Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Hoài Nam |

Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp hạng cao về đa dạng sinh học. Mới đây, theo công bố của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), trong số 380 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông của Đông Nam Á, có tới 158 loài tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam. Những năm qua, nhiều dự án hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai khắp cả nước với nỗ lực bảo vệ các loài động vật quý hiếm, trong đó có những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Miền Trung là một trong những khu vực có nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai, trong đó có dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2” có vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á đầu tiên trong lĩnh vực môi trường.

Dự án này được triển khai từ năm 2011-2020 tại khu vực cảnh quan Trung Trường Sơn - nơi có tầm quan trọng về đa dạng sinh học bậc nhất cả nước nhưng lại là địa bàn rất khó khăn về điều kiện tự nhiên, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc ít người 35 xã thuộc 6 huyện: Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam), A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế).

Mục tiêu chung của dự án là phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Trung Trường Sơn, mang lại lợi ích cho đời sống của người dân địa phương và những người sử dụng ở hạ lưu. Dự án có 3 hợp phần chính, đó là tăng cường thể chế và cộng đồng; phục hồi hành lang đa dạng sinh học; bảo vệ dịch vụ hệ sinh thái, quản lý bền vững bởi những người quản lý tài nguyên địa phương; cải thiện sinh kế và hỗ trợ hạ tầng quy mô nhỏ tại các xã.

 
 
Mới đây, Dự án “Cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”, do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ với tổng kinh phí 1,4 triệu USD, cũng được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Nam. Mục tiêu của dự án này là tăng cường hoạt động tìm kiếm và phát hiện Sao la trên toàn khu vực Trung Trường Sơn thông qua hợp tác với các tổ chức bảo tồn thiên nhiên, viện nghiên cứu gen trong nước, quốc tế, hướng đến bảo tồn các loài nguy cấp.

Hỗ trợ khẩn cấp và trực tiếp để xác định, giảm thiểu các mối đe dọa đối với Sao la tại những khu vực ưu tiên trong phạm vi khu vực mục tiêu là Trung Trường Sơn của Việt Nam. Phổ biến kiến thức về Sao la và nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó thu thập các thông tin có giá trị từ cộng đồng nhằm gia tăng khả năng phát hiện Sao la trong phạm vi phân bố khu vực Trung Trường Sơn.

Sao la (tên khoa học là Pseudoryx nghetinhens) được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 1992. Theo nhận định gần đây của một số chuyên gia thuộc nhóm làm việc Sao la, số cá thể Sao la còn sót lại trong tự nhiên ở Việt Nam rất ít, có thể từ 15 đến 20 cá thể, phân bố rải rác khu vực Trung Trường Sơn.

Điểm mới của dự án “Cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng” là lần đầu tiên công việc tìm kiếm loài thú quý hiếm này được tiến hành bằng mẫu ADN môi trường (eDNA) thông qua hai phương pháp lấy mẫu vắt và mẫu nước. Kỹ thuật mới mang tính đột phá này được sử dụng để bảo vệ các động vật có nguy cơ tuyệt chủng và hệ sinh thái tự nhiên.

Tất cả các sinh vật sống, bao gồm cả con người, đều “phát tán” vật liệu di truyền ADN vào môi trường khi bài tiết chất thải, chảy máu và rụng da hoặc lông. Các dấu vết tồn dư này được chiết ra từ một mẫu đất hoặc nước, cấu thành cái được gọi là eDNA. Thời gian qua, phương pháp này được triển khai tại các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cho thấy sử dụng phân tích eDNA từ vắt (một loài côn trùng hút máu động vật) kết hợp với bẫy ảnh sẽ tối ưu hóa việc phát hiện các loài quý hiếm.

Trong khuôn khổ của Dự án “Cứu Sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”, ít nhất 15 khu vực có mức độ ưu tiên cao nhất tại 6 tỉnh trong khu vực Trung Trường Sơn được khảo sát với 3.000 bẫy ảnh flash trắng (200 bẫy ảnh cho mỗi khu vực). 1.200 mẫu eDNA sẽ được thu thập và phân tích (40 mẫu vắt và 40 mẫu nước eDNA cho mỗi khu vực) để phát hiện Sao la.

