Không đổi rừng tự nhiên lấy điện gió

Võ Thái Hòa |

Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hướng đầu tư được tỉnh đặt nhiều kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và vươn tới mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Thực tế trong thời gian qua, sau sự thành công của 2 dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, có nhiều công ty năng lượng đã đến đăng ký khảo sát và xin cấp phép xây dựng dự án năng lượng điện tái tạo ở vùng núi Quảng Trị. Đó là tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư phát triển điện lực nhằm khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề mà lãnh đạo tỉnh cũng như Nhân dân quan tâm là chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sao cho phù hợp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang trong chuyến khảo sát thực địa các khu vực dự kiến thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, rừng phòng hộ để thực hiện các dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa và Đakrông đã khẳng định không thu hồi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch để xây dựng dự án phát triển năng lượng của doanh nghiệp.

Phát triển điện gió ở Hướng Hóa - Ảnh: V.T.H​
Phát triển điện gió ở Hướng Hóa - Ảnh: V.T.H​

Hiện tại, toàn tỉnh có 14 dự án đăng ký khảo sát xin chủ trương đầu tư phát triển điện gió trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, trong đó có 12 dự án với tổng diện tích xây dựng là 288 ha đã đủ điều kiện để xem xét cấp đất. Trong quá trình giám sát tại các địa điểm mà các công ty dự kiến thực hiện các dự án điện gió, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh đã đặt các dự án trong mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Do đó, vấn đề mà Ban Kinh tế Ngân sách quan tâm hơn hết là các dự án được xây dựng phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Lâm nghiệp, hạn chế tối đa sự tác động đến diện tích rừng tự nhiên và cần lấy ý kiến tham vấn cộng đồng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên tinh thần đó, dự án phát triển điện năng nào có vướng vào rừng và đất rừng tự nhiên nằm trong quy hoạch thì bị loại.

Đồng thời đề nghị các chủ đầu tư, sau khi có chủ trương đầu tư việc lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đúng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Ánh cho biết: “Chính phủ đã yêu cầu tất cả các chủ đầu tư không sử dụng, chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên để thực hiện dự án thì trên địa bàn tỉnh cũng phải tuân theo như thế. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn cũng hạn chế tối đa việc chuyển đổi cho nên các dự án liên quan tới sử dụng rừng phòng hộ thì tỉnh xem xét kỹ để thực hiện cho phù hợp”.

Quan điểm nhất quán của tỉnh là luôn tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư và luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh cũng chủ trương là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Do đó, các doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phải cộng đồng trách nhiệm với tỉnh. Đối với các dự án phát triển điện gió ở vùng miền núi là nơi có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn bảo vệ môi trường sinh thái cho cả vùng thượng nguồn và vùng hạ du nên cần phải tránh xây dựng ở những nơi có rừng tự nhiên, những nơi có rừng phòng hộ đầu nguồn thì cũng cần hạn chế tối đa việc xây dựng điện gió. Ở những vùng đã xác định không vướng vào diện tích rừng tự nhiên thì chủ đầu tư cũng cần phải thực hiện các bước khảo sát, tham vấn ý kiến của cộng đồng, đặc biệt là phải có văn bản thỏa thuận với chủ sở hữu đất, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về sau.

Với quan điểm chỉ đạo nhất quán đó, tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua Nghị quyết 27 về chủ trương thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm 2020. Đối với các dự án xây dựng điện gió thì chỉ thông qua các dự án đủ điều kiện. Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh cũng nêu rõ khi bổ sung kế hoạch sử dụng đất và thông báo thu hồi đất thực hiện dự án, tuyệt đối không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, thực hiện trong phạm vi dự án, hạn chế tối đa việc xâm lấn đất lúa 2 vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đất rừng phòng hộ; chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các cam kết với chính quyền cơ sở; rà soát quỹ đất để bố trí lại đất sản xuất, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện trồng rừng thay thế bảo đảm độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.

Riêng 2 dự án Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3 do ở một số vị trí dự án dự kiến xây dựng có liên quan đến khu vực có rừng tự nhiên nên Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh và các ngành liên quan thống nhất không trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua.

Thời gian qua, các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh cũng đã cho thấy sự hoạt động khá hiệu quả. Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn tới cũng xác định năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực mũi nhọn có tính đột phá, tập trung đầu tư để thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp. Việc giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh trong chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp phục vụ các dự án năng lượng tái tạo đảm bảo được sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dự án điện gió dồn về miền núi Quảng Trị

Việt Hương |

Trong hơn nửa tháng, trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã cấp mới 9 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.

Kiến nghị bổ sung hơn 70 dự án điện gió, mặt trời vào Quy hoạch điện VIII

H.A |

Vừa qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về định hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng của địa phương trong thời gian tới. Tại buổi làm việc này, tỉnh kiến nghị bổ sung các dự án năng lượng của Bình Thuận vào Quy hoạch điện VIII.

Tân Hoàn Cầu làm ăn thế nào trước khi “bán” dự án điện gió cho Thái Lan?

Hoàng Minh |

CTCP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu vừa sang ta dự án điện gió cho Thái Lan là hạt nhân trong “hệ sinh thái” Tập đoàn Tân Hoàn Cầu của vị doanh nhân Mai Văn Huế. 

"Ông lớn" Thái Lan chi đậm mua bộ đôi dự án điện gió của đại gia Mai Văn Huế

Hóa Khoa - Minh Quang |

Eastern Power Group công bố kế hoạch mua 2 dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 3 và 4 với tổng giá trị là 9,6 triệu USD, tương đương 220 tỷ đồng.