Theo Bộ NN&PTNN, khi xảy ra ngộ độc thì Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các ngành liên quan để xử lý.
Ngày 4/9, khi được hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến vụ ngộ độc pate Minh Chay, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng việc quản lý sản phẩm pate Minh Chay được phân cấp cho địa phương.
Theo đó, ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến bán buôn, chợ đầu mối, chuyên doanh về nông lâm thủy sản. Ngành công thương quản lý hoạt động bán lẻ ở siêu thị, trung tâm thương mại thuộc phạm vi quản lý của nghành công thương. Ngành y tế quản lý thực phẩm trong nhà hàng khách sạn, thức ăn đường phố, căng tin, bếp ăn tập thể.
Ông Tiệp nhấn mạnh, ở bất kỳ quốc gia nào, không một cơ quan nào đảm trách được toàn bộ trách nhiệm liên quan đến an toàn thực phẩm mà các ngành phải phối hợp với nhau.
Với trường hợp pate Minh Chay, ông Tiệp nói theo quy định pháp luật khi xảy ra ngộ độc thì Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan để xử lý. Ngành nông nghiệp có trách nhiệm xem xét về công đoạn sản xuất, ngành y tế điều trị bệnh nhân. Việc thu hồi sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn là của ngành y tế nhưng thu hồi sản phẩm ở siêu thị là của ngành công thương.
Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, "trách nhiệm quan trọng nhất là UBND các cấp", vì Bộ làm chính sách pháp luật, kiểm tra công vụ, hỗ trợ đào tạo cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ chứ "không thể làm thay".
Từ góc độ địa phương
Ông Nguyễn Minh Hùng - Cục phó Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng trách nhiệm chính trong cấp phép, hậu kiểm ngành hàng sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc về ngành nông nghiệp. Còn về an toàn thực phẩm thuộc về ngành y tế.
Lơ quan quản lý Nhà nước với chức năng chính là kiểm tra, kiểm soát thị trường thì lực lượng quản lý thị trường cũng "có phần trách nhiệm".
Doanh nghiệp sản xuất pate Minh Chay được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, đầu tháng 7 công ty này mới bắt đầu sản xuất. Công ty này cũng đã được kiểm tra, yêu cầu ký cam kết chấp hành quy định về sản xuất, kinh doanh và "không phát hiện gì bất thường".
Về trách nhiệm của ngành y tế
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long - Cục phó An toàn thực phẩm (Bộ y tế) cho hay, Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (doanh nghiệp sản xuất pate Minh Chay) được ngành nông nghiệp Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm. Thông tin Cục xử lý chậm trễ vụ pate Minh Chay là hoàn toàn sai lệch.
Quá trình điều tra, xét nghiệm, rồi đưa ra cảnh báo tới người dân phải theo đúng quy định hiện hành.
Cảnh báo về pate Minh Chay được Cục an toàn thực phẩm đưa ra sau 10 ngày xuất hiện thông tin nghi ngờ đầu tiên, lúc này 9 bệnh nhân đã nhập viện do ngộ độc pate Minh Chay, gồm 2 bệnh nhân ở Hà Nội và 7 bệnh nhân ở TP HCM.
Ngày 4/9, tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, trả lời về vụ ngộ độc do pate Minh Chay, các thứ trưởng Y tế và Công Thương đều nói sản phẩm pate Minh Chay không thuộc quản lý của hai bộ này.
(Nguồn: Phụ nữ mới)