Đã là bậc làm cha làm mẹ thì ắt hẳn ai cũng muốn con cái mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, một số cha mẹ bằng những lời nói, hành vi và nhận thức không phù hợp đã làm tổn thương con. Thậm chí, không ít trường hợp gây ra hậu quả đáng tiếc. Những năm gần đây, cụm từ “cha mẹ độc hại” được nhiều người biết đến và cũng có những quyển sách nổi tiếng viết về vấn đề này.
L.M.H. năm nay lên lớp 9, có vóc dáng cao lớn vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. H. tính tình hiền lành, ít nói và có phần nhút nhát. Ở trường, H. là học sinh chăm ngoan, học giỏi. Bố mẹ của H. đều là cán bộ nhà nước.
H. kể, ngoài giờ học ở trường, em còn phải học thêm rất nhiều môn khác theo yêu cầu của bố mẹ. Những ngày cuối tuần, H. không có thời gian nghỉ ngơi mà phải ở nhà làm bài tập hoặc đi học thêm. Là học sinh, H. cũng muốn tham gia các môn thể thao, vui chơi với bạn bè nhưng những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, bố mẹ lại giao cho H. việc nhà như nấu cơm, dọn nhà, chăm cô em gái 4 tuổi.
Thi thoảng, H. được bố mẹ cho đi chơi nhà ông bà nội ngoại với các anh chị em con cậu, dì. Tuy nhiên, trong khi các anh, chị được ở lại chơi với ông bà vài ngày cuối tuần hoặc lễ, tết thì H. lại bị mẹ bắt về nhà học bài, chăm em.
“Mẹ bắt cháu học bài suốt ngày suốt đêm. Cháu không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và làm những điều mình thích. Từ trước tới nay, mọi việc cháu làm đều là nghe theo bố mẹ. Nhiều khi cháu thấy mệt quá, không muốn học tiếp thì mẹ mắng rồi dọa đuổi cháu ra khỏi nhà.
Chỉ cần cháu nói ra suy nghĩ của mình là bị la mắng. Cháu biết mẹ thương cháu nhưng nhiều khi cháu thấy ngột ngạt lắm, không muốn về nhà. Cháu đã từng nghĩ đến việc không muốn tiếp tục sống nữa”, H. chia sẻ với đôi mắt đượm buồn.
Trường hợp như H. không phải là hiếm. Liên tiếp thời gian gần đây, một số học sinh có hành động dại dột vì áp lực học tập, thành tích từ cha mẹ khiến nhiều người không khỏi xót xa. Hậu quả đáng tiếc ấy xuất phát từ nguyên nhân cảm xúc của trẻ bị dồn nén trong một thời gian dài.
Gõ cụm từ “cha mẹ độc hại” trên trang web tìm kiếm google.com sẽ cho ra gần 10,9 triệu kết quả chỉ trong 0,33 giây. Theo các chuyên gia tâm lý, “cha mẹ độc hại” (toxic parents) được hiểu đơn giản là các bậc cha mẹ luôn có những lời nói và hành vi tiêu cực khiến con cái bị tổn thương nghiêm trọng.
Tuy nhiên, họ lại luôn lấy tình yêu thương ra để hợp thức hóa cho hành vi đó của mình. Những bậc “cha mẹ độc hại” thường chỉ quan tâm đến nhu cầu của chính họ thay vì nghĩ đến tác hại đối với con cái.
Đôi khi họ thừa nhận những gì mình làm là không đúng nhưng vẫn luôn lạm dụng và lặp lại chúng. “Cha mẹ độc hại” có thể khiến cho cuộc sống của con cái trở nên khốn khổ do bị kiểm soát, thao túng và chỉ trích. Con cái thường không thể đưa ra lựa chọn hay đặt mục tiêu cho riêng mình và sống một cuộc sống như bản thân mong muốn.
Nếu không được kiểm soát, các bậc phụ huynh này có thể gây ra những tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho con. Trẻ có thể bị rối loạn chức năng, trầm cảm, nghiện rượu hay trở nên độc hại tương tự như cha mẹ của mình.
Như đã đề cập, “cha mẹ độc hại” luôn có những lời nói và hành vi lệch chuẩn khiến trẻ bị tổn thương nặng nề cả về thể chất và tinh thần.
