Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 511/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao
Thông báo nêu, ước giải ngân đến hết tháng 11 năm 2023 đạt khoảng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% về tỷ lệ và cao hơn khoảng 123 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay còn có 21 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao; có 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 15% và 8 địa phương giải ngân dưới 50%; còn nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ.
Việc chậm giải ngân của một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiều nguyên nhân, trong đó: công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số bộ, cơ quan, địa phương chưa quyết liệt, sâu sát, kịp thời; năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án một số trường hợp còn hạn chế; kỷ cương kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương nhiều trường hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung; vẫn còn tình trạng thiếu nguyên vật liệu thi công, nhất là đối với các dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn
Quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ là quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các nghị quyết, kết luận của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trong bối cảnh khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Đồng thời, bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thường trực Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư công. Hoàn thiện chế tài trong việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân hoặc để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Giám sát, đôn đốc nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ
Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm các nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương, phát huy vai trò các tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh làm tổ trưởng; xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao...
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán... đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)