Câu chuyện nhỏ nơi thường bị lụt lớn

Tâm |

Nhà tôi nằm lọt thỏm giữa khu vườn xanh um cây trái. Nhờ những lớp phù sa đắp bồi qua bao mùa lũ lụt mà tầng đất vườn trở nên dày dặn. 

Có lần, tôi đem cây ngọc lan trồng thêm bên cạnh khung cửa sổ, cắm nhát xẻng xuống vườn đã nghe dậy lên mùi nồng nàn, đằm sâu của đất. Từng thớ đất lật lên vẫn còn in những đường vân li ti, mỗi đường vân chắc là chỉ dấu của một mùa lụt ghé qua đất này, nhìn ngon nghẻ như một nồi bánh đúc.

Từ bao đời nay, những làng quê ven sông Hiếu như ở nhà tôi, mùa lụt là mùa âu lo nhất trong một năm. Âu lo là không biết năm ni có lụt to hay nhỏ thôi chứ khi biết rồi thì không còn lo nữa. Mấy năm trước, có cơn đại hồng thủy tràn qua làng, nước bạc lấp xấp mái nhà, cả một vùng ruộng đồng, vườn tược mất hút trong lụt. Nước rút, cảnh hoang tàn, đổ nát hiện ra.

Cả làng nhẫn nại gượng dậy từ sức mình, từ sự chung tay của đồng bào cả nước. Tất cả rồi cũng đi đến thời khắc tốt lành. Năm đó, dịp Tết, cây mai đầu làng vẫn kịp bung những đóa vàng kiêu hãnh như sức vươn mạnh mẽ của đất, của người nơi vùng “rốn lụt”.

Chứng kiến cảnh lụt lội hoành hành hằng năm, bạn bè tôi cứ nhỏ to: “Thôi ham hố chi cái đất vườn trũng như vũng trâu đằm nớ, lên thị trấn mà ở cho cao ráo”. “Điều kiện thiếu chi, tìm nơi thiệt cao làm cái nhà vững chắc, mưa lụt kê cao gối ngủ có khỏe cái thân hơn không?”. “Già rồi, sức mô mà dọn lụt, không dời sớm đi, mai mốt ngồi đó mà than, thiệt tình...”. “Đất bữa ni đang “đứng”, không lo mà kiếm một chỗ khô ráo, mai mốt giá đất lên lại, không đến lượt mình mô...”.

Những lời khuyên nhủ kèm theo sự quan tâm của bạn bè đã sưởi ấm tôi những mùa lụt tràn qua với đôi chút phân vân nhưng khi nước rút đi rồi, làng quê ngời lên sức sống, tôi lại muốn gắn bó dài lâu với đất này. Hôm rồi, nhân lúc tiết trời chuyển sang se se lạnh nhưng lại phảng phất chút oi nồng, báo hiệu một mùa mưa lụt nữa cận kề, chú em tôi buông mấy dòng trạng thái trên facebook. Xin được chép ra đây như một lời giãi bày, “chốt hạ” về chuyện đi, chuyện ở mà những người thương mến luôn cùng trăn trở với nhà tôi trong mỗi độ mưa lụt sắp tràn về:

Xưa có hai anh em nhà nọ rủ nhau đào giếng, sâu lắm rồi nhưng giếng vẫn chưa có nước. Đến ngày thứ bảy tưởng bỏ cuộc thì khi người em lật một cục đá to bằng trái dưa hấu lên, lập tức một dòng nước từ đâu dưới lòng đất tuôn trào như suối.

Nước từ giếng này ngày đông thì ấm, ngày hè thì mát lạnh như có ai lén bỏ đá. Thích nhất là om với chè Cùa, để lâu nước vẫn xanh như vừa mới nấu. Những ngày lụt lội, nước đục ngầu lấp xấp miệng giếng nhưng nước trong giếng vẫn trong vắt và sâu hun hút; ờ phải rồi, mạch nước giếng này chắc chảy ra từ dãy núi xa mờ trên kia.

Có lần họ định chuyển lên thị trấn ở để tránh lụt. Nhà thì chuyển được, nhưng còn cái giếng và tiếng cười của hàng xóm quanh bát chè xanh thì làm sao mà đem theo?

Nghĩ đến đó nên họ thôi...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Còn chút phong hương

Yên Mã Sơn |

Đôi lúc dặn lòng hãy hít thật sâu vào lòng ngực thời khắc hiện tại để khi quay lưng không còn hối tiếc. Những hẹn thề sẽ không sống mãi bên mình, nó như chiếc lá phong xanh non lộc biếc, đến lúc xanh đậm, ngả vàng rồi đỏ thẫm như một đóa phù dung đổi màu.


Chiếc bánh Trung thu bị mất

Hoài Hương |

Hộp bánh Trung thu thương hiệu Thu Lan nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh về đến nhà đúng vào dịp tết Trung thu. Chưa nói đến chất lượng của hiệu bánh này, chỉ nhìn bao bì, mẫu mã cũng khiến người ta muốn thưởng thức vị bên trong của nó. Cứ nghĩ bọn trẻ sẽ háo hức khi được tặng những chiếc bánh xinh xắn này vào đúng dịp Trung thu. Vậy mà khi chiếc bánh đầu tiên được cắt ra, chỉ nếm thử một chút là chúng đã không ngó ngàng gì đến những miếng còn lại.

Vương nắng dã quỳ

An Khanh |

Chiều nơi miền sơn cước hun hút gió. Mưa bụi nhẹ tênh vương trên những cánh hoa dã quỳ vàng ruộm. Mây bàng bạc cuối chân trời. Dừng chân bên khóm hoa ươm màu nắng, bâng khuâng nhớ về năm tháng xa...

Những điều quý giá con người cần học hỏi suốt đời

PV |

Học nhận lỗi, học nhu hòa, học thấu hiểu, học buông bỏ... là những điều quý giá chúng ta nên học suốt đời.