Phát triển dựa vào tài sản trí tuệ ngày càng được quan tâm nhiều hơn khi vấn đề tài nguyên phục vụ cho phát triển đang dần cạn kiệt.
Vì thế, tài sản trí tuệ là một yếu tố gắn liền trong các chính sách phát triển KT-XH. Sở hữu trí tuệ trở thành vấn đề quan tâm được Đảng, Nhà nước ban hành khung pháp lý để thực thi ngày càng tốt hơn. Trong bối cảnh khoa học và công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, xu thế toàn cầu hóa, các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã không còn phù hợp, vì vậy tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ; luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam; đồng thời bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này cơ bản tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đến quyền tác giả trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước.Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đào Ngọc Hoàng cho biết: đây là các nhóm chính sách lớn có tác động đến quan điểm, cách tiếp cận và hướng xử lý đối với cả hệ thống sở hữu trí tuệ, bắt đầu từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Trong mỗi nhóm chính sách sẽ lại có những vấn đề bất cập của các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác nhau như: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng... tại các công đoạn khác nhau, các điều khoản liên quan và phương hướng xử lý các bất cập này.
So với hai lần sửa đổi, bổ sung trước đây, lần sửa đổi, bổ sung thứ ba này được đánh giá là toàn diện nhất từ trước đến nay, tạo nên một dấu mốc quan trọng mới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, góp phần đưa hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam lên chuẩn mực thế giới.
Triển khai Công văn số 409/SHTTNĐHT ngày 6/2/2023 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các giải pháp bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương.
Cùng với sự kiện bảo hộ thành công Chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng - Một sản phẩm danh tiếng của tỉnh Quảng Trị đã được các cơ sở chế biến sản xuất với chất lượng cao, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm chè vằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý số 00126, ngày 19/1/2023.
Để giúp các cơ quan, ban, ngành, các cấp chính quyền tiếp cận với những điểm mới từ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; trao đổi, tìm hiểu, thúc đẩy các giải pháp bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ ở tỉnh, thời gian tới, Sở Khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo khoa học về các vấn đề sở hữu trí tuệ trong thời kỳ mới.
Từ đó, đưa Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sớm đi vào thực tiễn đời sống, phát huy tốt vai trò của sở hữu trí tuệ để phục vụ hiệu quả cao nhất cho quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
(Nguồn: Ngày nay)