Các đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020 ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Riêng sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 1.645 ha đất sản xuất bị vùi lấp, nhiều công trình thủy lợi, kênh mương, giống cây trồng bị hư hỏng… trong khi vụ sản xuất đông xuân 2020 – 2021 đã cận kề. Mặc dù ngay sau khi nước rút, chính quyền và người dân các địa phương cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã khẩn trương bắt tay vệ sinh đồng ruộng để kịp thời khôi phục sản xuất, nhưng trong tình thế cấp bách, trước những cánh đồng hoang tàn sau thiên tai, đòi hỏi một cuộc ra quân tổng lực với quy mô lớn và thực hiện bài bản hơn.
Trước tình hình đó, từ ngày 12 – 19/12/2020, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị phát động ra quân làm thủy lợi trên phạm vi toàn tỉnh để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021, huy động khoảng 15.000 người tham gia với trên 83.000 ngày công, kinh phí ước tính 30 tỉ đồng. Mục tiêu đặt ra là 100% tuyến kênh mương nội đồng được nạo vét, tu sửa, các hạng mục công trình thủy lợi được duy tu, bảo dưỡng; đồng ruộng được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo để nông dân trong tỉnh tự tin bước vào vụ sản xuất mới đúng lịch thời vụ trên những cánh đồng đầy ắp phù sa và nhiều hứa hẹn.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động ra quân hôm 12/12/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, đồng thời nhấn mạnh sau khi hoàn thành mục tiêu của đợt ra quân, các địa phương, đơn vị chủ động đánh giá rút kinh nghiệm để từ đó hướng tới hình thành một phong trào định kỳ, sâu rộng, ấn định một ngày truyền thống hằng năm đồng loạt tổ chức toàn dân ra quân làm thủy lợi kết hợp vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, sâu bệnh, chỉnh trang giao thông nội đồng và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu trước mắt là đồng ruộng được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo cho nông dân sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021 đúng thời vụ nhất định sẽ đạt được với sự đoàn kết của các cấp, các ngành và toàn thể người dân, nhất là bản tính chịu thương, chịu khó của người Quảng Trị. Và mục tiêu lâu dài, như gợi ý của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, đó là ấn định một ngày truyền thống hằng năm toàn dân ra quân làm thủy lợi kết hợp vệ sinh đồng ruộng, vệ sinh môi trường nông thôn, cũng có thể làm được và nên làm. Bởi điều đó không chỉ giúp nông dân có đồng ruộng sạch sẽ để sản xuất sau mỗi đợt thiên tai mà xa hơn là xây dựng một môi trường nông thôn sạch đẹp, văn minh, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp gắn liền với nền văn minh lúa nước. Người nông dân Việt Nam đã và sẽ còn gắn bó cật ruột với mảnh ruộng, cánh đồng của mình rất nhiều đời nữa. Nói cách khác, đối với người nông dân, ruộng đồng không chỉ là một nguồn tư liệu sản xuất để đảm bảo nguồn sống cho bản thân, gia đình, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà đó còn là ký ức, là tâm hồn, là bầu bạn. Vậy thì, trước khi ngậm ngùi đổ lỗi cho thiên tai, hãy thử nhìn lại xem bao nhiêu năm nay chúng ta đã đối xử với những “mảnh tâm hồn” của mình như thế nào. Đó là những cánh đồng đầy vỏ chai, bao thuốc bảo vệ thực vật dù các bể thu gom đã được xây dựng ở những nơi thuận tiện và dễ nhìn thấy. Đó là những ao hồ ngày càng vắng bóng cá tôm dù mối nguy hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đã được cảnh báo và hậu quả đã nhãn tiền. Dọc kênh mương, khắp bờ bãi đầy cây mai dương và cỏ dại bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng đó là việc của cán bộ thủy nông, hoặc là hợp tác xã. Những ao tù, nước đọng lâu ngày không được khơi thông. Nguy hại hơn, nhiều người vô tư mang thuốc diệt cỏ phun dọc bờ ruộng và các tuyến giao thông nội đồng để tiết kiệm thời gian, công sức…
Vì vậy, theo chúng tôi, việc tổ chức một ngày toàn dân ra quân vệ sinh đồng ruộng và môi trường nông thôn hằng năm trên quy mô lớn là một hoạt động hết sức ý nghĩa và nên làm, không nhất thiết phải đợi sau khi đồng ruộng hoang tàn bởi thiên tai. Ngày này nên tổ chức vào dịp cuối năm, khi chuẩn bị bước vào vụ đông xuân để vừa tạo quỹ đất sạch phục vụ sản xuất vừa tạo một diện mạo mới, văn minh, sạch đẹp cho khu vực nông thôn đón tết Nguyên đán.
Cũng cần xác định rằng, vệ sinh đồng ruộng và môi trường nông thôn không chỉ đơn thuần là nhặt rác, phát cỏ, đào mương… mà là một cuộc ra quân tổng vệ sinh, cải tạo môi trường khu vực nông thôn trên quy mô lớn. Các địa phương tùy theo điều kiện, nhu cầu thực tế và nguồn lực sẵn có để tổ chức triển khai sao cho phù hợp và hiệu quả, đặc biệt là gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngày toàn dân ra quân vệ sinh đồng ruộng và môi trường nông thôn kết hợp với các hoạt động vệ sinh môi trường, cải tạo đồng ruộng riêng lẻ của các địa phương, hội, đoàn thể được tổ chức rải rác trong năm sẽ tạo thành một chuỗi hoạt động có ý nghĩa thiết thực để xây dựng những vùng quê nông thôn mới văn minh, đáng sống. Và hơn thế, thông qua những hoạt động này sẽ góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm, bồi đắp tình yêu quê hương, ruộng đồng của người dân nông thôn, mà nói một cách mỹ miều, rằng khi người nông dân biết yêu cánh đồng của mình, họ sẽ biến nó thành bờ xôi ruộng mật…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)