thường, hỗ trợ cao hơn, làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến triển khai thi công dự án của doanh nghiệp.

Thời gian tới, sẽ có nhiều dự án điện gió tiếp tục được bổ sung quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư và triển khai thi công trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do hiệu ứng của các dự án trước để lại với giá bồi thường quá cao, dẫn đến việc doanh nghiệp khó có thể tự thỏa thuận được với người dân để đạt được hài hòa lợi ích cả hai bên. Đây là những vấn đề có tác động, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh lại việc mất an ninh trật tự trên địa bàn. Vậy nên, trong nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự khi tiếp tục triển khai các dự án điện gió thì công tác quản lý nhà nước về giá bồi thường khi thu hồi đất có vai trò rất quan trọng. Chính quyền, cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ theo hướng thống nhất giải pháp đơn giá chung trong bồi thường, hỗ trợ GPMB để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư, tránh những xung đột gây mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và các chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường, GPMB, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị đứng đầu cả nước về vận hành thương mại các dự án điện gió

Nguyên Kha |

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/10/2021, cả nước có 84 dự án điện gió với tổng công suất 3.980,27 MW được công nhận và vận hành thương mại (COD) đúng tiến độ hưởng giá ưu đãi (FIT) 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT).

Quảng Trị: Dự án điện gió đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế

PV |

Năm 2021, tăng trưởng GRDP tỉnh Quảng Trị đạt 6,5%, xếp trong tốp đầu các tỉnh trong khu vực miền Trung (Quảng Bình 4,83%, Thừa Thiên Huế 4,36%). Thu ngân sách ước đạt trên 5000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 28.500 tỷ đồng (nhiệm kỳ 2015 – 2020: 73.400 tỷ đồng). Kết quả trên có đóng góp quan trọng của các dự án điện gió triển khai trên địa bàn tỉnh.

Thống nhất để nhà đầu tư triển khai đề án giải tỏa công suất nguồn điện gió tỉnh Quảng Trị

Thanh Trúc |

Ngày 24/11, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng chủ trì cuộc họp đánh giá khả năng giải tỏa công suất nguồn điện gió tỉnh Quảng Trị với công suất tăng thêm 1.500 MW điện gió. Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự họp.

Thêm 69 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại

Toàn Thắng |

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến hết ngày 31/10 đã có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3298,95 MW đã được công nhận vận hành thương mại (COD).