Phần lớn người lao động mong muốn tăng lương vào đầu năm sau để bù đắp những chi phí cuộc sống.
Ngày 21/7, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết trước khi Hội đồng tiền lương quốc gia họp vào đầu tháng 8 bàn thảo điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024, công đoàn đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát tình hình việc làm, đời sống và nguyện vọng công nhân.
"Phần lớn người lao động mong muốn tăng lương vào đầu năm sau. Song tăng mức bao nhiêu, trong quá trình thương lượng các bên sẽ bàn thảo trên tinh thần thiện chí, chia sẻ", ông nói, thêm rằng tăng lương tối thiểu là quy định thực hiện nhiều năm. Dù công đoàn chia sẻ với doanh nghiệp trong trong bối cảnh thiếu đơn hàng nhưng cuộc sống của lao động cũng rất bí bách khi việc làm bị cắt giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao.
Ông Hiểu cũng bày tỏ "rất tiếc khi tới thời điểm này Tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố mức sống tối thiểu hàng năm" để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị chính sách tiền lương, theo quy định Nghị quyết 27 của Trung ương năm 2018. Các thành viên tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia vì thế vẫn phải áp dụng phương pháp cũ để xác định mức lương tối thiểu dù không còn thực sự hợp lý.
Tại Hà Nội, thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 38, trong đó mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% giúp tiền lương bình quân chung của NLĐ năm 2022 trên địa bàn tăng khoảng từ 6 - 7% so với năm 2021.
Còn tại TPHCM, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 đã giúp đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của Người lao động (NLĐ), tạo điều kiện cho NLĐ tăng lương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống giúp NLĐ gắn bó với DN hơn.
Dẫu vậy, dù mức lương của NLĐ tuy có tăng nhưng nhìn chung vẫn thấp, thu nhập từ lương không theo kịp mức tăng giá cả sinh hoạt.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng cho rằng, NLĐ nhận lương hàng tháng theo sản phẩm nên lương tối thiểu tăng sẽ làm tăng các khoản đóng góp của DN, như bảo hiểm, phí công đoàn, thu nhập thực tế không tăng. Thêm nữa, hiện nay, hầu hết các DN đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu.
Trong bối cảnh hiện nay, người lao động rất cần được tăng lương. Ảnh: Phạm Quang Vinh
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, việc DN duy trì được mức hiện có đã là nỗ lực rất lớn, vì thế nếu điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì DN càng khó khăn hơn.
Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng VnExpress thực hiện cuối tháng 4, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp tham gia cho kết quả 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Khoảng 5.200 công ty có kế hoạch cắt giảm lao động, nhiều nhất ở hai lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP HCM, Bình Dương.
Thời điểm tăng lương gây tranh luận trái chiều khi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) muốn thực hiện từ ngày 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi sau dịch, nhưng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiên định với đề xuất tăng từ 1/7.
Điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ đối mặt nhiều thách thức trong bối cảnh làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục diễn ra tới cuối năm nay.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
(Nguồn: Phụ nữ mới)