Thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971), Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam để điều tra hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được dư luận quan tâm suốt những ngày qua.
Bởi lẽ không lâu trước đó, người này đã từng “làm mưa, làm gió” trên mạng xã hội với các livestream mà trong đó có những livestream thu hút hàng trăm nghìn người xem để “tố giác” một số người với lời lẽ xúc phạm. Thời điểm đó có không ít người ủng hộ, cho rằng bà là người hiểu rõ về những góc khuất của giới nghệ sĩ nên mới dám dũng cảm đứng ra tố cáo. Và từ những lời “buộc tội” về hành vi ăn chặn tiền quyên góp từ thiện của bà Hằng, không ít người đã bức xúc, lên án tẩy chay một số nghệ sĩ.
Quan niệm “không có lửa làm sao có khói” và việc bà Hằng liên tục tổ chức các buổi livestream nhưng không bị “thổi còi” càng chứng tỏ cho lập luận trên là đúng. Nhưng cũng rất nhiều người không đồng ý với việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác theo cách của bà Hằng. Và đến thời điểm này, bản chất của câu chuyện mới được vỡ vạc. Theo đó, lợi dụng sự ảnh hưởng của bản thân, bà Hằng đã sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để xúc phạm, xuyên tạc, nhục mạ đến nhân phẩm và danh dự của người khác. Để có thể buộc tội bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan chức năng phải củng cố chứng cứ đầy đủ, vững chắc và đây là thời điểm chín muồi để thực thi pháp luật.
Lợi dụng tự do ngôn luận để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân tuy không mới nhưng thời gian qua, tình trạng này diễn ra khá phức tạp. Đã có nhiều đối tượng có hành vi trên bị đưa ra xét xử và chịu bản án nghiêm minh của pháp luật. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tinh thần thượng tôn pháp luật luôn phải được đặt lên hàng đầu. Trong xã hội đó, pháp luật quy định mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận, bàn luận về các vấn đề trong xã hội nhưng phải đảm bảo không xâm hại đến các quyền khác được pháp luật bảo vệ; không vi phạm điều cấm được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Hình sự 2015 và một số văn bản pháp luật khác. Đáng tiếc là dù được pháp luật quy định và có chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng nhiều cá nhân vẫn bất chấp vi phạm.
Nhiều đối tượng cố ý nhầm lẫn giữa khái niệm tự do dân chủ và lợi dụng tự do dân chủ hoặc xem quyền tự do ngôn luận là quyền tuyệt đối. Hình thức mà các đối tượng này thể hiện là viết, đăng bài, video sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật để đăng tải, phát tán công khai trên facebook, youtube hoặc qua hình thức livestream nhằm hướng dư luận theo ý thức chủ quan của mình. Hành vi này khiến không ít người hiểu nhầm, hiểu sai sự thật hay nghiêm trọng hơn là tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động, lôi kéo một bộ phận người dân có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hành vi này cần phải được nghiêm trị.
Có câu nói rằng, “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Việc một số đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, nhân danh “một nửa sự thật” để tô vẽ, thêm thắt theo sự tưởng tượng và kịch bản của mình thì rõ ràng đó là sự dối trá, cố tình xuyên tạc chỉ để nhằm mục đích chống phá. Điều đáng nói, khi internet và các mạng xã hội phát triển với tốc độ nhanh chóng, các đối tượng này đã lợi dụng để lan truyền rộng rãi hơn mục đích của mình.
Ngoài những vụ việc bị truy tố trước pháp luật, trên thực tế còn có tình trạng một số nghệ sĩ, người nổi tiếng thông qua nền tảng mạng xã hội đã tổ chức các buổi livestream để chê bai, bốc phốt người khác. Trong khi đó, với hình ảnh và sự nổi tiếng của mình, lẽ ra họ phải lan truyền những thông điệp đẹp đẽ của cuộc sống đến với nhiều người hơn trong xã hội. Từ thực tế nhiều vụ việc xảy ra cho thấy trên môi trường mạng, mọi người đều có thể bị xúc phạm, tấn công mà khó có cơ hội đòi lại danh dự và công bằng. Thử nghĩ, nếu ai cũng nói năng bừa bãi, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông tin bất chấp đúng - sai, thật - giả lẫn lộn thì không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình trạng nhiễu thông tin mà còn có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng thông tin xã hội một cách trầm trọng, từ đó gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trên nền tảng mạng xã hội, livestream có mức độ phổ biến và lan truyền rất rộng rãi. Vì vậy, pháp luật cần xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử hoạt động livestream. Khi có những quy chuẩn nhất định thì người tham gia sẽ biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình sao cho phù hợp và cân nhắc để không vi phạm các quy định cho phép. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước những nội dung mình truyền tải, người livestream phải lường những nguy cơ có thể phát sinh… để tiết chế phát ngôn cho phù hợp.
Đồng thời, người tham gia mạng xã hội dựa vào quy tắc chung để có căn cứ đề xuất, xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, cần có mức xử phạt cao hơn đối với vi phạm trên không gian mạng xã hội mới đủ sức răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó cần có sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc nội dung, gỡ ngay các clip, livestream có nội dung xúc phạm danh dự của Nhà nước, cá nhân và tổ chức ngay từ khi mới xuất hiện để tránh sự lan truyền rộng rãi.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)