“Rừng Xoè” được khởi nguồn ý tưởng giữa thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện khoanh vùng dịch, phong tỏa những điểm nóng để dập dịch.
Khi đó ngành nghệ thuật cũng như mọi ngành nghề khác đều bị ảnh hưởng, khó tự do đi lại, giao lưu. Các họa sĩ có chung mong muốn hướng đến sự tự do của nghệ thuật, nghĩa là tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau, trực tiếp đưa nghệ thuật tới tất cả mọi người một cách tự nhiên, gần gũi nhất đã cùng nhau lập nên dự án “Rừng Xòe”.
“Rừng Xòe 5” có các họa sĩ đến từ Hà Nội, Thanh Hoá và Quảng Trị đã tổ chức vẽ tranh, triển lãm tranh giữa một không gian ngoài trời, khu vực bản Hoong Mới, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Các tác phẩm đa dạng về trường phái nghệ thuật và cách trình bày. Ngoài 100 tác phẩm tranh vẽ sáng tác, còn có 4 cụm tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, 3 tác phẩm trình diễn.
Với “Rừng Xòe 5”, các họa sĩ đã đưa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp vào không khí thực địa và không gian miền Tây Quảng Trị, nơi có nhiều đồng bào dân tộc người Bru-Vân Kiều và Pa Kô sinh sống, cũng là nơi có cánh đồng điện gió- điểm đến hấp dẫn của Quảng Trị, giúp cho cộng đồng hiểu hơn về nghệ thuật.
Nghệ thuật cộng đồng biết cảm nhận và rung động trước cái đẹp, cuộc sống và thiên nhiên; biết tìm tòi, khám phá, phát huy bộc lộ cá tính bản thân, phát triển khả năng tư duy về hình ảnh, trí tưởng tượng, sáng tạo. Sau cùng, quan trọng hơn cả là tiếp thêm cho con người cảm hứng, niềm tin, tình yêu đối với cuộc sống, hướng tâm hồn, tình cảm đến với những điều tốt đẹp, nhân bản, nhân văn.
“Rừng Xòe” được những người yêu nghệ thuật biết đến là một dự án nghệ thuật hướng tới sự cởi mở về không gian và địa điểm, các nghệ sĩ tự do sáng tác với nhiều chất liệu, phương tiện, không chỉ vẽ tranh mà còn làm tác phẩm sắp đặt- điêu khắc, trình diễn… với tiêu chí duy nhất là tác phẩm đó phù hợp với ý niệm và không gian của dự án.
Nối tiếp sau "Rừng Xòe 1,2,3,4", dự án hoạt động nghệ thuật cộng đồng "Rừng Xòe 5" với sự tham gia của 14 họa sĩ trong thời gian từ ngày 21/7/2023 đến 24/7/2023 (Quảng Trị 5 tác giả, Hà Nội 6 tác giả, Thanh Hoá 3 tác giả), tất cả đã có những trải nghiệm khó quên khi đưa nghệ thuật đến thật gần với cuộc sống.
Đặc biệt, dự án nghệ thuật cộng đồng “Rừng Xoè” có tính bình đẳng rất cao. Khi đã là thành viên tham dự không còn phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Không những thế khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, con người nhận thức rõ về vũ trụ, mối quan hệ thiên - địa - nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. “Rừng Xoè” ra đời như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa nhân sinh cao đẹp, triết lý sâu sắc và mang tính nhân bản.
Các bức tranh có thể không theo các tiêu chí mỹ thuật thông thường nhưng chắc chắn là những tác phẩm thị giác đặc biệt. Một tác phẩm mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật sẽ được quần chúng hoan nghênh, đón nhận.
Những tác phẩm tranh vẽ của các họa sĩ trưng bày giữa một không gian khá độc đáo. Không phải không gian ở các phòng trưng bày hay các trung tâm triển lãm, các họa sĩ đã tạo ra sự khác biệt bằng cách tổ chức triển lãm ở không gian núi rừng. Chính vì sự độc đáo này nên hoạt động nghệ thuật đã thu hút rất nhiều người đến xem, thưởng lãm hình thức nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn bởi sự mới mẻ, đương đại và truyền thống đan xen. Có thể kể đến tác phẩm sắp đặt của Lê Cảnh Oánh, Nguyễn Ánh Dương, Nguyễn Văn Hùng (Quảng Trị); Nguyễn Hải Giang, Nguyễn Xuân Hoàng (Hà Nội); Sắp đặt các tổ ong của Bùi Hoàng Dương (Thanh Hoá)…
Các tác phẩm tranh vẽ của Phạm Văn Cường, Lê Quang Sáng (Quảng Trị); Nguyễn Thị Hằng Nga (Hà Nội), Nguyễn Đức Lâm (Thanh Hoá)… biểu hiện con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu đời, yêu người để bước vào cuộc sống lao động, sản xuất với niềm tin yêu sáng trong vô hạn.
Qua “Rừng Xoè 5” người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội từ thuở sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan.
Nghệ thuật cộng đồng “Rừng Xoè 5” phản ánh hiện thực cuộc sống, bởi vậy có giá trị giáo dục đạo đức, góp phần làm nên một bản sắc cốt cách văn hóa dân tộc miền Tây Quảng Trị không thể pha trộn.
“Rừng Xoè 5” làm tăng giá trị biểu cảm, đồng thời góp phần khẳng định bản chất con người của người Bru-Vân Kiều và Pa Kô, kiên cường, dũng cảm khiêm tốn, sáng tạo và cần cù hướng con người tới lý tưởng cao thượng, lối sống lành mạnh bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng tình cảm cao đẹp.
Người dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Trị có một gia tài nhạc cụ rất phong phú. Mỗi loại nhạc cụ để phục vụ một lễ hội khác nhau. Nếu như trong tục đi sim, người Bru-Vân Kiều, Pa Kô sử dụng đàn Ta lư và sáo Khui thì “lễ tế thần linh, lễ tang phải có thanh la, chiêng, trống; mừng lúa mới phải có nhạc cụ xa rờ; lễ cúng cầu hồn phải có sáo pi… Người Pa Kô luôn tôn thờ thần Lúa. Hằng năm, họ làm lễ Apier vào tháng 3 âm lịch trước lúc xuống giống; tháng 6 âm lịch thì làm lễ Puh boh và tháng 10 âm lịch thì làm lễ Kvăng trước khi thu hoạch. Ngoài ra, họ còn có lễ Tăng aper, có nghĩa là cầu chúc mùa gieo trồng xanh tốt.
“Rừng Xoè 5” không chỉ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ, mà còn tái hiện tri thức dân gian, phong tục tập quán của người Bru-Vân Kiều, Pa Kô, câu chuyện tái định cư, điện gió Hướng Linh… có tác dụng kích thích phát triển của con người, góp phần giúp con người sống thuận với tự nhiên, biết điều chỉnh hành vi, lối sống cho phù hợp với đạo làm người.
Không chỉ đề cập đến khía cạnh văn hóa mà thông qua đó, các tác giả đã nêu bật được đời sống văn hóa tinh thần của người Bru-Vân Kiều và Pa Kô rất phong phú, đa dạng.
Thông qua dự án nghệ thuật cộng đồng “Rừng Xoè 5”, các tác giả muốn gửi gắm thông điệp về sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của người Bru-Vân Kiều và Pa Kô trong nhịp sống hiện đại; kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, có chính sách phù hợp đối với công tác nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, văn hóa của đồng bào nơi đây.
Một số hình ảnh: