Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ TP. Hà Nội) và các đơn vị liên quan đang làm quy trình thu hồi danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” là hình thức biểu dương, khen thưởng cao quý của UBND Thành phố Hà Nội dành tặng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, dẫn đầu trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòngan ninh, nêu tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo. Cá nhân đạt danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” được tặng bằng công nhận, huy hiệu và tiền thưởng bằng 12,5 lần mức lương tối thiểu; được ghi tên vào sổ vàng truyền thống của thành phố.
Mỗi cá nhân chỉ được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” một lần; không áp dụng hình thức truy tặng và mỗi lĩnh vực được trao tặng danh hiệu này không quá 10 cá nhân trong một năm. Xét các tiêu chí trên, bất cứ cá nhân nào đạt được danh hiệu này cũng là một vinh dự lớn lao, là phần thưởng cao quý, ghi nhận những đóng góp của họ đối với sự phát triển của thủ đô, của đất nước trong từng lĩnh vực.
Với hai cá nhân nói trên, thời điểm được trao danh hiệu cao quý này đều có những đóng góp hữu ích không chỉ cho riêng Thủ đô Hà Nội mà còn cho nền y học nước nhà. Tuy nhiên về sau, do có những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực mình quản lý nên đã bị xem xét thu hồi danh hiệu.
Danh hiệu là phần thưởng cao quý của mỗi cá nhân khi có những đóng góp tích cực cho xã hội, cũng là cái đích phấn đấu của rất nhiều người. Ở mỗi lĩnh vực, mỗi công việc khác nhau đều có những danh hiệu được tôn vinh. Khía cạnh tích cực của việc tôn vinh này là nhằm khuyến khích mọi người luôn nỗ lực phấn đấu để cống hiến cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, việc đạt được danh hiệu đã khó, bảo vệ được giá trị của danh hiệu càng khó hơn.
Từ trước đến nay, không chỉ có hai cá nhân nói trên được trao danh hiệu rồi bị tước danh hiệu. Chúng ta vẫn còn nhớ trường hợp ông Dương Minh Ngọc, một cán bộ công an được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì xả thân bắt cướp. Vậy nhưng sau đó, người “anh hùng” này lại bị chính kẻ gian mua chuộc để rồi dính vào vòng lao lý, bị tước danh hiệu cao quý mà không phải ai trong cuộc đời mình phấn đấu cũng có thể đạt được.
Vì danh hiệu đi liền với danh dự nên phải thực sự xứng đáng thì mới nhận danh hiệu và khi nhận được rồi thì phải bảo vệ giá trị của danh hiệu đó. Trên thực tế vẫn có một số người quá coi trọng danh hiệu và tìm mọi cách để đạt được nó nhưng lại không nhắc nhở bản thân làm sao để xứng đáng với danh hiệu đạt được.
Sau khi có danh hiệu để bổ sung vào “bảng vàng thành tích”, không ít người không phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; có người phạm sai lầm dẫn đến bị kỷ luật, khiển trách, nặng hơn là dính vào vòng lao lý. Do đó, việc bình xét, trao tặng danh hiệu phải thực chất thì mới tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Hằng năm, các địa phương, đơn vị đều tổ chức bình xét để trao danh hiệu cho các cá nhân, tập thể xuất sắc. Một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét danh hiệu, đó là phải có thành tích xuất sắc trong công việc mà mình được phân công đảm nhiệm.
Tuy nhiên, việc bình xét ở một số nơi chỉ mang tính cào bằng, hình thức. Vẫn tồn tại một số trường hợp khen thưởng thiếu chính xác, khen do nể nang, cào bằng, chạy theo thành tích; cá biệt còn có tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa tiêu biểu, chưa có sức lan tỏa… Do đó, công tác thi đua khen thưởng cần phải đi vào thực chất hơn, cần tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được nêu gương, tạo sự lan tỏa và ngăn chặn từ gốc những phong trào thi đua hình thức, tô hồng, lấy danh hiệu thi đua làm "bình phong" cá nhân.
Câu chuyện được trao danh hiệu và bị tước danh hiệu như đã nói ở trên cho thấy việc giữ gìn, bảo vệ danh hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì bảo vệ danh hiệu chính là bảo vệ danh dự của cá nhân, tập thể. Cống hiến bao nhiêu chăng nữa cho xã hội nhưng chỉ một phút lơ là, buông lỏng trách nhiệm thì sự cống hiến đó đều đổ xuống sông, xuống biển.
Đối với người cán bộ, đảng viên, danh dự lại càng thiêng liêng, cao quý hơn bất cứ điều gì. Việc một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đã đánh mất danh dự của bản thân, gia đình; đánh mất niềm tin, sự kỳ vọng của cơ quan, tổ chức và xã hội mà trước đó họ đã phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu mới có được. Vậy nên, nếu chúng ta không biết giữ gìn, bảo vệ, nếu thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thì danh dự chẳng mấy chốc tiêu tan.
Không phải ngẫu nhiên trong thời gian gần đây, người đứng đầu của Đảng nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian; phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng.
Đây là những lời nhắc nhở để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng và rèn đức, luyện tài để có những cống hiến thực chất cho xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)