Từng có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa liên quan đến các chương trình dạy học, trong đó có một ý rất hay được đưa ra, đó là con cái đến trường để học nhưng cũng là để vui chơi.
Đối với trẻ em, học sinh lớp 1, cấp một, đi học để vui chơi đặt lên cao hơn đi học để nhồi nhét kiến thức, các em nhỏ cần nhiều thứ hơn chữ nghĩa, đó là các kỹ năng sống, và chơi cũng là cách để học những kỹ năng đó. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, các chuyên gia phân tích nhiều nguyên nhân, và trẻ em không biết bơi là một nguyên nhân.
Còn nhiều kỹ năng khác học sinh không được trang bị, nhưng cứ bắt học sinh chạy theo các loại thành tích, và chuyện học sinh lớp 1 “cõng” 23 đầu sách là điển hình của năm nay.
Khoan nói chuyện 800.000 đồng mà cha mẹ phải bỏ tiền mua sách, chỉ bàn việc học thôi, thì đã khó trả lời vì sao một em học sinh lớp 1 phải nhồi nhét đến 23 đầu sách. Các em nhỏ lứa tuổi này phải “gánh” chừng đó sách, thì còn thì giờ đâu để rèn luyện các kỹ năng khác, để vui chơi đúng nghĩa và được giáo dục các chương trình phù hợp với lứa tuổi của mình.
Bị nhồi nhét chừng đó “chữ” thì làm sao có thể nói rằng đi học vui vẻ được, mà đó là cực hình đối với một đứa trẻ. Các cháu đang bị “bạo hành” bằng sách vở, chữ nghĩa đúng hơn là được giáo dục.
Hãy trả lại tuổi thơ cho các cháu, vui chơi là quyền của các cháu, cho nên bắt học hành như tra tấn là cướp đi tuổi thơ và tước đoạt quyền được vui chơi của các cháu.
Phụ huynh không nên thỏa hiệp với nhà trường trong việc tưởng tượng và tô vẽ con mình thành “thần đồng”. Nếu thỏa hiệp với nhà trường vì mong muốn con mình được giỏi giang, thì đó là tiếp tay cho việc tước đoạt quyền được đi học vui vẻ của con mình.
Phụ huynh có quyền phản đối với nhà trường về những cuốn sách nhồi nhét kiến thức không cần thiết, có những kiến thức hôm nay bắt các cháu học cả năm, thì sau này khi lớn lên, chỉ cần đọc qua là biết. Kiến thức không phải là thứ ưu tiên cho lứa tuổi tiểu học.
Học chỉ để mà chơi và chơi để mà học. Học cho vui, và vui để học, đó mới là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất. Chương trình học và cách dạy phải làm sao mà một đứa trẻ đến trường đi học, nhưng cảm thấy vui vẻ như đi chơi, đó mới là thành công của giáo dục tiểu học.
Muốn thay đổi được điều đó, không chỉ từ phía nhà trường, mà ngay từ suy nghĩ của phụ huynh. Đừng bao giờ hỏi con về thành tích học tập, mà chỉ hỏi “hôm nay con đi học có vui không?”.
(Nguồn: Báo Lao Động)