Để không lạm chi dịp Tết

Hoài Nam |

Những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm của mọi gia đình đều tăng cao. Ai nấy đều muốn sắm sửa đầy đủ các vật dụng và đồ trang trí nhà cửa để vui xuân, đón Tết… Chính vì thế, đây là thời điểm dễ khiến người tiêu dùng rơi vào cảnh lạm chi do nhìn đâu cũng thấy thiếu, nhìn thứ gì cũng muốn mua. Nếu không biết cách chi tiêu hợp lý sẽ rất dễ rơi vào cảnh lãng phí tiền của hoặc thiếu hụt tài chính. Do đó, lập kế hoạch chi tiêu là việc làm cần thiết đối với mỗi gia đình vào dịp cuối năm.

Dọn dẹp nhà để chuẩn bị đón năm mới, chị Thanh Lan, Phường 5, TP. Đông Hà tá hỏa khi phát hiện trong ngăn tủ bếp, nhiều món bánh kẹo đặt từ Tết năm ngoái vẫn còn nguyên. Nào là hộp nho nguyên cành của Úc, bánh nougat Nhà gạo, mứt dừa non đã bị mốc meo... Ngăn tủ này vốn chỉ để bánh kẹo ngày tết nên chị Lan ít khi mở, vì thế lúc phát hiện ra thì tất cả đã hết hạn sử dụng. Nguyên nhân là do cứ mỗi lần đến Tết, chị Lan không kiểm soát được việc mua sắm của mình. Mặc dù ra hết tháng Giêng nhà chị vẫn lai rai ăn đồ Tết nhưng không thể tiêu thụ hết số hàng hóa chị mua về. Chị Lan phải giấu mọi người trong gia đình để mang vứt số kẹo bánh và trái cây khô trên vì thường ngày chị luôn răn dạy các con phải biết tiết kiệm, đồng thời chị cũng tự nhắc nhở bản thân: Tết này không được phung phí.

Những ngày giáp Tết, sức mua của người dân tăng cao -Ảnh: H.N
Những ngày giáp Tết, sức mua của người dân tăng cao -Ảnh: H.N

Vậy nhưng trước đó, các đơn hàng đã được chị Lan đặt và đang trên đường về nên “khẩu hiệu” tiết kiệm lại phải được chị lùi lại cho những cái tết sau. Chị Lan cho biết: đành rằng nhu cầu mua sắm dịp Tết tăng cao nhưng chung quy là do tôi không lên kế hoạch trước mà bạ đâu mua đó. Nhất là đặt hàng qua mạng nên nhiều khi tôi không nhớ, hàng chưa kịp về lại vội vàng đi mua chỗ khác. Nói là năm nay tiết kiệm nhưng khi hiểu ra vấn đề thì Tết đã cận kề sau lưng và các đơn hàng đang trên đường đến tay người mua.

Tết là khoảng thời gian vui vẻ nhất trong năm vì mọi người, mọi nhà được đoàn viên sau một năm làm việc vất vả. Dịp này, đa số mọi người thường có quan niệm mua sắm là “dư còn hơn thiếu”. Thế nhưng mua thế nào cho đủ mà không lãng phí mới là câu chuyện đáng nói. Tình trạng mua sắm quá đà trong dịp Tết xảy ra với rất nhiều người, không riêng gì chị Lan. Điều này dẫn đến việc dư thừa rất lãng phí, thậm chí có người rơi vào cảnh thâm hụt tài chính do “vung tay quá trán”. Chị Lê Thị T. ở thị trấn Hồ Xá là công nhân của một công ty tư nhân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, thu nhập hàng tháng khoảng từ 6-8 triệu đồng. Năm ngoái, vào dịp Tết, cộng cả lương và thưởng chị được khoảng trên 15 triệu đồng; chồng chị cũng được một khoản tiền thưởng kha khá nên ai cũng có nhu cầu sắm sửa các vật dụng mới trong gia đình. Chồng chị muốn thay chiếc ti vi đã quá cũ, hai cậu con trai lại muốn có bộ bàn ghế mới để đón bạn bè đến nhà chơi... Ngẫm thấy nhu cầu nào cũng chính đáng nên vợ chồng chị bàn nhau mua, nếu thiếu thì có thể trả góp hàng tháng. Nhưng từ chiếc ti vi và bộ bàn ghế như đã quyết ban đầu, khi ra đến cửa hàng, nghe tư vấn lọt tai nên chị lấy thêm vài món lặt vặt khác. Có đồ mới đón Tết cả nhà ai cùng vui. Nhưng Tết qua, các hóa đơn thanh toán cho những món hàng trả góp liên tiếp ập tới khiến chị T. hoa cả mắt. Chị phải co kéo chi tiêu, cật lực làm thêm mới có thể trả dần hết số tiền mà mình đã mua hàng trước đó. “Trả xong nợ mà tôi vẫn chưa thể thoải mái được trong một thời gian dài. Bởi vì gánh nặng trước đó khiến tôi luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng. Từ đó về sau, tôi không bao giờ dồn mọi thứ mua sắm vào dịp Tết và chỉ mua những thứ cần thiết, tránh tình trạng tiêu trước, trả sau mà mình từng mắc phải”, chị T. chia sẻ.

