Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới

Lâm Thanh |

Từ ngày 18/10/2021, tỉnh Quảng Trị chuyển trạng thái hoạt động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với cấp độ 2 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng để bắt nhịp sản xuất, đặt quyết tâm lớn cho những tháng còn lại của năm 2021.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong điều kiện chồng chất khó khăn do môi trường sản xuất, kinh doanh có nhiều thay đổi nên doanh nghiệp rất cần được sự hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền và ngành chức năng.

Sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp xác định khoảng thời gian còn lại của năm 2021 đến tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 là giai đoạn “nước rút” cho những dự định, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của cả năm; là cơ hội để khôi phục sản xuất giữ các đơn hàng và không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Tỉnh Quảng Trị áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với cấp độ 2 từ ngày 18/10/2021 (Ảnh: Xanh EWEC)
Tỉnh Quảng Trị áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với cấp độ 2 từ ngày 18/10/2021.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sản xuất thích ứng trạng thái bình thường mới thì dù là chạy đà phục hồi hay “nước rút”, doanh nghiệp đều cần tổ chức sắp xếp lại hoạt động đảm bảo “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Trước đây, khi nhắm đến một sản phẩm hay xu hướng kinh doanh mới chủ doanh nghiệp thường nghĩ ngay đến hiệu quả kinh tế. Nhưng bây giờ việc đầu tiên cần nghĩ đến là an toàn lao động, đảm bảo các điều kiện phòng dịch thì mới đem lại hiệu quả kinh tế.

Với điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, trong sản xuất doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định 5 K của Bộ Y tế, có đề xuất để toàn bộ người lao động được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vắc xin sớm nhất; đồng thời, có giải pháp để đảm bảo người lao động luôn khai báo y tế trung thực; định kỳ tổ chức lấy các mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 để phòng ngừa, phát hiện sớm dịch bệnh.

Quá trình sản xuất doanh nghiệp nên phân chia các tổ, đội sản xuất độc lập, hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người để khi có trường hợp dương tính xảy ra trong nhà máy thì chỉ dừng một bộ phận, không ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền sản xuất. Có phương án để các bộ phận sản xuất trong nhà máy hạn chế giao dịch, tiếp xúc trực tiếp với bộ phận cung cấp nguyên vật liệu đầu vào hay bộ phận xuất sản phẩm, chuyển hàng đi. Tách riêng bộ phận hành chính văn phòng, tăng cường ứng dụng công nghệ số, hạn chế tối đa các cuộc họp, gặp gỡ trực tiếp nếu không quá cần thiết trong nội bộ công ty cũng như với các đối tác khách hàng.

Các doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn, thích ứng bắt nhịp sản xuất trở lại
Các doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn, thích ứng bắt nhịp sản xuất trở lại.

Với nhiều thay đổi trong hoạt động sản xuất để thích ứng, chung sống an toàn với dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ tăng chi đầu vào do chi phí áp dụng các biện pháp phòng dịch như trang bị khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, bảo hộ lao động, xét nghiệm…cho người lao động. Việc hạn chế di chuyển cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong xúc tiến đầu tư tìm đối tác, thị trường mới nếu không thực hiện việc chuyển đổi số kinh doanh trực tuyến một cách hiệu quả.

Đã có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh trong thời gian qua nên thu hẹp thị trường, giải thể cũng khiến doanh nghiệp đang hoạt động mất đi nhiều đối tác, thị trường truyền thống trước đây. Giãn cách xã hội cũng khiến doanh nghiệp bị chậm các đơn hàng đã ký, chậm việc thanh toán thu hồi công nợ, thậm chí một số doanh nghiệp mất khả năng chi trả trở thành nợ xấu khiến tài chính của doanh nghiệp càng khó khăn.

Dù rất cấp thiết trong việc khôi phục sản xuất để thực hiện bù đắp các đơn hàng bị trễ hạn hợp đồng giao hàng do thực hiện giãn cách xã hội và không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng doanh nghiệp đều đồng thuận chủ trương “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn” để có biện pháp triển khai phù hợp nhất.

Với điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, trong sản xuất doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định 5 K của Bộ Y tế
Với điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, trong sản xuất doanh nghiệp phải đảm bảo các quy định 5 K của Bộ Y tế
Tuy nhiên, trước tác động lớn của dịch bệnh như thời gian qua, việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp sẽ khó có một mẫu số chung. Từ đó, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần chủ động đưa ra các phương án tối ưu phù hợp với đặc thù từng doanh nghiệp để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; linh hoạt thích ứng, mạnh dạn thay đổi để bảo đảm phục hồi, tăng trưởng ổn định là tinh thần, cách làm cần lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp thời điểm này.

Đồng hành với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống COVID-19. Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, khẩn trương thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đang xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19, vì thế cần lồng ghép xây dựng giải pháp của địa phương để đồng hành với doanh nghiệp trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về chính sách tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội, lao động, tiếp cận thị trường… tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức, sắp xếp lại hoạt động sản xuất bắt kịp trạng thái bình thường mới của xã hội.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thu lãi lớn từ thuê ruộng trồng lúa

Minh Long |

Không chỉ cần mẫn canh tác trên những mảnh ruộng ông cha để lại, những năm qua, ông Phan Văn Tiến ở thôn Cao Hy, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) còn chịu khó thuê lại nhiều mẫu ruộng của những hộ gia đình không đủ điều kiện canh tác để mở rộng sản xuất và phát triển thành vùng trồng lúa lớn.

Thương mại - dịch vụ ở Triệu Phong có bước khởi sắc

Nguyễn Vinh |

Mặc dù là huyện thuần nông nhưng bằng các giải pháp và cách làm cụ thể nên thương mại- dịch vụ ở Triệu Phong (Quảng Trị) thời gian gần đây phát triển mạnh.

'Chìa khóa' để doanh nghiệp thu hút người lao động quay lại làm việc

Thu Cúc |

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp (DN) phía Nam đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và xây dựng nhiều chế độ ưu đãi, tạo thuận lợi để người lao động (NLĐ) yên tâm quay trở lại làm việc.

Công ty Cổ phần LICOGI 13 được khảo sát đầu tư xây dựng resort và sân golf tại huyện Vĩnh Linh

Nhơn Bốn |

Ngày 20/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký văn bản đồng ý để Công ty Cổ phần LICOGI 13 nghiên cứu, khảo sát và lập đề xuất đầu tư dự án xây dựng resort và sân golf trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).