Hãy là Công dân, đừng là Lê dân!

Thụy Bất Nhi |

Chuyện rằng mới đây, một lãnh đạo ngành giáo dục địa phương khi nghe những chỉ trích trong cộng đồng về việc bố trí lịch nghỉ hè học sinh và tổ chức kỳ thi tránh tập trung đông người trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, có nói đến thái độ lừng khừng của ông ta, đã phật ý bực mình. Khi có người hỏi, vị lãnh đạo này thuận miệng buông luôn một câu: "Rảnh đâu nghe đám lê dân nói sàm…".

Ngẫm ra mới thấy, thực sự trong tâm tưởng của nhiều người, khái niệm về Dân, vẫn chưa thoát được những quan niệm cố hữu khi dễ trước đám đông quần chúng. Đáng buồn hơn, một khi chính mỗi người trong xã hội hôm nay, nếu không cân nhắc nghĩ suy kỹ lưỡng trước khi đưa ra những lời đàm tiếu bỉ bôi, thì rất khó có thể khiến kẻ khác dần bỏ đi cái nhìn miệt thị.  

Làm một Công dân hay chỉ là một Lê dân, tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Làm một Công dân hay chỉ là một Lê dân, tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người.

Chữ Dân (民) trong cổ văn, mang nghĩa là kẻ nô lệ. Chữ này vẽ hình một con mắt người, và một mũi dùi nhọn đâm vào. Nguyên nghĩa xa xưa, khi một người bị bắt làm nô lệ, sẽ bị chủ nhân dùng vật nhọn đâm mù mắt trái, từ đó vĩnh viễn trở thành tài sản sở hữu của chủ nhân. Những người bị mất đi quyền làm chủ bản thân, trong lịch sử phương Đông cũ, sẽ bị gọi là Dân, tức nô lệ. Sau này, khi các chế độ phong kiến tập quyền ra đời, giới chính trị lãnh đạo mới dùng chữ Dân, để chỉ cộng đồng dân cư dưới quyền cai trị của mình, coi như công nhận quyền làm người của người dân.

Giới chức quan lại phong kiến hay dùng chữ Lê (黎) dân, để chỉ đám đông dân chúng. Chữ Lê, gồm bộ Thử (cây lúa) và bộ Lực (sức khỏe) tạo thành, có nghĩa là mọc lan tràn như lúa, hàm nghĩa số đông. Lê dân bách tính là từ quen dùng nhất, kể cả trong văn bản hành chính, để chỉ đám đông không có giá trị gì, một cách thản nhiên khi dễ. Chữ Nôm chúng ta có chữ Lê la (黎羅) hay Lê lết (黎𨃻) đều theo nghĩa này.

Cạnh chữ Lê dân, giới phong kiến còn dùng chữ Thứ (庶) dân. Chữ Thứ này nghĩa là nhiều, khác với chữ Thứ (次) có nghĩa là thứ bậc. Nhiều người lầm tưởng Thứ dân, nghĩa là người dân xếp phía sau, theo quan niệm quân vương đứng trước, dân chúng xếp sau. Tuy nhiên, nếu quan niệm như vậy đã tốt. Thực chất, giới phong kiến gọi từ Thứ dân là để chỉ đám đông nhiều mà thôi, không hề đề cao gì vai trò của họ cả.

Ngoài ra, với nhiều người có học trong xã hội cũ, khi đối thoại với quan lại sẽ hay tự xưng Thảo (草) dân. Chữ Thảo có nghĩa là cỏ. Thảo dân, là tự ví mình là người dân nhiều như cây cỏ, không có giá trị gì.

Bởi những quan niệm ấy, mà từ xưa, khái niệm Dân trong mắt giới chức cầm quyền, luôn bị coi thường khinh miệt. Những cách gọi Lê dân, hay có chút văn vẻ là Thảo dân, đều đặt người dân vào vị thế thấp hèn, rẻ rúng.

