Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động ở Triệu Phong

Tuấn Việt |

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Triệu Phong (Quảng Trị) triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Theo báo cáo của UBND huyện Triệu Phong, năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo trong huyện đạt 59,8%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 48,4%, đạt 100% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, bằng các giải pháp cụ thể, huyện Triệu Phong đã tạo việc làm mới cho 3.409 người (kế hoạch đề ra 1.850 người), trong đó xuất khẩu lao động 488 người.

Để tiếp tục góp phần tạo việc làm cho người lao động, ngày 28/4/2022, Huyện ủy Triệu Phong ban hành Nghị quyết số 08 về “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; UBND huyện xây dựng Đề án “Một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ giai đoạn 2022- 2026”, đồng thời tiến hành khảo sát tại các cơ sở sản xuất để hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh và huyện. Trong năm 2022, đã có 4 đề án khuyến công tỉnh được hỗ trợ với tổng kinh phí 390 triệu đồng, 6 đề án khuyến công huyện được hỗ trợ 200 triệu đồng.

Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong thông báo tuyển dụng công nhân -Ảnh: T.V
Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong thông báo tuyển dụng công nhân -Ảnh: T.V

Nhằm tạo việc làm cho người lao động trong năm 2023, trong những ngày cuối năm 2022, UBND huyện Triệu Phong phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm cho đoàn viên thanh niên và người lao động.

Tham gia sàn giao dịch việc làm có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 3.000 chỉ tiêu với nhiều ngành, nghề khác nhau. Không những tuyển dụng vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, sàn giao dịch việc làm còn tuyển dụng để đào tạo nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đồng thời tuyển dụng xuất khẩu lao động tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc.

Hiện địa chỉ mà người lao động Triệu Phong đặc biệt quan tâm đó là Cụm công nghiệp Ái Tử và Cụm công nghiệp Đông Ái Tử ở thị trấn Ái Tử. Hiện nay, Cụm công nghiệp Ái Tử có 12 doanh nghiệp đầu tư, trong đó 6 doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định nhiều năm nay. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử có 20 doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó 8 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang triển khai xây dựng nhà xưởng.

Riêng Nhà máy may Hòa Thọ Triệu Phong hiện có 1.000 công nhân làm việc. Hiện nay, nhà máy đang tuyển dụng nhiều vị trí việc làm như công nhân may mẫu, công nhân kiểm hàng (KCS), công nhân kỹ thuật rải chuyền và cơ điện.

Nhà máy điện tử Sangshin Central Việt Nam đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đưa vào hoạt động trong vài tháng tới. Nhà máy có vốn đầu tư gần 3 triệu USD sẽ tạo việc làm cho gần 500 lao động.

Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn huyện Triệu Phong có hơn 240 doanh nghiệp hoạt động sản xuất- kinh doanh với trên 6.200 lao động. Năm 2022, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 1.035,924 tỉ đồng.

Không chỉ tạo cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, huyện Triệu Phong còn triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, các cấp, ngành, đoàn thể trong huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động triển khai nhiều giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động.

Trong đó, Huyện đoàn- Hội LHTN Việt Nam huyện Triệu Phong phối hợp với các đơn vị liên quan đào tạo nghề cho đoàn viên thanh niên cũng như tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật và sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.

Việc đào tạo nghề, tập huấn đã giúp cho đoàn viên thanh niên có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống ngay trên quê hương mình. Hội LHPN các địa phương trong huyện mở lớp dạy nghề với nhiều ngành nghề như kỹ thuật chế biến món ăn, trồng hoa, trồng rau màu, chăn nuôi gà thả vườn… góp phần nâng cao tay nghề cho hội viên để phát triển kinh tế.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng dạy những nghề nông dân cần.

Để đạt được mục tiêu đó, trung tâm phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và đào tạo ngay tại địa phương…

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Nguyễn Thành Vũ cho biết: “Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Triệu Phong đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tếxã hội.

Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm cho đoàn viên thanh niên và người lao động cũng là một trong những giải pháp mang đến nhiều cơ hội để người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ, sức khỏe của mình cũng như tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động, cơ sở đào tạo tuyển được học sinh có nguyện vọng học nghề đạt chất lượng.

Trong thời gian tới, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm càng thành công sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện”.

Từ nhu cầu có việc làm của người lao động, huyện Triệu Phong phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho từ 800- 1.000 lao động; đến năm 2025 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%.

Năm 2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo 63,2%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 50,6%, tạo việc làm mới cho 1.900 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 200 người.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông: Chỉ là tai nạn lao động, không khởi tố vụ án

Thanh Mai |

Vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống ống trụ bê tông ở huyện Thanh Bình được cơ quan công an xác định là tai nạn lao động.

Lao động nước ngoài kể lại việc bị lừa làm việc bất hợp pháp ở Lào

PV |

Do cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong nước, nhiều người Sri Lanka đã quyết định tìm việc làm ở nước ngoài vào năm ngoái, để rồi bị mắc kẹt ở Lào, bị ép buộc làm việc cho các trung tâm lừa đảo tại Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (SEZ) ở tỉnh Bokeo.

Lao động ở Bình Dương bắt đầu công cuộc tìm việc dịp đầu năm

PV |

Tại Bình Dương, những năm trước, trung bình vào đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng từ 30.000 - 50.000 lao động. Tuy nhiên đầu năm 2023, qua khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không cao, từ 10.000 - 15.000 lao động gồm cả nhu cầu tuyển dụng lao động mới cũng như tuyển bù đắp số lao động không trở lại làm việc.

Lao động trở lại làm việc ổn định sau Tết Quý Mão

PV |

Đến đầu tháng 2/2023, hầu hết người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã trở lại làm việc ổn định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.