Thời điểm tết Nguyên đán cận kề, tại nhiều địa phương, trường học trong toàn tỉnh phát hiện nhiều vụ việc học sinh tự tìm hiểu qua mạng, chế tạo trái phép pháo để sử dụng và bán kiếm tiền. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường, đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của học sinh cũng như người dân.
Thời gian gần đây, tình trạng tự chế tạo pháo xảy ra ngày càng nhiều, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Mới đây, tại một trường THCS trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), công an và nhà trường đã phải vào cuộc phối hợp cùng điều tra, xử lý việc một nhóm học sinh có hành vi tự chế tạo và mua bán pháo cho học sinh các trường lân cận. Những học sinh vi phạm đa phần ở lớp 7, 8. Làm việc với cơ quan công an, các em ban đầu nói không biết đó là pháo và vô tình làm nổ.
Tuy nhiên, sau khai thác, các em đều khai nhận đã tự lên mạng tìm hiểu cách chế tạo pháo rồi sau đó đặt mua các loại hóa chất như: lưu huỳnh, kaliclorat... về pha trộn thành thuốc pháo. Tiếp đó mua thêm các nguyên vật liệu khác như: diêm, bật lửa, keo dán, bột cưa, sử dụng giấy để cuốn hoặc cắt, chế từ các ống nhựa PVC rồi chế tạo pháo, sau đó chuyền tay nhau sử dụng.
Khi biết có một số bạn khác có nhu cầu chơi pháo, các học sinh trên đã chế tạo nhiều hơn và đem bán kiếm lời. Điều đáng lo ngại nhất là cách thức và hướng dẫn chế tạo pháo không hề khó tìm kiếm. Trên các nền tảng xã hội như facebook, tiktok, các trang youtube, google... bên cạnh những clip khoa học giải thích thắc mắc về pháo thì có hàng trăm kết quả, video hướng dẫn cách chế tạo pháo, những video này thu hút hàng trăm, ngàn lượt xem.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh ở lứa tuổi hiếu kỳ, thích mày mò muốn học và làm theo để có “đồ chơi” với tiếng nổ vang.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phan Hữu Huyện cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất có thể về tình trạng học sinh tự mua nguyên vật liệu và tự chế pháo nổ để chơi và bán cho nhau, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán, trong thời gian qua, Sở GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý học sinh nhằm ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Cụ thể, sau khi ban hành Công văn số 2536/SGDĐT-TCCBCTTT ngày 28/11/2022 về tăng cường đảm bảo ANTT tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các trường học trên địa bàn chủ động phối hợp với cơ quan công an địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức trực ban, cung cấp đường dây nóng và xây dựng các phương án đảm bảo ANTT, an toàn trường học trong dịp tết Nguyên đán.
Các trường học đã tiến hành tổ chức những chuyên đề tuyên truyền phòng, chống pháo, vật liệu nổ…, điển hình là Trường THPT thị xã Quảng Trị, Trường THPT Đông Hà, Trường THPT Lao Bảo... Trước tình hình diễn biến phức tạp về buôn bán, tàng trữ, tự chế tạo, sử dụng pháo và vật liệu nổ, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành Công văn số 2809/SGDĐT-VP ngày 29/12/2022 về việc tổ chức tết Nguyên đán Quý Mão.
Trong đó, nhấn mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Hướng dẫn các trường học trên địa bàn phối hợp với lực lượng công an tổ chức những buổi tuyên truyền phòng, chống đốt pháo trong học đường, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm và không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Chủ động trong công tác quản lý, phối hợp với công an ở các địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo không vi phạm các quy định về sử dụng, tàng trữ, chế tạo pháo, đặc biệt là những ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán. Quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định số 137/2020/ NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường học, đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hoặc đốt các loại pháo không đúng quy định trong bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào.
Nếu có trường hợp học sinh vi phạm, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường học ngay lập tức phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm, đưa vào đánh giá thi đua, hạnh kiểm của học sinh.
Tai nạn do pháo nổ đặc biệt rất nguy hiểm bởi pháo nổ có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho toàn cơ thể con người như tổn thương gân, cơ, dập nát, gãy xương, bỏng da, tiếng nổ lớn gây điếc, chấn thương, vết thương mắt. Khí độc từ các hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh trong pháo nổ có thể gây tổn thương đường hô hấp. Tai nạn do pháo nổ không chỉ để lại hậu quả thương tật vĩnh viễn cho chính bệnh nhân, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội mà nguy hiểm hơn còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Vì vậy, ngoài việc ngăn chặn các thủ đoạn sản xuất, tàng trữ, buôn lậu pháo, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vật liệu nổ.
Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo để tránh những tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh, các bậc phụ huynh, nhà trường cần tăng cường việc quản lý, phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho các em hiểu và nắm được 9 điều cấm vi phạm khi liên quan đến pháo như: mua bán, tặng… dưới mọi hình thức.
Hướng dẫn các em có biện pháp để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra cũng như phổ biến chế tài xử lý của pháp luật khi tự chế tạo, sử dụng pháo. Bên cạnh đó, các phụ huynh và gia đình cần quan tâm, giáo dục con em mình nhận biết, tránh xa, tố giác khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ.
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, chính quyền địa phương và ngành giáo dục và đào tạo, thì ý thức về phòng, chống chế tạo, sử dụng pháo trái phép của học sinh sẽ được nâng cao. Qua đó, góp phần đảm bảo ANTT, an toàn trong học đường và đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh cũng như cho Nhân dân an tâm đón một mùa xuân mới vui tươi, lành mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)