Những ngày đầu năm 2021, cán bộ, Nhân dân tỉnh Quảng Trị nhận được tin vui khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã thống nhất bổ sung quy hoạch giai đoạn 1 (1.500 MW) dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng vào Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011 - 2020, có xét tới năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) để hỗ trợ tỉnh sớm khởi công vào năm 2023, đưa vào vận hành giai đoạn 2026 - 2027, tạo điều kiện cho tỉnh sớm có dự án động lực, góp phần xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Các giai đoạn sau của Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (tổng công suất 3.000MW) được xem xét tổng thể trong Đề án Quy hoạch điện VIII.
Như chúng ta đã biết, đầu năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết quan trọng để kêu gọi đầu tư phát triển ngành năng lượng tại mỗi địa phương. Đối với Quảng Trị, vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa có dự án động lực. Chính vì vậy việc hình thành trung tâm năng lượng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo dự báo của ngành công thương, Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng hơn 14.000 MW, trong đó điện khí 6.340MW, điện gió 4.000 MW, điện mặt trời 1.750 MW, thủy điện 311 MW, nhiệt điện than 2.400 MW. Ngoài ra còn có khoảng 200 MW điện sinh khối, điện áp mái. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, đến nay có 13 dự án năng lượng đi vào hoạt động với công suất 276 MW, trong đó thủy điện 10 dự án, điện gió 2 dự án, điện mặt trời 1 dự án. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng như: Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATi, Tân Hoàn Cầu, Gilex… Cùng với đó, đã chú trọng đến mạng lưới truyền tải để đảm bảo kết nối các dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn đảm bảo dự án đầu tư được truyền bán lên lưới điện quốc gia.
Vấn đề đặt ra hiện nay là mặc dù tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thu hút đầu tư, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong triển khai dự án nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, điểm nghẽn cần có các giải pháp mạnh để thúc đẩy phát triển năng lượng trên địa bàn. Đó là việc đàm phán BOT thường kéo dài nhiều năm; công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm do vướng mắc trong đền bù, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; hạ tầng đấu nối chưa đầy đủ. Ngoài ra, một số chính sách chưa đồng bộ, còn thiếu nên chưa thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân.
Để phấn đấu phát triển các dự án ngành điện trên địa bàn đến năm 2025 đạt khoảng 6.500 MW, đến năm 2030 khoảng 8.000 MW và sau năm 2030 trên 10.000 MW, với việc Chính phủ đồng ý bổ sung dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, thời gian tới ngành công thương và các địa phương cùng với tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết, phối hợp với Bộ Công thương, EVN hoàn thiện các nội dung về vị trí, quy mô kho cảng LNG, phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia giai đoạn 1 của dự án và nguồn cung cấp khí cân đối giữa khí hóa lỏng LNG và các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị (Kèn Bầu - lô 114; Báo Vàng - lô 113...) đảm bảo chủ động, ổn định cho dự án. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật để hỗ trợ tỉnh sớm khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng vào năm 2023, đưa vào vận hành giai đoạn 2026 - 2027, tạo điều kiện cho tỉnh sớm có dự án động lực, góp phần phát triển tỉnh Quảng Trị đạt trình độ trung bình cao của cả nước và xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.
Đồng thời, tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương để bổ sung các dự án năng lượng vào quy hoạch điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) làm cơ sở triển khai đầu tư, kêu gọi đầu tư trong thời gian tới. Tiến hành rà soát từng dự án cụ thể đặt trong tổng thể chung để đánh giá thực tiễn khả năng giải tỏa công suất hiện nay để từ đó đề ra các giải pháp kỹ thuật từng khu vực nhằm nâng cao công suất giải tỏa. Phối hợp với EVN đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng đấu nối: Dự án mạch 3 đường dây 500 KV, đường dây 220 KV, nâng cấp đường dây 110 KV để giải tỏa công suất các dự án đã triển khai trên địa bàn. Đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu đầu tư đường dây và trạm 500 KV Đông Hà - Lao Bảo để giải tỏa hết công suất các dự án ở phía tây của tỉnh.
Về lâu dài, cần thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó chú trọng khuyến khích, thu hút kinh tế tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đấu nối các dự án năng lượng để giải tỏa hết công suất các dự án đang triển khai đầu tư, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tại các địa phương có lợi thế như điện gió, thủy điện ở phía tây; điện khí, điện than tại Khu Kinh tế Đông Nam; điện mặt trời ở vùng ven biển của tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, đặc biệt là thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để triển khai có hiệu quả các dự án năng lượng đầu tư trên địa bàn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)