Kinh tế ban đêm không phải là chuyện 'con gà có trước hay quả trứng có trước'

Bảo Bình |

Vài năm trở lại đây, hoạt động kinh tế ban đêm (KTBĐ) tại nhiều địa phương trong nước đã được quan tâm phát triển, góp phần vào việc thu hút khách du lịch, mang lại thu nhập cho chuỗi cung ứng, chuỗi lao động. Tại Quảng Trị cũng đã triển khai một vài hoạt động như tổ chức tuyến phố đi bộ, ẩm thực vào ban đêm. Tuy nhiên, để phát triển thành loại hình KTBĐ theo đúng nghĩa và thực sự phát huy hiệu quả thì còn cả một hành trình dài.

Theo cách hiểu hiện nay, KTBĐ là các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau nhằm phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. KTBĐ bao gồm các hoạt động chính như: Giải trí ban đêm (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện...); du lịch ban đêm (hoạt động tham quan các địa điểm tập trung khách du lịch); dịch vụ ẩm thực ban đêm (gồm nhà hàng, quán bar...) và các hoạt động mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, thương mại...). Với tính chất đặc thù, KTBĐ thường phát triển, phổ biến ở các khu vực đông dân cư, có cơ sở hạ tầng và hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển như khu đô thị và khu du lịch - dịch vụ.

 

Đối với tỉnh Quảng Trị, câu chuyện về phát triển KTBĐ còn khá mới mẻ. Thời gian qua, một số mô hình về KTBĐ đã được hình thành như ở TP. Đông Hà có mô hình Chợ đêm Phường 3, khu ẩm thực và chợ đêm Phường 2, tuy nhiên chỉ hoạt động được một thời gian ngắn. Tại thị xã Quảng Trị có phố đi bộ Ngô Quyền, hoạt động vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức thí điểm tour du lịch về đêm tại các điểm đến như: Thành Cổ Quảng Trị, Bến thả hoa sông Thạch Hãn, Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nhưng các hoạt động cũng chưa được tổ chức thường xuyên và chưa thu hút nhiều khách du lịch.

Nhìn chung, các hoạt động KTBĐ ở Quảng Trị có quy mô manh mún và tự phát với một số loại hình như: các điểm ẩm thực nhỏ lẻ, quán café, karaoke (thời gian gần đây có tổ chức thêm các tuyến phố đi bộ)... để phục vụ nhu cầu của một bộ phận giới trẻ. Thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn ngắn, đa số các cơ sở kinh doanh đóng cửa trước 22-23 giờ. Các hoạt động, dịch vụ KTBĐ chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng như chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch và người lao động đang làm việc tại tỉnh tham gia.

Quảng Trị có những lợi thế nhất định để triển khai mô hình KTBĐ. Đó là tiềm năng du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã phía Tây Quảng Trị và du lịch nông nghiệp, cộng đồng... Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh cũng có nhiều nét đặc sắc, có khả năng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu cản trở hoạt động KTBĐ là ngành du lịch phát triển còn chậm, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa được đầu tư nhiều, do đó chưa thu hút được khách du lịch đến tham quan và lưu trú dài ngày. Việc quy hoạch các địa điểm, khu vực phát triển KTBĐ chưa được triển khai một cách bài bản, tổng thể và đồng bộ. Các mô hình chợ đêm, tuyến phố đi bộ hoạt động chưa thường xuyên, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy tiêu dùng và thu hút khách du lịch.

KTBĐ đang là xu hướng mới trong phát triển kinh tế, nếu địa phương không triển khai thực hiện thì càng khó để thu hút khách du lịch đến và lưu trú tại Quảng Trị. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với số lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tại Quảng Trị còn ít như hiện nay thì rất khó để triển khai các mô hình KTBĐ. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”, mà phải nhìn nhận theo hướng “con gà và quả trứng”, nghĩa là phải làm thì mới thu hút khách du lịch đến, rồi lấy khách du lịch đó để thực hiện mô hình.

Chẳng hạn như tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, sáng tạo trong cách thức như tổ chức cho du khách đi thuyền thả hoa đăng trên sông; tiếp tục triển khai mô hình cho khách du lịch, Nhân dân thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ vào ban đêm; nghiên cứu mô hình chợ đêm biên giới...

Để mô hình KTBĐ được triển khai thực hiện có hiệu quả, các địa phương cần tích cực nghiên cứu, tìm ra những thế mạnh, tiềm năng trong các lĩnh vực để hỗ trợ cho KTBĐ. Từ đó đề ra những phương án để xây dựng một hệ thống gồm các loại hình phát triển KTBĐ phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và tình hình của địa phương mình.

Trước mắt, các ngành chức năng, các địa phương cần thực hiện việc rà soát, lập quy hoạch các khu vực, địa điểm có khả năng phát triển KTBĐ. Xây dựng, phát triển KTBĐ cần đảm bảo nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ như: hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí...

Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đầu tư vào hoạt động KTBĐ. Chính sách KTBĐ cần xây dựng đồng bộ từ việc xây dựng khung khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đến việc bố trí các khu vực phù hợp, nhân lực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, kiểm soát an toàn thực phẩm, giao thông...

Khuyến khích các doanh nghiệp, người dân kéo dài thời gian hoạt động kinh doanh, xây dựng không gian phát triển KTBĐ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân và du khách. Triển khai xây dựng thí điểm các mô hình KTBĐ như tuyến phố đi bộ, chợ đêm tại một số địa phương, tập trung vào các ngày cuối tuần hoặc các ngày lễ gắn với các chủ để văn hóa, du lịch, mua sắm, ẩm thực để tăng mức độ thu hút và đa dạng hóa các hoạt động KTBĐ.

Nghiên cứu thực trạng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng tại các khu mua sắm, đặc biệt là tại các khu mua sắm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để lựa chọn sản phẩm giới thiệu, bày bán phù hợp. Tổ chức các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, OCOP để giới thiệu đến người dân địa phương và khách du lịch tại các tuyến phố đi bộ.

Đặc biệt, các ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của người dân về KTBĐ và những lợi ích mà nó đem lại trong việc phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây đắp niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phương Minh |

Từ đầu năm đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường củng cố thêm niềm tin của Nhân dân.

Giữ thói quen đi chợ truyền thống

Nam Phương |

Giữa cuộc sống ngày càng hiện đại, bên cạnh việc mua sắm thông qua các sàn thương mại điện tử, nhiều người, trong đó có một bộ phận người trẻ vẫn giữ thói quen đi chợ truyền thống, tự tay lựa chọn mua thực phẩm, đồ dùng cho bản thân, gia đình.

Tiếp cận thông tin về tín dụng ưu đãi để sớm thoát nghèo

Hà Trang |

Tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sinh kế giúp hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua nhiều hình thức được tỉnh Quảng Trị chú trọng thực hiện nhằm khuyến khích các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển các mô hình sản xuất, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Từ thiện phải từ tâm

Hoài Nam |

Đến nay, các em nhỏ của Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa đến những nơi ở mới an toàn nhưng dư âm của câu chuyện này vẫn ám ảnh không ít người, nhất là khi xem hình ảnh các em bị bảo mẫu đánh đập tàn nhẫn. Có bao nhiêu cơ sở bên ngoài khoác vỏ bọc từ thiện, bên trong lại là “địa ngục trần gian” đối với trẻ? Câu hỏi này khiến nhiều người trăn trở, nhất là mới đây, thêm một cơ sở bảo trợ bà mẹ và trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh bị đình chỉ hoạt động do có phản ánh trẻ em ở đây bị đánh đập.