"Ông lớn" Thái Lan chi đậm mua bộ đôi dự án điện gió của đại gia Mai Văn Huế

Hóa Khoa - Minh Quang |

Eastern Power Group công bố kế hoạch mua 2 dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 3 và 4 với tổng giá trị là 9,6 triệu USD, tương đương 220 tỷ đồng.

Tháng 4/2019, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 3 (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) với tổng vốn đầu tư trên 1.530 tỷ đồng, chủ đầu tư là CTCP Điện gió Hướng Linh 3.

8 tháng sau, vào tháng 12/2019, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục chấp thuận cho CTCP Điện gió Hướng Linh 4 thực hiện dự án đầu tư Nhà máy Điện gió Hướng Linh 4 cũng tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa.

2 dự án có cùng công suất 30 MW, quy mô 8 ha đất và có thời hạn hoạt động 50 năm. Có đôi chút khác biệt khi nhà máy điện gió Hướng Linh 3 có vốn đầu tư 1.530 tỷ và thời gian dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020, còn nhà máy điện gió Hướng Linh 4 có vốn đầu tư gần 1.119 tỷ, dự kiến hoạt động vào tháng 12/2021.

Quy mô lớn, vốn đầu tư cao, 2 dự án được kỳ vọng khi đi vào khai thác sẽ đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương, giải quyết nhu cầu lao động cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Kỳ vọng này có có cơ sở khi hai doanh nghiệp dự án là các thành viên của Tân Hoàn Cầu Group của đại gia Mai Văn Huế.
 

Nói rõ hơn, CTCP Điện gió Hướng Linh 3 được thành lập tháng 12/2017, 96% cổ phần thuộc về CTCP Thủy điện Trường Sơn Bình Phước, còn CTCP Điện gió Hướng Linh 4 cũng được thành lập tháng 12/2017, là công ty con, do CTCP Đầu tư Thanh Hoa nắm 96%. Trường Sơn Bình Phước hay Đầu tư Thanh Hoa đều là các thành viên trong hệ thống Tân Hoàn Cầu Group.

Dù tổng vốn đăng ký của 2 doanh nghiệp dự án lên tới gần 1.200 tỷ đồng, song năng lực tài chính vẫn là một dấu hỏi lớn.

Ngày 6/8/2020, Sở Tài chính Quảng Trị có văn bản về việc tham gia ý kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 4, theo đó giảm từ 1.537 tỷ đồng xuống gần 1.119 tỷ đồng.

Theo văn bản này, tính đến cuối tháng 7/2020, giá trị đầu tư công ty đã thực hiện là 65 tỷ đồng. “Để có cơ sở đánh giá năng lực đầu tư, đề nghị nhà đầu tư làm rõ giá trị vốn chủ sở hữu đã tham gia, cung cấp văn bản tài liệu thuyết minh năng lực tài chính vốn chủ sở hữu trong trường hợp nhà đầu tư chưa tham gia đủ số vốn đăng ký”, trích theo văn bản.

Đáng chú ý, Sở Tài chính cho biết Hướng Linh 4 chưa cung cấp báo cáo tài chính 2 năm gần nhất và cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính theo quy định tại Mục d, Khoản 1, Điều 33 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014.

Trong bối cảnh chủ đầu tư chưa làm rõ được năng lực triển khai dự án, thì một thông tin đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư năng lượng tái tạo thời gian qua.

Cụ thể, HĐQT Tập đoàn Eastern Power Group ngày 19/6/2020 thông qua phương án mua 99,8% cổ phần trong hai dự án Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 với tổng giá phí 9,6 triệu USD, tương đương khoảng 220 tỷ đồng.

Theo đó, tập đoàn Thái Lan thông qua công ty con mua 100% cổ phần CTCP Phát triển Năng lượng sạch Hướng Linh - qua đó sở hữu 99,8% CTCP Điện gió Hướng Linh 3 với giá phí 4,8 triệu USD; và mua 100% cổ phần CTCP Phát triển Năng lượng tái tạo Hướng Linh - qua đó sở hữu 99,8% cổ phần CTCP Điện gió Hướng Linh 4 với giá phí cũng là 4,8 triệu USD.

Bên bán là Tập đoàn Tân Hoàn Cầu, ông Mai Văn Huế và bà Trần Thị Hà My.

Theo phương án của Eastern Power Group, tiến độ mua cổ phần được chia làm 5 giai đoạn.

Giai đoạn 1, ngày 19/6/2020, khi 2 dự án nhận được bổ sung quy hoạch; Quyết định chấp thuận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của các công ty liên quan đến dự án; EVN ký Hợp đồng mua bán điện sơ bộ với các dự án. Riêng với dự án Hướng Linh 3, đó là thỏa thuận đấu nối giữa công ty Hướng Linh 3 và EVNNPT. Giai đoạn 1 hoàn tất, EPG sẽ chuyển 1,5 triệu USD để mua 31,25% cổ phần của mỗi một doanh nghiệp.

