Hỗ trợ nguồn vốn giúp người dân phát triển sản xuất

Mỹ Hằng |

Cũng như nhiều địa phương khác, kể từ khi bùng phát, COVID- 19 đã tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay nhằm kịp thời hỗ trợ người dân có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Gia đình anh Nguyễn Khánh Tùng ở thôn Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn lâu năm ở địa phương, nhiều năm liền công việc chăn nuôi của gia đình anh khá thuận lợi. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, cũng là thời điểm COVID- 19 xuất hiện đã có những tác động bất lợi về giá cả, đầu ra không ổn định, khiến cho việc chăn nuôi của anh gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2020 thông qua kênh Huyện đoàn Vĩnh Linh, gia đình anh được vay 100 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với nguồn vốn này, anh đã đầu tư phát triển quy mô chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài, từng bước vượt qua khó khăn. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của anh có 500 con gà/lứa; 80 con lợn/lứa. Trong năm 2020, gia đình anh xuất bán 4 lứa lợn, 4 lứa gà, sau khi trừ chi phí thu được lãi ròng 200 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Khánh Tùng cho biết: “Nguồn vốn vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã kịp thời giúp cho gia đình tôi vượt qua khó khăn trước mắt. Với nguồn vốn vay này, tôi có thêm điều kiện để mở rộng mô hình kinh tế, vừa để tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, vừa có thêm nguồn thu nhập”.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh tích cực giải ngân nguồn vốn chính sách hỗ trợ người dân - Ảnh: M.H
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh tích cực giải ngân nguồn vốn chính sách hỗ trợ người dân - Ảnh: M.H

Không riêng gia đình anh Tùng, trong 2 năm trở lại đây, đã có hàng trăm thanh niên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh tín chấp của Huyện đoàn, giúp họ có điều kiện vươn lên lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh Võ Thị Thu cho biết: “Hiện nay, các cơ sở đoàn trên địa bàn đã tín chấp vay vốn 96,6 tỉ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hơn 1.800 hộ vay. Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhất là trong bối cảnh khó khăn do tác động bất lợi của COVID- 19 đã giúp cho nhiều thanh niên có thêm điều kiện để mạnh dạn tìm hướng đi mới, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất”.

Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Theo báo cáo từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh, trong 9 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tạo điều kiện cho 3.128 hộ gia đình được vay tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng số vốn lên đến 150,7 tỉ đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai thực hiện tốt các nội dung ủy thác, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt trong điều kiện COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Trong đó, dư nợ qua Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 149,4 tỉ đồng; Hội Nông dân quản lý 134,4 tỉ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý 111,1 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã huy động được tổng nguồn vốn 492,3 tỉ đồng, tăng 48,4 tỉ đồng so với năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là huy động tiền gửi tiết kiệm gần 73 tỉ đồng, tăng 19,4 tỉ đồng so với đầu năm 2021. Nhờ chủ động trong các nguồn vốn mà tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng được giao vốn đạt 100% kế hoạch. Thông qua các nguồn vốn vay đã tạo việc làm cho hơn 500 lao động.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh Thiều Quang An cho biết: “Với tinh thần “thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như cho vay bổ sung, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ. Đồng thời chủ động rà soát, kịp thời nắm bắt những hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để hỗ trợ các hộ vay sớm tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện để họ vươn lên phát triển kinh tế, từng bước vượt qua khó khăn do COVID- 19”.

Với các giải pháp thiết thực, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh đã đưa nguồn vốn tín dụng kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh có điều kiện khôi phục, phát triển sản xuất, tạo việc làm để vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an toàn cho Nhân dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bám sát sự chỉ đạo của ngành, các cấp chính quyền địa phương để đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách. Rà soát các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng do COVID19, do thiên tai... bổ sung danh sách làm căn cứ bình xét cho vay vốn kịp thời... Qua đó, góp phần thiết thực trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sớm có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi, bình ổn giá thịt lợn

Đức Tuân |

Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ sớm có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên gồm người chăn nuôi, các khâu trung gian, người tiêu dùng. Cho rằng “cần có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.

Cần có giải pháp hỗ trợ người nuôi tôm

Trần Tuyền |

Mưa lớn kéo dài trong những ngày giữa tháng 10 vừa qua khiến mực nước trên các con sông dâng cao, làm ngập nhiều diện tích nuôi tôm của người dân huyện Gio Linh (Quảng Trị). Cũng vào thời gian này năm ngoái, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề vì nước lũ cuốn trôi tất cả vốn liếng, tài sản đầu tư vào hồ tôm. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là người nuôi tôm nơm nớp nỗi lo trắng tay.

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới

Lâm Thanh |

Từ ngày 18/10/2021, tỉnh Quảng Trị chuyển trạng thái hoạt động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với cấp độ 2 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng để bắt nhịp sản xuất, đặt quyết tâm lớn cho những tháng còn lại của năm 2021.

Sinh viên có thuộc đối tượng hỗ trợ khó khăn?

PV |

Sinh viên Phan Trọng Nghĩa hiện ở trọ tại phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM. Sinh viên Nghĩa đã đăng ký hỗ trợ nhiều lần nhưng chưa lần nào nhận được tiền trợ cấp, cũng chưa nhận được phản hồi từ phường. Sinh viên Nghĩa hỏi, trường hợp của sinh viên có thuộc đối tượng hỗ trợ đợt 3 hay không?