Chỉ có rất ít nhà tri thức có cái nhìn tiến bộ, mới đưa ra những quan điểm coi trọng người dân. Đơn cử với Mạnh Tử, luôn nổi tiếng với câu “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý nhất, kế đến là đất nước, còn vua ở vị trí cuối cùng). Câu nói này thể hiện quan điểm trọng dân của một bậc Nho gia chính trực, được coi là tôn chỉ quan trọng của nhiều người chí sĩ thời phong kiến. Từ nhận thức này, họ dần chỉ đến những từ mới, như Công dân (公民) chỉ về những người dân trong xã hội.

Chữ Công, thực tế phổ biến có những chữ sau:

Chữ 工nghĩa là người thợ, người làm công, như công nhân, công nông.

Chữ 功 nghĩa là công sức, công lao, như công huân, công cán.

Chữ 攻 nghĩa là tiến đánh, như tấn công, công phá.

Chữ 公 nghĩa là chung khắp, bình đẳng, như công quyền, công chức.

Với chữ Công dân, ý nghĩa đã chỉ vào giá trị của người dân được tôn xưng lên, theo nghĩa chung khắp với nhau, công bình với nhau, không có sự phân chia thứ bậc trên dưới sang hèn nữa. Người công dân là con người đã được xác lập vị thế, có vai trò và giá trị nhất định trong xã hội. Dĩ nhiên, để làm một công dân, rõ ràng người đó phải có trách nhiệm và quyền lợi, phải bảo đảm tuân thủ và thể hiện những trách nhiệm cần làm của mình. Người xưa có câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (nước nhà nguy biến, gã đàn ông thô lỗ nhất cũng phải có trách nhiệm), chính là nhìn nhận vai trò người dân ở nghĩa Công dân này.

Bởi thế, trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, tình hình có nhiều biến động, giá trị mỗi người luôn được đánh giá đúng qua vai trò và năng lực thể hiện.

Một khi mỗi người chỉ nhìn các vấn đề xã hội với lăng kính chỉ trích, yêu cầu đòi hỏi quyền lợi của mình, mà không thấy rõ trách nhiệm bản thân là gì, không cộng hưởng đúng với những quyền lợi chung, bình đẳng với mọi người, thì thật sự vai trò làm một Công dân của nước nhà, rất là mờ nhạt.

Khi đó, phải chăng mỗi người sẽ tự động trở lại thành một Lê dân, một Thứ dân, trong mắt những người khác, trong mắt những người đảm nhận trách nhiệm quản lý xã hội? Nếu vậy, dù có tiến bộ đến đâu, người ta cũng sẽ coi thường và đánh giá miệt thị vai trò của mỗi người Công dân không đáp ứng được yêu cầu đương nhiên phải có?

Muốn làm một Lê dân, hay làm một Công dân, rõ ràng đều tùy thuộc vào thái độ tự lựa chọn của mỗi chúng ta mà thôi!

(Nguồn: Vi Vu 247)

TAGS

Giá của lợn

Dương Tiêu |

Giải pháp giảm giá thịt lợn của Bộ trưởng Nông nghiệp dường như không được dư luận chấp thuận. Nhưng có hề gì, giá thịt lợn hay phát ngôn chính khách đôi khi không giống như kỳ vọng của chúng ta.

Đã đến lúc tăng cường kiểm soát người nhập cảnh trái phép

Lê Xuân Thọ |

Từ liên tục phát hiện những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, cho thấy có ít nhất một đường dây để làm việc này. Trách nhiệm về kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đang được đặt nặng hơn bất cứ lúc nào.

Phố đèn đỏ nhìn từ Thái Lan

Thụy Bất Nhi |

Dư luận đang có những quan tâm nhất định đến đề xuất “thí điểm mở phố đèn đỏ ở Đà Nẵng”, với câu hỏi tại sao Singapore, Thái Lan có thể tổ chức được còn ở Việt Nam lại gian nan? Ngõ hầu lý giải phần nào vấn đề này, cá nhân người viết muốn chia sẻ chút thông tin về con phố đèn đỏ nổi tiếng tại Bangkok, nhìn qua lăng kính quản lý thực tế và tâm lý xã hội địa phương.

Đề xuất cấm hát karaoke bằng loa kẹo kéo, có đúng luật?

An Ly |

Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hát karaoke làm ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h đến 6h sáng hôm sau sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.