Hoàn thành giai đoạn 2 (trong tháng 7 với Hướng Linh 3 và tháng 8 với Hướng Linh 4), EPG sẽ chuyển tiếp 1,65 triệu USD, để mua 34,375% cổ phần của mỗi một doanh nghiệp. Tiếp đến giai đoạn 3 (ngày 30/8/2020), EPG chuyển 1,65 triệu USD để mua 9,375% vốn của mỗi một công ty. Đến giai đoạn 4 (15/11/2020), EPG chuyển 23,9 tỷ VND để nhận 10% vốn của mỗi một doanh nghiệp.

Ở giai đoạn cuối (30/10/2021), các công ty dự án sẽ được cấp giấy phép phát điện; các công tác thử nghiệm, thủ tục và tài liệu theo yêu cầu dự án sẽ hoàn thành, dự án sẽ đi vào vận hành thương mại. Trong giai đoạn 5, EPG sẽ gửi nốt 23,9 tỷ đồng cho 10% cổ phần còn lại.

Báo cáo tài chính thể hiện Eastern Power Group đã chuyển 3 triệu USD mua cổ phần theo cam kết đợt 1 vào ngày 24/6/2020. Và tại cuối kỳ tài chính tháng 6/2020, tập đoàn Thái đã hoàn tất sở hữu 31,25% trong CTCP Phát triển Năng lượng sạch Hướng Linh và CTCP Phát triển Năng lượng tái tạo Hướng Linh, qua đó gián tiếp nắm giữ 31,19% tại 2 doanh nghiệp dự án Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4.

Lưu ý rằng, đây mới là thông tin từ phía doanh nghiệp Thái Lan, chưa được xác nhận bởi Tân Hoàn Cầu Group. Đồng thời, thương vụ bán dự án nếu đang diễn ra, cũng chưa rõ đã được chấp thuận bởi cơ quan chức năng trong nước hay chưa. Bởi theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tới thời điểm hiện tại chưa có sự thay đổi cơ cấu cổ đông cũng như báo cáo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của cả 4 pháp nhân CTCP Phát triển Năng lượng sạch Hướng Linh, CTCP Phát triển Năng lượng tái tạo Hướng Linh, CTCP Điện gió Hướng Linh 3, CTCP Điện gió Hướng Linh 4.

Về phần mình, đây là thương vụ M&A thứ hai của Eastern Power Group chỉ trong ít tháng ở Việt Nam. Như Nhadautu.vn đã đề cập, nhà đầu tư Thái Lan ngày 7/8/2020 đã thông qua chủ trương mua 2,25 triệu cổ phần, tương đương 90% cổ phần CTCP Năng lượng Gió Chu Prông Gia Lai với giá phí 7,875 triệu USD; mua 2,5 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 8,75 triệu USD. Bên bán là nhóm nhà đầu tư của nữ đại gia phố núi Nguyễn Thị Sen.

(Nguồn: Nhà Đầu tư)

TAGS

Doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác triển khai dự án điện gió 512MW tại Pakse, Champasak

Tổng hợp |

Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 30/9 vừa qua tại hội trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ MOU dự án nhà máy điện gió 512 MW đặt tại Pakse, tỉnh Champasack. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bà Khamchan Vongsengboun và Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ ông Sinava Souphanouvong đại diện Chính phủ Lào ký kết biên bản hợp tác nói trên với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu phát triển nông nghiệp Jiali Lào và Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng thông minh Mingyang Trung Quốc (Mingyang Smart Energy).

BIDV cấp tín dụng dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và Hướng Phùng 3

Tạ Hưng |

Ngày 6/10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2 và Hướng Phùng 3.

Đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng xây dựng cụm trang trại điện gió

Mạnh Thành - Đức Thọ |

Cụm trang trại điện gió bao gồm hai trang trại điện gió B&T 1 với công suất 100,8 MW, dự kiến vận hành vào tháng 12/2020 và B&T 2 với công suất 151,2 MW, dự kiến vận hành vào tháng 6/2021.

Phát triển điện mặt trời hơn 300 triệu USD tại Lào

Tổng hợp |

Ngày 2/9, ba doanh nghiệp tư nhân, trong đó có một công ty Việt Nam đã đạt được thỏa thuận hợp tác chung về lĩnh vực năng lượng thông qua lễ ký kết hợp tác phát triển dự án điện mặt trời tại huyện Lamam, tỉnh Sekong và dự án điện mặt trời tại huyện Khong, huyện Pathumphone, tỉnh Champasak.