Căn cứ vào đặc điểm, các chuyên gia tâm lý nhận định “cha mẹ độc hại” có 6 kiểu chính, bao gồm: Cha mẹ kiểm soát - đây được đánh giá là kiểu cha mẹ độc hại rất phổ biến ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trên danh nghĩa là người sinh ra trẻ, cha mẹ sẽ tự cho mình quyền quyết định tất cả mọi thứ liên quan tới con.
Đặc biệt là có sự kiểm soát sát sao từ lời nói cho tới hành động của con. Cha mẹ nghiện rượu là kiểu cha mẹ gây ra rất nhiều tổn thương cả về tinh thần và thể xác cho con cái, khiến bầu không khí gia đình luôn trong trạng thái tiêu cực.
Cha mẹ không trọn vẹn, đề cập đến các bậc phụ huynh chưa đáp ứng được nhu cầu của con trẻ nhưng lại luôn trông chờ trẻ lớn lên sẽ đáp ứng những yêu cầu của mình, bao gồm cả danh dự, tiền bạc, sự yêu thương, chăm sóc. Kiểu cha mẹ bạo hành con cái bằng lời nói xảy ra rất phổ biến. Họ luôn chì chiết, trách móc và dùng những lời lẽ cay nghiệt với con cái.
Điều này khiến cho con hình thành suy nghĩ bản thân là người có lỗi, yếu kém và vô dụng. Cha mẹ bạo hành thể xác, luôn sử dụng bạo lực trong mọi trường hợp. Cha mẹ bạo hành tình dục là kiểu “cha mẹ độc hại” gây ra trải nghiệm kinh hoàng nhất cho con cái.
Một số dấu hiệu nhận biết “cha mẹ độc hại”: quá đề cao kỳ vọng của bản thân; phản ứng và cảm xúc quá khích; quá hà khắc với con cái; luôn đổ lỗi và không bao giờ xin lỗi con; muốn con thực hiện ước mơ của mình; không tôn trọng sự riêng tư của con; xem nhẹ cảm xúc và suy nghĩ của con; khống chế con cái; lời nói và hành vi tiêu cực; không thoải mái khi con cái hạnh phúc.
Gia đình chính là nguồn sống của mỗi đứa trẻ. Trong đó, cha mẹ luôn là cả thế giới đối với con cái. Vì vậy, sống và lớn lên trong gia đình có cha mẹ tiêu cực khiến trẻ phải đối mặt với nhiều mối nguy hại. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ số IQ của trẻ có “cha mẹ độc hại” thường ở mức thấp hơn những trẻ được sống và lớn lên trong môi trường lành mạnh.
Bởi lời nói và hành vi tiêu cực của cha mẹ khiến trẻ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Với những “cha mẹ độc hại” thì họ có thể nuôi dạy trẻ trở thành một bản sao tương tự. Trẻ sống cùng với phụ huynh như thế rất dễ nảy sinh các vấn đề tâm lý.
Thường thấy nhất là rối loạn nhân cách hoặc stress quá mức. Hơn thế, nhiều trẻ còn bị rối loạn lo âu, trầm cảm… nhất là khi đối mặt với thực tại khác xa so với tưởng tượng của bản thân.
Lớn lên trong một môi trường có “cha mẹ độc hại” là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, khi đã trải qua những hoàn cảnh như vậy, việc mỗi người có thể làm là tìm kiếm những phương thức để không bị bó buộc bởi những thứ đã xảy ra. Hãy cho phép chính mình quyết định, xây dựng cuộc sống lành mạnh, có trách nhiệm với cuộc sống hiện tại và tương lai của bản thân.
Đối với các bậc phụ huynh, khi đứng trước cư xử không phù hợp của con, cần bình tĩnh lắng nghe để thấu hiểu những khó khăn về cảm xúc và hành vi. Cha mẹ cần tránh đưa ra những biện pháp kỷ luật có khả năng làm tổn hại đến thể chất, nhân phẩm hay những nhu cầu căn bản của con.
Một điều đáng lưu ý là bản thân những bậc phụ huynh nuôi dạy con theo cách cực đoan, độc hại cũng cần được hỗ trợ, bởi hành động và cách nuôi dạy của họ có thể phản chiếu những cách thức giáo dục hay nuôi dạy mà chính họ được nhận.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)