Lắng nghe tâm tư người lao động

Thanh Lê |

Lần đầu tiên, một cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) diễn ra ngay trong Tháng công nhân. Sau khi lắng nghe những tâm tư, ý kiến về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động (NLĐ), lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị tiếp thu, trả lời thỏa đáng.

Nguyện vọng về nhà ở, trường học...

Tại buổi đối thoại, đại diện CNLĐ trong tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã bày tỏ những băn khoăn, vướng mắc, tập trung vào các vấn đề về chế độ, chính sách đối với CNVCLĐ; vấn đề “tín dụng đen” trong các khu công nghiệp; công tác quản lý nhà nước về lao động và một số vấn đề khác có liên quan.

Trăn trở về nhà ở cho CNLĐ tại các khu công nghiệp, chị Hoàng Thị Bé Mai, Công ty May Hòa Thọ cho biết: “Đối với CNLĐ có thu nhập thấp tại các khu, cụm công nghiệp, các DN trên địa bàn tỉnh, lương chỉ đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu, trong khi giá cả sinh hoạt ngày càng cao. Do vậy, CNLĐ không thể có tích lũy để xây nhà ở, phải ở nhà ba mẹ hoặc thuê nhà trọ. CNLĐ muốn biết lãnh đạo tỉnh có giải pháp, chính sách gì để tạo điều kiện cho CNLĐ về nhà ở?”.

Vấn đề nhà trẻ cho con em CNLĐ cũng được nhiều NLĐ quan tâm tại buổi đối thoại lần này. Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms Nguyễn Thị Hoàng Hoa bày tỏ: “Đa số CNLĐ trong công ty đang trong độ tuổi nuôi con nhỏ (học mầm non). Thời gian tan ca của DN không trùng với giờ đón trẻ ở các trường công lập nên CNLĐ phải gửi con ở các nhà trẻ tư thục với chi phí cao hơn hoặc là phải xin công ty nghỉ sớm để về đón con, vừa giảm tiền lương, vừa ảnh hưởng đến sản xuất của DN.

Các đoàn viên công đoàn kiến nghị, đề xuất lãnh đạo tỉnh những vấn đề về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động -Ảnh: T.L
Các đoàn viên công đoàn kiến nghị, đề xuất lãnh đạo tỉnh những vấn đề về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động -Ảnh: T.L

Do vậy, vấn đề nuôi con nhỏ, nhà trẻ ngay tại khu, cụm công nghiệp dành cho con em CNLĐ đang là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh đó, CNLĐ cũng rất mong muốn có các thiết chế văn hóa để tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, rèn luyện sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần. Vậy đề nghị lãnh đạo tỉnh có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà trẻ, các thiết chế văn hóa, thể thao cho CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp”.

Việc đảm bảo thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với CNVCLĐ cũng được nhiều người quan tâm tại buổi đối thoại. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Đông Hà Nguyễn Thị Hoài Như nêu rõ: “Hiện nay, theo số liệu báo cáo trên địa bàn tỉnh có hơn 4.000 DN đăng ký hoạt động và sử dụng trên 35.000 lao động.Theo khảo sát của các cấp công đoàn thì nhiều DN có đăng ký kinh doanh nhưng không có hoạt động trên thực tế. Số DN đang hoạt động có số lượng lao động làm việc ít hơn so với đăng ký. Vậy tỉnh có giải pháp gì để quản lý DN và lao động sau đăng ký kinh doanh trên địa bàn?”.

Nhiều ý kiến khác đã quan tâm đến các vấn đề về hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật; giải pháp để tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các DN, khu, cụm công nghiệp; việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ trong DN…

Nhiều kiến nghị được giải đáp thỏa đáng

Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta, cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng được đổi mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên đáp ứng nhu cầu của thị trường, DN; tiêu chuẩn lao động cơ bản được bảo đảm, quan hệ lao động hình thành và hướng đến sự hài hòa ổn định.

Vấn đề an sinh xã hội, nhất là việc bảo đảm ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế, bị tác động trong quá trình CNH và nền kinh tế thị trường được đặt ra và có sự quan tâm nhất định. Hệ thống chính sách, pháp luật lao động đã góp phần quan trọng trong việc sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả để phát triển và thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận CNLĐ vẫn còn nhiều khó khăn; việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, các thiết chế văn hóa, thể thao, nhà trẻ, trạm y tế, nhà ở cho CNLĐ còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong giải quyết khó khăn, kiến nghị của DN, CNLĐ có lúc chưa kịp thời. Một số DN thực hiện chưa tốt chế độ, chính sách đối với NLĐ, nợ BHXH nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với những vấn đề mà CNLĐ phải đối mặt, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo hoặc tham mưu, đề xuất lên bộ, ngành trung ương những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho CNLĐ trên địa bàn. Thông qua hình thức đối thoại trực tiếp lần này, những vấn đề mà CNLĐ quan tâm đã được lãnh đạo chính quyền, các sở, ngành tiếp thu, trả lời thỏa đáng, có tính khả thi cao.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nhu cầu cấp thiết. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành trong quá trình thực thi nhiệm vụ quy hoạch phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội... Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng CSXH công khai các thông tin, quy định về vay vốn và các thủ tục cần thiết giúp NLĐ có điều kiện vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh. Đồng thời, qua diễn đàn lần này đề nghị LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn nên phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát về nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, rà soát giá cả để có định hướng xây dựng phù hợp.

Đối với một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc đảm bảo quyền, lợi hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ tại DN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan ngay sau buổi đối thoại phải làm việc trực tiếp với DN nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp. Quan tâm đến chính sách đối với giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dịp Quốc khánh năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tục

PV |

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 trong 4 ngày liên tục.

Thu nhập của người lao động tăng mạnh trong quý I/2023

PV |

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm 2023 là 7,0 triệu đồng, tăng 197 nghìn đồng so với quý trước và tăng 640 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động bị mất việc làm

PV |

Ngày 24/2, Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm việc trực tiếp với Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cắt giảm lao động, giảm giờ làm số lượng lớn.

Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động ở Triệu Phong

Tuấn Việt |

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Triệu Phong (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Phong, năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo trong huyện đạt 59,8%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 48,4%, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, bằng các giải pháp cụ thể, huyện Triệu Phong đã tạo việc làm mới cho 3.409 người (kế hoạch đề ra 1.850 người), trong đó xuất khẩu lao động 488 người.