Để đường dây nóng không bị “nguội”

Mai Lâm |

Nhằm lắng nghe góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, một số ngành, đơn vị thiết lập, đưa vào vận hành các đường dây nóng. Đây được xem là một trong những kênh tiếp nhận thông tin nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là đối với những lĩnh vực nhạy cảm như phòng chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục... Tuy nhiên, trên thực tế, để đường dây nóng hoạt động thật sự hiệu quả vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.

Tháng 5/2020, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Trị (BCĐ 389/ĐP) công bố số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử, địa chỉ tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, trong đó số điện thoại đường dây nóng Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389/ĐP là 0911.392.389; tổ trưởng tổ giúp việc BCĐ là 0911.393.389. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng, 1 năm nay kể từ khi ông giữ cương vị Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389/ĐP và tiếp nhận số điện thoại đường dây nóng đến nay, ông chưa nhận được cuộc điện thoại, tin báo nào về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của người dân qua số điện thoại này.

Báo cáo BCĐ 389/ĐP tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 817 vụ (giảm 5,11% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó: buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu 604 vụ, gian lận thương mại 203 vụ, hàng giả 10 vụ với tổng trị giá hàng hóa vi phạm tịch thu trên 20,5 tỉ đồng (tăng 22,63% so với cùng kỳ năm 2021). Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giảm nhưng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn, thể hiện ở số vụ vi phạm giảm như giá trị hàng hóa vi phạm tăng; số mặt hàng vi phạm không đa dạng như trước nhưng số lượng một số mặt hàng vi phạm tăng như rượu ngoại, bia, nước giải khát, thuốc lá, đường cát, hàng điện tử... Thực tế, hàng trăm vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mà lực lượng chức năng bắt giữ trên đều chủ yếu được thực hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ và dựa vào nguồn tin riêng chứ không có vụ nào được báo qua đường dây nóng BCĐ 389 tỉnh. Trong khi đó, thời gian gần đây có không ít người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lên mạng “bóc phốt” cảnh báo khi mua hàng trên các trang mạng xã hội nhưng trúng phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc, thậm chí bị lừa đảo khi mua hàng nhưng lại không biết liên hệ như thế nào với cơ quan chức năng để phản ánh, xử lý.

Không riêng gì đường dây nóng BCĐ 389/ĐP tỉnh mà thực tế hiện nay là nhiều ngành, đơn vị lập đường dây nóng nhưng có rất ít người dân biết đến số điện thoại đường dây nóng để gọi điện khi cần. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đường dây nóng hoạt động chưa đạt hiệu quả mong muốn. Việc người dân ít biết thông tin về các đường dây nóng phần nào cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến của ngành, đơn vị liên quan còn hạn chế. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận người dân chưa thật sự tin tưởng cách tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng của cơ quan chức năng nên không mặn mà với việc gọi điện phản ánh qua kênh tiếp nhận thông tin này.

Một ví dụ như thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều địa phương đã thành lập các đường dây nóng và tổ chức vận hành hiệu quả, góp phần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Điển hình như TP. Hồ Chí Minh có thời điểm lưu lượng người gọi đến đường dây nóng lên tới 60.000 cuộc gọi/ ngày. Tất nhiên con số “khủng” về cuộc gọi đến đường dây nóng ở thời điểm này xuất phát trong bối cảnh “ai ở đâu, ở yên đấy” khiến người dân xem các số điện thoại nóng về y tế, an sinh của địa phương là “phao cứu sinh”.

Tuy nhiên, góp phần vào sự vận hành thành công các đường dây nóng ở TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ còn do địa phương thực hiện nhiều giải pháp linh động để đường dây nóng phải thật sự “nóng”. Theo đó, chính quyền, ngành chức năng của thành phố đã tăng cường đăng tải các số điện thoại đường dây nóng cấp thiết liên quan đến hỗ trợ về y tế, an sinh xã hội đến người dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức dễ tiếp cận như: đăng trên Facebook, Zalo, đọc trên loa phát thanh của phường, thậm chí còn in số điện thoại phát đến từng tổ dân phố hoặc dán tại từng địa bàn dân cư… Điều này đã giúp người dân dễ dàng có được số điện thoại để gọi khi cần.

Thiết lập đường dây nóng là việc làm cần thiết, tuy nhiên để phát huy hiệu quả của kênh tiếp nhận thông tin này cần sự tích cực, chủ động hơn nữa của ngành, đơn vị liên quan, mà trước tiên là trách nhiệm thông tin công khai, rộng rãi về số điện thoại, hộp thư điện tử cũng như quy chế hoạt động của đường dây nóng bằng nhiều hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt. Hình thức tuyên truyền có thể là niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại trụ sở, tuyên truyền qua trang thông tin điện tử của đơn vị, áp phích, tờ rơi hay các phương tiện thông tin đại chúng...

Bên cạnh đó, việc xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua kênh tiếp nhận này cần đảm bảo thuận lợi, công tâm, khách quan, đúng quy định pháp luật. Ngành, đơn vị khi thiết lập đường dây nóng cần mở sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung thông tin nhận được và kết quả xử lý thông tin qua kênh này tại cơ quan, đơn vị mình; bố trí chuyên viên tiếp nhận các thông tin đường dây nóng kịp thời, phù hợp và có báo cáo định kỳ với người đứng đầu về việc tiếp nhận, xử lý thông tin để có sự kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý kịp thời thông tin tiếp nhận được.

Đối với những lĩnh vực nhạy cảm, cần bảo mật thông tin cá nhân, đảm bảo an toàn cho người phản ánh… thể hiện sự quyết tâm của đơn vị trong xử lý tiếp nhận thông tin nhằm xây dựng niềm tin, tạo sự ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Điện thoại rảnh tay khi lái xe còn nguy hiểm hơn uống rượu

Thủy Phạm |

Công nghệ "điện thoại rảnh tay" bị phát giác trong các nghiên cứu gần đây là còn nguy hiểm hơn cả rượu khi lái xe.

Đà Nẵng: Xảy ra trường hợp thí sinh dùng điện thoại chụp đề thi Toán gửi ra ngoài

PV |

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, ngày 9/7, sau khi nhận được thông tin về việc nghi vấn để lọt đề thi môn Toán tại Hội đồng thi Đà Nẵng, lãnh đạo Hội đồng thi đã làm việc, trao đổi với đại diện Công an thành phố để phối hợp làm rõ vụ việc.

Cần cảnh giác khi mua sách, tài liệu qua điện thoại

Tú Linh |

Thời gian qua, một số đối tượng giả mạo cán bộ cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức xã hội để chào bán sách, tài liệu không rõ nội dung, nguồn gốc nhằm trục lợi trái phép. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cần cảnh giác hơn nữa đối với những cuộc điện thoại chào bán sách; cần sớm thông báo với cơ quan liên quan, lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Xuất hiện hình ảnh chiếc điện thoại cài ở cửa sổ máy bay, lãnh đạo Cục Hàng không lên tiếng

Thanh Mai |

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, đó là hành động rất nguy hiểm, đe dọa an toàn của chuyến bay, do điện thoại có thể cháy nổ.