Giãn cách và cách ly

Thụy Bất Nhi |

Dư luận Đà Nẵng hai hôm nay lại sôi nổi chuyện giãn cách, khi cộng đồng mạng xã hội chia sẻ đề xuất từ sở Công Thương Đà Nẵng về điều tiết người dân đi chợ thưa lượt lại, nhằm hạn chế tiếp xúc gần, gây nguy hiểm trong mùa dịch bệnh. Theo đó, Đà Nẵng thể hiện tinh thần cần tăng cường hơn nữa hiệu quả giãn cách xã hội, trước những diễn biến phức tạp hơn của tình hình và từ số bệnh nhân tử vong liên quan COVID-19 tăng thêm.

“Cần phải hiểu giãn cách không phải là cách ly. Đề xuất của chúng tôi không phải là ngăn sông cấm chợ, phong tỏa sinh hoạt người dân như một số tin đồn thất thiệt đưa ra. Đề xuất chỉ mong điều tiết, giới hạn lại sự giao dịch mua bán, đi lại của người dân ở những khu vực có nhiều nguy cơ, như đám đông ở chợ, vận động người dân không nên đi đến những khu vực đó nếu không thật sự cần thiết, và nên đi vào những thời điểm cự ly giãn cách hiệu quả hơn”. Lãnh đạo sở Công Thương Đà Nẵng trần tình như vậy.

Giãn cách tại một bếp ăn tập thể công nhân ở Đà Nẵng. Ảnh: T.L
Giãn cách tại một bếp ăn tập thể công nhân ở Đà Nẵng. Ảnh: T.L

Xem ra, sự phân trần của vị lãnh đạo này là cần thiết, bởi với nhiều người, hai khái niệm giãn cách và cách ly chưa được phân biệt rõ ràng.

Trong từ Hán Việt, chữ cách (隔) viết bên trái là bộ phụ (阜, gò đất) diễn tả ranh giới, bên phải gồm bộ nhất (số một), bộ khẩu (cái miệng), bộ quynh (vùng đất cách xa) và giản lược bộ dương (con dê), diễn nghĩa một người đứng bên này bờ đất, gọi con dê ở bờ bên kia nhưng địa thế tách rời nhau nên không thể tiếp xúc được. Chữ cách, vì thế có nghĩa là tách rời, không gặp được. Chữ ly (離) gồm bộ chuy (lông đuôi chim) bên phải, bên trái vẽ diễn tả một vật đặt trên mâm, đặt trên đồ vật khác rồi đặt lên trên một cái bàn nữa, diễn tả ý tách rời ra không thể tiếp cận được, hoàn toàn tách biệt. Bởi lẽ người xưa hay dùng lông đuôi chim gắn trên mũ, hoặc cờ để làm hiệu, nên hình ảnh một tín hiệu được đặt với khoảng cách quá xa, có nghĩa là không thể nào tới gần được nữa. Chữ ly, vì thế có nghĩa là xa biệt, không gặp được.

Hai chữ cách ly này, dùng trong tiếng Việt, cũng vẫn được sử dụng hai từ Hán Việt để viết, hàm nghĩa cách biệt, hoàn toàn không tiếp cận với nhau.

Từ giãn cách, là từ tiếng Việt có thể phái sinh gần đây. Trong các từ điển từ trước đến nay, không tìm thấy từ giãn cách.

Để diễn nghĩa từ giãn, các tự điển dùng chữ thiểm khai (閃開), tiếng Trung Quốc dùng từ gian thiểm (間閃). Chữ thiểm, gồm bộ môn (門, cánh cửa) và bộ nhân(人, con người), diễn nghĩa một người đứng choáng giữa cửa, che mất tầm nhìn, ánh sáng chỉ có thể soi người ấy, nghĩa là le lói, chiếu qua. Thiểm khai, là né qua một bên; gian thiểm, là khoảng giữa bị che khuất; đều có nghĩa muốn nhìn thấy phải nới rộng ra, tức là giãn nở.

Khi diễn nghĩa chữ giãn này, cha ông ta chế ra chữ Nôm, viết là giãn (揀) gồm bộ thủ (手, cánh tay) và chữ gián (柬, thư từ) mượn âm đọc, diễn tả ý dùng tay đẩy ra, nghĩa là giãn ra, tách rời ra. Ghép chữ giãn này với chữ cách, sẽ có nghĩa là tách xa ra, giãn rời ra, có khoảng cách nhất định.

Như vậy, chữ cách ly nghĩa là buộc phải cắt lìa, không có liên hệ tiếp xúc nào, không nhìn thấy nhau được. Còn giãn cách (揀格), là buộc phải giữ một khoảng cách nhất định, không thể tiếp cận gần lại.

Nghĩa hai từ tiếng Việt này, bởi thế rất rõ ràng và khác nhau, chỉ vào hoàn cảnh khác nhau, trong đó, cách ly có nghĩa quyết liệt hơn giãn cách.

Bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chủ trương đưa ra là thực hiện giãn cách toàn xã hội, đã là một động thái tích cực, vừa dung hòa quyền lợi người dân về sinh hoạt, đi lại… vừa thể hiện ý chí cương quyết ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Tại Đà Nẵng, tâm điểm vùng có dịch của cả nước, thời gian qua đã thực hiện giãn cách tốt, nhưng trước những diễn biến phức tạp, sẽ cần phải gia tăng kiểm soát và giới hạn tiếp xúc xã hội hơn nữa. Có điều, mức độ nghiêm trọng này được dung hòa bởi những dấu hiệu thể hiện địa phương đã kiểm soát được các ổ dịch, không nhất thiết phải đi đến cách ly dân cư và các khu vực. Cho nên, giãn cách chặt chẽ hơn là biện pháp nên tính đến cho Đà Nẵng, và hạn chế người dân tụ tập đông ở các chợ là một biện pháp đáng suy nghĩ.

Đề xuất gia tăng giãn cách xã hội của chính quyền thành phố Đà Nẵng như vậy, là một bước triển khai tiến bộ, mọi người cần tuân thủ, chứ không nên có những động thái manh động, lo lắng thái quá dẫn đến tiêu cực, hiểu lầm sẽ có cách ly diện rộng xảy ra, làm hoang mang lòng người.

(Nguồn: Vi Vu 247)

TAGS

Ông Chinh trả "ghế", bà Mai trả nhà và chuyện lắng nghe lời thật

Lê Thanh Phong |

Cha ông xưa nói "lời thật mất lòng", lời nói thật có thể mất lòng nhưng thực sự cần thiết để sửa đổi, thay đổi. Ngày nay, cũng tinh thần góp ý của cha ông, con cháu dùng cụm  từ "phản biện xã hội" để nói lên sự thật.

Sản xuất tiến sĩ dỏm nhiều như "lò ấp" trứng

Lê Thanh Phong |

Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có việc đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Thời kỳ thanh tra từ năm 2015 đến tháng 12/2019; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên.

Não nhanh hơn tay

Đức Hoàng |

"Share” cái gì trên mạng xã hội trong thời đại dịch này là một câu hỏi lớn. Nó không dễ trả lời.

Tầm nhìn... uống thì khỏi ăn!

Lâm Chí Công |

Đến hẹn lại lên, cả dãy các địa phương khúc ruột bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã, đang trong tình trạng nắng hạn dữ dội, thiếu nước ngọt cho ăn uống của con người, gia súc, gia cầm, thiếu nước tưới cho lúa và hoa màu...