Giữ thói quen đi chợ truyền thống

Nam Phương |

Giữa cuộc sống ngày càng hiện đại, bên cạnh việc mua sắm thông qua các sàn thương mại điện tử, nhiều người, trong đó có một bộ phận người trẻ vẫn giữ thói quen đi chợ truyền thống, tự tay lựa chọn mua thực phẩm, đồ dùng cho bản thân, gia đình.


Mười mấy năm nay, bà Phan Thị Huệ (54 tuổi), hiện đang sống tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), vẫn giữ thói quen đi chợ vào buổi sáng. Dù chỉ mua thực phẩm hay sắm sửa đồ gia dụng trong nhà, bà vẫn thích đến tận chợ, tự tay lựa chọn món đồ phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.

“Gia đình tôi đều là cán bộ, viên chức, thời gian gặp nhau trong ngày không nhiều nên rất chú trọng vào bữa cơm gia đình. Với tôi, để nấu được bữa cơm ngon, đảm bảo chất dinh dưỡng thì thực phẩm trước hết phải tươi ngon. Nhà tôi cách chợ chừng 3 km nên sáng nào tôi cũng tranh thủ đi chợ sớm để chọn mua cá, tôm thịt tươi. Ngoài thực phẩm, tôi cũng thích đi chợ mua một số đồ dùng khác. Tự tay lựa chọn mua dù sao cũng yên tâm hơn”, bà Huệ nói.

Chị Linh giữ thói quen đi chợ Phiên Cam Lộ vào mỗi sáng cuối tuần - Ảnh: N.P
Chị Linh giữ thói quen đi chợ Phiên Cam Lộ vào mỗi sáng cuối tuần - Ảnh: N.P

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi COVID - 19 bùng phát, bà được các con hướng dẫn cách đi chợ online trên các sàn thương mại điện tử. Theo bà, mua sắm online có nhiều tiện lợi song bà vẫn thích cảm giác được đến tận chợ, mua sắm theo sở thích cá nhân.

Bà Huệ nói thêm: “Nhìn món hàng qua màn hình điện thoại khó biết chất lượng hàng hóa như thế nào, đổi đi đổi lại rất mất công. Hơn nữa, đồ dùng trong nhà còn đặt qua mạng được chứ thực phẩm thì cứ ra chợ chọn mua, vừa nhanh, vừa tiện”.

Là một người trẻ nhưng chị Hoàng Thị Thùy Linh (30 tuổi), hiện đang sống tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, vẫn thích cảm giác được mua sắm đồ dùng tại chợ truyền thống. “Tôi thích không khí buôn bán tấp nập, nhộn nhịp ở chợ. Ngày bé, tôi đã thích theo mẹ đến chợ mua thực phẩm về nấu ăn hằng này.

Ở chợ, thực phẩm lúc nào cũng tươi ngon. Cũng nhờ đi chợ, tôi học được cách phân biệt từng loại thịt hay cá, hải sản còn tươi không... Điều này rất có ích cho quãng thời gian tôi đi học xa nhà, phải sống tự lập. Đi chợ còn mang đến niềm vui khi được gặp gỡ nhiều người. Đôi khi mua hàng xong, tôi còn nán lại trò chuyện với các cô bán thịt heo, bán trái cây”, chị Linh bộc bạch. Sau này khi trở về quê công tác, không có thời gian đi chợ mỗi ngày nên cứ cách 2 - 3 ngày, chị Linh tranh thủ đi chợ một lần, mua đồ đủ cho mấy bữa ăn.

Tương tự, Phùng Quỳnh Trang (24 tuổi), hiện sống tại TP. Đông Hà cũng ưu tiên mua sắm trực tiếp tại chợ. Trang thường ghé qua chợ cóc, chợ xép ở gần nhà, nếu không tìm thấy đồ cần mua thì sẽ sang chợ Đông Hà, nơi vẫn được cô nàng ví như “thiên đường mua sắm” của người dân Quảng Trị.

Trang nói: “Những khi không biết ăn gì, tôi sẽ đi quanh chợ một vòng, thế là nghĩ ra được nhiều món để mua. Ở chợ không chỉ bán thực phẩm tươi sống mà còn bán nhiều món ăn vặt rất ngon như: bún nghệ, miến trộn, bánh lọc... ”. Trang còn tiết lộ, đi chợ chỉ cần biết trả giá một chút là mua được món đồ “ngon - bổ - rẻ”.

Sống giữa thời đại 4.0, nhiều người không thể phủ nhận những tiện ích của việc mua sắm online. Một số bạn trẻ chia sẻ, việc đi chợ “online” hoàn toàn phù hợp với quỹ thời gian hạn hẹp mà họ còn lại sau một ngày dài bận rộn với công việc.

Trước quan điểm này, chị Linh và Trang cho biết, mua sắm “online” hay “offline” đều có những tiện lợi riêng. Bản thân cả hai vẫn tận dụng tiện ích của việc săn sale trên mạng nhưng chủ yếu mua quần áo và mỹ phẩm. Đối với thực phẩm và đồ gia dụng, các cô gái trẻ thường chọn mua trực tiếp tại chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị.

Chị Linh khẳng định: “Giá cả ở chợ cũng không chênh lệch nhiều so với các nền tảng mua sắm online nếu mua ở những nơi bán uy tín hoặc là mối quen của mình”.

Theo nhận định của một số chuyên gia, chợ truyền thống có những thế mạnh riêng như: đa dạng các mặt hàng, là nếp sống của một số người tiêu dùng, nét văn hóa đẹp không thể thay thế hoàn toàn bởi kênh mua sắm khác; đủ sức “cạnh tranh” với các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên trên thực tế, chợ truyền thống đang dần mất đi sức hút đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Để thích ứng với những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thiết nghĩ, các chợ cần chủ động nâng cấp và làm mới.

Mô hình chợ truyền thống cần có sự kết hợp, tận dụng lợi thế mà các sàn thương mại điện tử khó có thể thâm nhập; đa dạng hóa sản phẩm, giá cả và chi phí bán hàng để tận dụng hết các phân đoạn thị trường. Đồng thời nên thu hút khách bằng những giá trị độc đáo, riêng có của loại hình chợ này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sôi động ngày hội tại chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn

Mai Trang |

Ngày 27/6, đông đảo người dân Thừa Thiên - Huế đến điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (di tích cấp quốc gia tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) tham dự Khai mạc “Chợ quê ngày hội” do UBND thị xã Hương Thủy tổ chức.

Khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch - Nhịp cầu Xuyên Á - Quảng Trị năm 2024

Thanh Trúc |

Ngày 6/6, tại Trung tâm Dịch vụ - Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Công thương khai mạc Hội chợ Thương mại và Du lịch - Nhịp cầu Xuyên Á - Quảng Trị năm 2024.

Sẽ xây dựng chợ chuối Tân Long trên dốc Làng Vây

Võ Lộc |

HĐND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình chợ chuối xã Tân Long với tổng mức đầu tư 11 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2026. 

Cam Lộ: Hội chợ quê không dùng tiền mặt

Trúc Phương |

Ngày 28/2, tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cam Thủy tổ chức Hội chợ quê năm 2024. Hoạt động này nhanh chóng thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn. Đặc biệt tại hội chợ, người dân ưu tiên không dùng tiền mặt để thanh toán hàng hóa.