Xác định đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương, thời gian qua, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và mang lại kết quả tích cực.
Qua đó, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng lao động, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, hằng năm, UBND thị xã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các phường, xã phối hợp khảo sát đăng ký học viên và tổ chức các lớp dạy nghề; tuyên truyền, hướng dẫn về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ.
Tập trung đổi mới chương trình dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề cho NLĐ. Tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; hoạt động điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho NLĐ bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp với đặc điểm tình hình KTXH của địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập và phát triển kinh tế.
Các tổ chức chính trị - xã hội thị xã, UBND các phường, xã cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép các buổi họp, sinh hoạt của địa phương để cung cấp các chương trình, mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm của các cấp cho NLĐ và tư vấn học nghề, việc làm.
Thực hiện nghiêm túc chương trình và nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX thị xã và Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã phối hợp tổ chức định hướng phân luồng học sinh khối 9 và 12.
Tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên, nhân viên tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng dạy nghề do Sở Lao độngThương binh và Xã hội và các trường đại học phối hợp tổ chức nhằm đáp ứng được nhu cầu giảng dạy một số nghề cơ bản trong danh mục nghề đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời hợp đồng giáo viên thỉnh giảng đủ tiêu chuẩn tham gia giảng dạy.
Nhờ được quan tâm triển khai thực hiện, công tác đào tạo nghề cho NLĐ thời gian qua tại thị xã Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng được nâng lên.
Nhiều NLĐ sau khi học nghề đã được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài thị xã hoặc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nhiều NLĐ đã áp dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao.
Qua đó, thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị văn minh. 6 tháng đầu năm 2023, thị xã hỗ trợ hơn 1 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; UBND tỉnh phân bổ 799 triệu đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để sửa chữa cơ sở vật chất cho Trung tâm GDNN-GDTX thị xã và 30 triệu đồng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thị trường lao động. Về kết quả đào tạo nghề, 5 tháng đầu năm 2023, thị xã tổ chức được 1 lớp dạy nghề phi nông nghiệp với 26 học viên tham gia.
Sau đào tạo, có 10 người đã có việc làm, 8 người tự tạo việc làm và 2 người lập nhóm sản xuất. Cùng với dạy nghề, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã và Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã phối hợp tổ chức định hướng phân luồng học sinh trên hai cấp học, đối tượng học là học sinh khối 9 và 12 cụ thể: học sinh lớp 9 Trường TH-THCS Lương Thế Vinh với tổng số 90 học sinh và học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Huệ với tổng số 312 học sinh.
Nhìn chung, hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở thị xã ngày càng được đổi mới, đi vào chiều sâu, tranh thủ và huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và NLĐ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng đào tạo.
Thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giáo dục nghề nghiệp và các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ, người sử dụng lao động. Phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông, tư vấn, cung cấp thông tin cho NLĐ về ngành nghề và thị trường lao động trong và ngoài nước để lựa chọn học nghề phù hợp và gắn với giải quyết việc làm.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND phường, xã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể khảo sát, nắm bắt tình hình nhu cầu học nghề của NLĐ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp tình hình phát triển KT-XH của địa phương và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các lớp đào tạo nghề cho lao động theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời thực hiện đảm bảo chính sách cho người học theo quy định.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)