Mặc dù là huyện thuần nông nhưng bằng các giải pháp và cách làm cụ thể nên thương mại- dịch vụ ở Triệu Phong (Quảng Trị) thời gian gần đây phát triển mạnh.
Hầu hết các xã, thị trấn đều có chợ được đầu tư khang trang, buôn bán nhộn nhịp. Các trục đường, nhất là đường lớn đã hình thành tuyến đường buôn bán sầm uất với nhiều mặt hàng từ thực phẩm ăn uống hằng ngày đến vật liệu xây dựng với giá hợp lý, có nơi còn rẻ hơn ở các đô thị lớn trong tỉnh.
Với phương châm “lấy công làm lãi” nên những người hoạt động trong lĩnh vực thương mại- dịch vụ (TM-DV) đều bán hàng hóa sát giá gốc khiến người mua lẫn người bán đều hài lòng. Ngay cả khu chợ lớn nhất huyện Triệu Phong là chợ trung tâm thị trấn Ái Tử cũng luôn thực hiện phương châm thuận mua vừa bán này. Chợ được nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động tháng 12/2012 với diện tích xây dựng 3.253 m2 . Chợ được thiết kế hơn 230 lô quầy với nhiều khu hàng hóa như hàng vàng bạc, giày dép, áo quần, hàng tươi sống, khu dịch vụ may mặc, sửa chữa đồ điện tử… với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỉ đồng. Chị Phương, một tiểu thương bán thịt ở chợ cho biết, hàng thực phẩm ở chợ không niêm yết giá nhưng giá luôn ổn định và rẻ.
Ngay cả gần đây, khi thành phố Đông Hà thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống COVID-19, lượng khách đổ về chợ Ái Tử rất đông nhưng tiểu thương vẫn giữ giá bán như thường lệ. Thậm chí, khi nghe thông tin mua hàng tiếp tế cho người dân thành phố Đông Hà hay những nơi đang đối mặt với dịch bệnh, tiểu thương còn giảm giá, nếu mua số lượng lớn sẽ vận chuyển miễn phí đến tay người tiêu dùng.
Chia sẻ với câu chuyện của chị Phương, chị Tuyết - một tiểu thương bán hàng rau ở chợ cho biết thêm, các mặt hàng rau củ quả nói riêng và thực phẩm nói chung ở chợ được thu mua của người dân trong vùng nên chất lượng đảm bảo, các loại thịt được kiểm dịch thú y chặt chẽ, giá cả phải chăng và rẻ hơn ở các chợ trung tâm khác. Người bán không nói thách, người mua không mặc cả nên ai cũng vui vẻ. Thậm chí khi người mua hàng đem về nhà không ưng ý đến trả hoặc đổi lại cũng được nên không khí buôn bán ở chợ luôn đông vui. Tình hình an ninh trật tự ở chợ rất tốt, hiếm khi xảy ra trộm cắp, cướp giật, lừa đảo vì tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng chợ của tiểu thương rất cao.
Gần đây, UBND huyện Triệu Phong chỉ đạo đơn vị quản lý chợ quy hoạch lại một số lô quầy hàng rau quả và ăn uống tạo sự thuận lợi cho khách hàng và tiểu thương cũng như làm tốt hơn công tác phòng, chống cháy nổ. Đồng thời khuyến khích tiểu thương kinh doanh các mặt hàng là sản vật của quê hương thu hút khách hàng đến chợ.
Trong chiến lược phát triển TM-DV, thời gian qua huyện Triệu Phong luôn đưa ra nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa. Trong đó, hệ thống chợ được nâng cấp, xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, hầu hết các chợ trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc được nâng cấp mở rộng đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Hạ tầng khu dịch vụ, du lịch bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu Lăng được đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác; bước đầu thử nghiệm một số tour, điểm du lịch để xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế của địa phương được du khách quan tâm.
Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, trong đó huyện Triệu Phong chú trọng quy hoạch bố trí quỹ đất, kêu gọi đầu tư phát triển TM-DV dọc Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng. Công tác hỗ trợ mở rộng thị trường, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm vào các siêu thị được quan tâm.
Trong đó, huyện Triệu Phong đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Triệu Phong”, 4 nhãn hiệu tập thể gồm dưa hấu Long Quang, nón lá Bố Liêu, gà sạch Triệu Thượng, đậu đen xanh lòng Triệu Vân; 4 nhãn hiệu thông thường gồm tinh dầu Phúc An Phát, nước mắm, ruốc đặc, cá khô Thúy Nga, tinh bột nghệ Trần Lan, bún Vạn Linh. Đưa cửa hàng “Nông sản sạch Triệu Phong” vào hoạt động để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm truyền thống của huyện. Hoạt động dịch vụ tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính, viễn thông, xăng dầu, điện, nước, quảng cáo, sửa chữa các thiết bị điện tử, tin học… ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ.
Hiện toàn huyện có hơn 30 doanh nghiệp, gần 3.000 hộ kinh doanh cá thể thu hút hơn 10.000 lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động ổn định, hàng hoá phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Với kết quả đó, hằng năm, giá trị ngành TMDV đạt 2.074,875 tỉ đồng. 9 tháng đầu năm 2021, giá trị TM-DV đạt 1.654,300 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt 72,6% kế hoạch năm.
Thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục tập trung thu hút dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TM-DV đã quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển TM-DV dọc Quốc lộ 1, Quốc lộ 49C, khu vực phía Đông thị trấn Ái Tử, đặc biệt trên tuyến đường Trần Phú và dọc bờ sông Thạch Hãn, khu đô thị Bồ Bản; thu hút đầu tư xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú, siêu thị, trung tâm mua sắm, dịch vụ thương mại tổng hợp, các cửa hàng xăng dầu kết hợp trạm dừng nghỉ. Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng chợ ở một số xã cũng như tăng cường quản lý, kinh doanh, khai thác các chợ đạt hiệu quả cao. Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cùng với đó, huyện Triệu Phong tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, làm gia tăng giá trị sản phẩm. Phát triển thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, kho bãi, vận tải. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, kinh doanh du lịch tại hồ Ái Tử, hồ Sắc Tứ, bãi tắm Nhật Tân, khu vực Bắc Phước gắn với khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, làng nghề truyền thống.
Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển gắn với khai thác lợi thế Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)