Cởi bỏ áp lực thành tích để đồng hành với con

Tú Linh |

Năm học 2023-2024 sắp kết thúc cũng là thời điểm mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... tràn ngập hình ảnh về bảng điểm, giấy khen do phụ huynh khoe thành tích học tập của con. Điều này khiến không ít phụ huynh khác cảm thấy áp lực, dễ nảy sinh sự so sánh giữa con mình với con nhà người ta. Điều này tạo áp lực không nhỏ cho những đứa trẻ khác khi không đạt được thành tích trong học tập như các bạn.


Chị Phan Mỹ A. ở huyện Gio Linh có con trai từng học trường chuyên tỉnh cho biết, môi trường học tập của con chị toàn là bạn học giỏi. Khi con lên lớp 12, chị thường xuyên nhận được các thông tin từ nhóm kín của lớp như bạn thì thi chứng chỉ IELTS đạt 8.0, thi chứng chỉ SAT đạt hơn 1.000 điểm, bạn thì được học bổng toàn phần của các trường đại học nước ngoài danh tiếng.

Tất cả những thông tin cứ dồn dập đến với chị trong khi con trai chị có thành tích học tập xếp loại khá. Điều khiến chị lo lắng là môn Tiếng Anh của cháu không giỏi trong khi gia đình luôn mong muốn con đạt trên 7.5 điểm IELTS để có thêm điều kiện xét tuyển vào các trường đại học tốp trên. Nhắc cháu đi học thêm tiếng Anh thì cháu chỉ muốn tự học trên mạng và khẳng định tiếng Anh chỉ là một phương tiện, cần dành nhiều thời gian để học những môn khác, làm những việc khác mà mình thấy hứng thú, đam mê.

Phụ huynh luôn đồng hành trong suốt chặng đường học tập của các con -Ảnh: TÚ LINH
Phụ huynh luôn đồng hành trong suốt chặng đường học tập của các con -Ảnh: TÚ LINH

Nhưng khi kết thúc năm học lớp 12 vừa rồi, con trai chị đạt chứng chỉ B2 tiếng Pháp và xin được học bổng vào đại học ngành logistics ở Pháp mà không cần sự hỗ trợ của bố mẹ. “Nghĩ lại tôi thấy mình hơi mất bình tĩnh khi luôn so sánh con mình với con nhà người khác, như vậy sẽ làm tổn thương con.

Khi tôi so sánh chắc chắn cháu sẽ bị áp lực trong học tập, dẫn đến tự ti, không có động lực phấn đấu. May mắn là tôi đã tự điều chỉnh mình để luôn thấy hài lòng về con trai dù con chưa bao giờ lọt được vào tốp những bạn học sinh xuất sắc nhất lớp.

Tôi luôn nghĩ về những điều con mình đã cố gắng để đạt được thay vì nghĩ đến thành tích trên lớp của con kém các bạn học khác. Miễn sao con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, hài lòng về bản thân là được”, chị Mỹ A. chia sẻ.

Không phải phụ huynh nào cũng có sự điều chỉnh kịp thời như chị Mỹ A. Nhiều trường hợp phụ huynh có thói quen khoe thành tích của con lên mạng xã hội thường xuyên khiến trẻ bị áp lực học hành.

Chị Lan Ch. ở TP. Đông Hà có con gái lớn năm nay học lớp 12. Con gái chị học giỏi, thường đạt thành tích cao trong các cuộc thi. Tự hào về con nên nhiều năm nay, chị hay khoe giấy khen, thành tích thi cử của con lên mạng xã hội. Mỗi lần như vậy, thường có nhiều lời chúc mừng, khen ngợi từ người thân, bạn bè khiến cả gia đình chị rất hãnh diện.

Tuy nhiên, một năm trở lại đây, chị Ch. không còn khoe con trên mạng nữa. Lý do vì con chị tham gia cuộc thi giải Toán cấp tỉnh qua mạng nhưng kết quả không như mong muốn. Sau đó, con chị buồn bã, trầm lặng, cảm giác như chán nản và thất vọng với chính mình.

Chị gặng hỏi thì con gái òa lên khóc nức nở, xin lỗi vì đã không đạt được kết quả như kỳ vọng của mọi người. Chị Ch. không thể lường hết được hậu quả của việc khoe con của mình lại đi quá xa như thế.

Không ít bậc phụ huynh khác cũng hay chụp ảnh bảng điểm, giấy khen, thành tích thi cử của con rồi đăng lên mạng. Vào những thời điểm như kết thúc năm học, biết kết quả thi và cấp 3, thi tốt nghiệp THPT, vào đại học... không khó bắt gặp những hình ảnh về bảng điểm, giấy khen xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Phía dưới bài đăng thường là những bình luận có cánh khen con giỏi, khen bố mẹ biết cách nuôi dạy con.

Theo các chuyên gia tâm lý, mỗi đứa trẻ đều có một tiềm năng, một sự khác biệt cần được thấu hiểu và tôn trọng. Nhiệm vụ của cha mẹ là tìm kiếm và nuôi dưỡng tâm hồn, tiềm năng ấy phát triển tốt hơn để con cái có một nền tảng tốt, một thái độ tự tin phát huy thế mạnh của mình.

Cha mẹ không nên tư duy theo kiểu con mình phải giỏi, phải tốt, phải thành công hơn con nhà người ta mà cần quan tâm tới cảm xúc của con để con phát triển tự nhiên và hạnh phúc. Cha mẹ hãy nghĩ rằng con mình cứ tốt hơn chính bản thân con mỗi ngày là được. Nếu so sánh con mình với con người khác là điều không nên làm.

Mặt khác, cha mẹ cần học cách chấp nhận sự thật con mình là người bình thường để con chia sẻ vấn đề cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Có như vậy con sẽ được hạnh phúc thực sự và không cần phải sống hoàn hảo trong mắt người khác, mà là sự nỗ lực không ngừng để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Đồng thời cha mẹ nên lắng nghe, thấu hiểu, ủng hộ giấc mơ của con, để con được sống là chính con, nhận ra tầm quan trọng của việc học là vì chính con chứ không phải vì niềm tự hào của cha mẹ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Học sinh cẩn trọng với thức ăn, đồ chơi lạ

Vân Phong |

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị Hoàng Đình Ấn xác nhận, vừa có kết quả điều tra vụ 23 học sinh ở huyện Cam Lộ bị ngộ độc.

Trao 78 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập

Hải An |

Ngày 19/4, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị tổ chức trao 78 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học tập tốt trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả chương trình dạy bơi cho học sinh khu vực biên giới

Phước Trung |

Chương trình tập huấn kỹ năng phòng tránh đuối nước và dạy bơi cho trẻ em vùng cao biên giới được Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với Trường Tiểu học và THCS Xy, Đoàn Thanh niên xã Xy, huyện Hướng Hóa tổ chức thực hiện trong mùa hè năm 2023 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Chương trình không chỉ giúp cho nhiều trẻ em vùng núi biết bơi mà còn phát hiện và đào tạo những tài năng bơi lội trong trẻ em vùng núi để tham dự các cuộc thi bơi lội học đường.

Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học vùng cao

Quang Cường |

Xây dựng phòng đọc sách, chỉnh trang, bài trí thư viện, thiết kế các điểm đọc sách ngoài trời hay góc thư viện, đang được nhiều trường học ở tỉnh miền núi Tuyên Quang thực hiện nhằm đưa sách đến gần hơn với học sinh, giúp các em có thêm nhiều kiến thức, cải thiện kỹ năng sống, phát triển văn hóa đọc, tạo nền tảng cho việc tự học.