Theo Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan, từ trước đến nay, bằng mắt thường và thông qua phương pháp bẫy ảnh chưa từng phát hiện dấu vết của Sao la tại khu bảo tồn. Tuy nhiên, với việc áp dụng phương pháp phân tích eDNA lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn, hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều loài thú quý hiếm khác, trong đó có Sao la.

Ngoài phương pháp bẫy ảnh và xác định ADN qua mẫu máu của vắt và nước, WWF-Việt Nam còn áp dụng phương pháp khảo sát theo các tuyến điều tra, qua đó ghi nhận sự có mặt của Sao la và các loài thú khác như Mang Trường Sơn, Sơn dương, Thỏ vằn, Mang lớn, Khỉ mặt đỏ, Khỉ đuôi dài, Tê tê và các loài khác bắt gặp trong tuyến tuần tra. Phương pháp phỏng vấn thông tin từ thợ săn, người dân địa phương và những người có kinh nghiệm đi rừng cũng được áp dụng nhằm nắm bắt thông tin về bắt gặp Sao la, vùng phân bố của chúng cũng như một số tập tính khác của loài như thức ăn ưa thích, sinh hoạt…

Đây là những thông tin cần thiết, bởi vì cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình tham vấn điều tra khảo sát. Trong quá trình phỏng vấn khảo sát, dự án xác định người dân địa phương sẽ tham gia giúp phát hiện loài Sao la ở các khu vực ưu tiên, đồng thời cung cấp những thông tin có giá trị để phục vụ cho giai đoạn tiếp theo của dự án.

Hiện nay, WWF đang phối hợp với Bộ NN&PTN, Vườn quốc gia Bạch Mã để xây dựng Trung tâm tái thả động vật hoang dã. Đây là nơi để phát triển, tái tạo và tái thả nhằm phục hồi quần thể các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như Sao la, Mang Trường Sơn và một số loài nguy cấp khác ở Trung Trường Sơn.

Biến đổi khí hậu và các hành vi hủy hoại môi trường của con người khiến nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có Sao la. Việc bảo vệ các loài động vật, nhất là động vật hoang dã đang ngày càng trở nên cấp thiết. Đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, trong đó người dân có vai trò rất quan trọng đối với việc ngăn chặn hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.

Vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, ngăn chặn hoạt động săn bắt và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép là việc làm hết sức quan trọng... Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giám sát công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông

Nhơn Bốn |

Ngày 14/2, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến làm trưởng đoàn làm việc với Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông để giám sát công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng nhằm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2022.

Bắt đối tượng tàng trữ 19 kg động vật hoang dã quý hiếm

Lê Trường |

Ngày 13/12, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa bắt giữ đối tượng có hành vi tàng trữ động vật hoang dã thuộc diện nguy cấp, quý hiếm.

Tăng cường quản lý, bảo vệ động vật hoang dã

Thu Hạ |

Nhận thức rõ vai trò của đa dạng sinh học đối với bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ động vật hoang dã cũng như góp phần kéo giảm số vụ vi phạm tàng trữ, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

Hệ lụy từ hành vi buôn bán động vật hoang dã

Hoài Nam |

Còn nhớ trong một phiên tòa xét xử vụ “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, khi tòa tuyên án 4 năm tù, người thân của bị cáo òa khóc: “Chỉ là 4 con tê tê thôi, sao lại quý hơn so với sự tự do của con người?”. Hẳn với suy nghĩ đó, nên khi đồng ý mua tê tê về thành phố bán kiếm lời, bị cáo - một phụ nữ với gánh nặng gia đình chồng chất - không nghĩ đến việc phải trả giá bằng bản án 4 năm tù giam. Không riêng gì bị cáo trong vụ án này mà không ít người dân ở vùng miền núi vẫn còn nặng thói quen: “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”…, dẫn đến hành vi săn bắt, buôn bán động vật nguy cấp, quý, hiếm thường xuyên xảy ra.