Bài toán “vung tay” thế nào cho hợp lý mà không quá tốn kém luôn khó giải. Thường với mỗi mức thu nhập khác nhau sẽ có kiểu chi tiêu khác nhau.

Có những gia đình chỉ dành ra 5 triệu đồng cho Tết nhưng với nhiều người, con số này có thể gấp 5, gấp 10 hoặc hơn nữa. Để chi tiêu hợp lý, người nội trợ trong gia đình phải dự trù một khoản cố định cho việc mua sắm Tết phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình.

Càng gần Tết càng bận rộn, khó có thể chọn lựa những món đồ tốt với giá hợp lý nên việc lập danh sách đồ cần mua chi tiết theo danh mục hoặc mức độ ưu tiên thực sự cần thiết. Việc lên kế hoạch chi tiêu sẽ giúp người nội trợ kiểm soát được việc mua sắm của mình, tránh mua trùng lặp hay quá nhiều hàng hóa mà không thể tiêu thụ hết trong những ngày Tết.

Với thực phẩm, không nên mua quá nhiều vì các siêu thị, chợ hầu như đến mùng 2-3 đã mở cửa; cũng không nên mua theo số đông mà phải căn cứ vào sở thích, nhu cầu của các thành viên trong gia đình. Mọi người có thể tiết kiệm chi phí bằng cách tự làm một số món đơn giản cho ngày Tết như muối dưa, hành, mứt...

Để không bị lạm chi vào dịp cuối năm, chị Nguyễn Thúy Hằng ở Phường 1, TP. Đông Hà liệt kê ra một bảng những thứ cần mua, sau đó chị cân nhắc xem cái nào có thể bỏ được thì gạch đi. Chị cũng ấn định từng khoản tiền cố định cho mỗi khâu như trang trí nhà cửa, đồ ăn uống, quà biếu bố mẹ hai bên, tiền lì xì các cháu, con bạn bè...

Chị Hằng cho hay: “Nhà mình những năm trước hay tốn tiền mua sắm thực phẩm và trang trí nhà cửa. Năm nay rút kinh nghiệm, mình chỉ mua đồ ăn vừa đủ đến ngày mùng 3, bánh kẹo chỉ cần vài loại ngon, đồ trang trí dùng lại của năm trước vì vẫn còn mới”. Theo chị Hằng, khi lên danh sách đồ cần mua và số tiền tương ứng, chị sẽ chủ động hơn, đồng thời không mua theo cảm tính vì như thế vừa tốn kém, vừa không tiện dụng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch trong dịp Tết

PV |

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 7/TB-VPCP ngày 12/1/2023 truyền đạt ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tại Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với các địa phương.

Chi trả gộp 2 tháng lương hưu để người dân yên tâm đón Tết

Bảo Bình |

Liên tục trong 4 năm gần đây, từ 2020 - 2023, người hưởng lương hưu hằng tháng đều được chi trả gộp 2 tháng lương hưu vào tháng 1 đầu năm, trước tết Nguyên đán. Đây là một trong những việc làm kịp thời, ý nghĩa của ngành BHXH nhằm lan tỏa hơn nữa lợi ích, giá trị, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) để người dân tham gia thụ hưởng các chính sách an sinh, xã hội của Đảng, Nhà nước luôn được chăm lo, an tâm đón Tết.

Tạo điều kiện để nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm

PV |

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị giao ban công tác Quý IV/2022 với các ban Đảng, 4 văn phòng, các đảng ủy, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương.

Giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết

Nguyễn Trang |

Từ giữa tháng 11/2022, Công an huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã triển khai đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm. Đợt cao điểm sẽ kéo dài đến ngày 5/2/2023 nhằm bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) phục vụ Nhân dân trên địa bàn vui xuân, đón tết Nguyên đán Quý Mão 2023.